>> NGỌC AN

Jordan Nguyễn, host (người dẫn) của bộ phim, là cái tên khiến tôi tò mò và ngay lập tức phải “tra Google”. Chỉ sau một cú click, tôi đã bị “choáng” bởi độ “phủ sóng” của anh trên báo chí Úc, cùng sự thành công trong những vai trò từ nhà sáng chế, cho đến nhà sản xuất phim, diễn giả, người dẫn chương trình truyền hình.

Một buổi chiều thu Hà Nội, tôi đến phố đi bộ Hồ Gươm nơi đoàn làm phim đang ghi hình. Chẳng khó để nhận ra Jordan Nguyễn, một anh chàng cao nghều với mái tóc được chải lệch sang một bên - mà sau này tôi mới biết đây là kiểu tóc được tạo hình riêng cho Jordan Nguyễn.

“Lúc nào về Việt Nam, tôi cũng cảm thấy như trở về nhà, nơi mà gốc rễ của mình là ở đây”, Jordan cười với tôi. Tôi bắt đầu câu chuyện với Jordan bằng câu hỏi về quê hương của anh. “Tôi có một gia đình lớn ở Úc và một gia đình lớn ở Sài Gòn”, Jordan nói. Cứ thế anh say sưa kể về gia đình mình: “Năm 1960, bố tôi từ Sài Gòn sang Úc. Ông nhận học bổng ngành kỹ sư. Học xong, ông ở lại Úc và kết hôn với mẹ tôi. Tôi và 3 người em, 2 trai và 1 gái, sinh ra và lớn lên ở nước Úc”. Anh bảo, với công việc của một kỹ sư, bố đã dạy cho anh rất nhiều. “Chính những ảnh hưởng từ bố, tôi quyết định thi vào Trường đại học Công nghệ Sydney (University of Technology Sydney)”, Jordan Nguyễn nói.

Ở Úc, khi nhắc đến cái tên Jordan Nguyễn, người ta sẽ nhắc ngay đến chiếc xe lăn được điều khiển bằng trí não. Anh chính là người đã sáng chế ra chiếc xe “nổi tiếng” này, cũng như nhiều sản phẩm ứng dụng công nghệ dành cho người khuyết tật.

Jess Irwin được báo chí Úc ví như một nghệ sĩ mới nổi khi thể hiện tài năng cùng tứ tấu piano trong nhà hát ở Sydney. Cô không thể dùng tay để chơi đàn mà đã chơi nhạc với thiết bị điều khiển bằng mắt. Cách đó 4 năm, Jordan Nguyễn đã gặp Jess Irwin. “Tôi rất kinh ngạc trước nỗ lực phi thường của Jess. Cô luôn ao ước được đứng trên sân khấu và chơi nhạc cho mọi người nghe”, Jordan Nguyễn kể. Anh đã nghĩ đến việc sáng chế thiết bị tiếp nhận cử động của mắt để điều khiển nhạc cụ.

Jordan Nguyễn đã nhiều lần trải qua thất bại để dần dần đi đến thành công. “Tôi muốn mang trí óc và trái tim của mình để tạo nên những điều tốt đẹp hơn cho xã hội, thế giới”, người nhận giải thưởng NSW Australian of the Year 2017 nói. Hỏi anh vì sao lại dành nhiều công sức cho việc sáng chế những sản phẩm công nghệ dành cho người khuyết tật như vậy, Jordan Nguyễn đáp: “Tôi có nhiều người bạn khuyết tật, họ rất tài năng và muốn đóng góp cho xã hội. Những năng lượng từ họ đã truyền đến tôi và kích thích tôi sáng tạo. Tôi luôn nghĩ đến việc dùng công nghệ để làm nên những sản phẩm có ích”. “Bố chính là thần tượng của tôi. Ông khiến tôi hiểu mình đã đi đúng con đường”, Jordan Nguyễn nói.

“Giữa thời đại công nghệ này, người ta nương quá nhiều vào những cỗ máy trong khi mối quan hệ mỗi ngày lại một xa cách?”, tôi hỏi Jordan Nguyễn. “Đúng là như thế. Thực ra, việc sử dụng internet, mạng xã hội, các thiết bị thông minh giúp chúng ta kết nối nhanh hơn, nhiều hơn, nhưng rõ ràng là chúng ta cần phải học cách cân bằng. Trong bộ óc của chúng ta có nơ ron thần kinh cho phép nhận biết nụ cười của người khác và nhận ra họ trong đám đông. Khi nhìn thấy những nụ cười, chúng ta đã thấy vui rồi. Đó là lý do con người cần có sự kết nối”, anh nói.

Nhà sáng chế 34 tuổi cho rằng, con người muốn tìm hiểu công nghệ ảnh hưởng đến cuộc sống như thế nào nhưng chính sự phát triển của công nghệ cũng đã diễn ra quá nhanh. “Công nghệ có thể giúp con người phát triển nhưng lại không thể thay thế sự kết nối giữa người với người, những cuộc đối thoại, mặt đối mặt hằng ngày. Đó cũng chính là lý do tôi muốn trở thành host, diễn giả để cùng trò chuyện với mọi người. Mặc dù tôi là người tạo ra công nghệ nhưng tôi không cắt đứt mình với những người xung quanh tôi”, Jordan Nguyễn nói.

Tôi tò mò về sự kết nối của Jordan Nguyễn với gia đình và quê hương Việt Nam. “Hình ảnh của ông bà và gia đình ở Việt Nam luôn hiện hữu trong ngôi nhà của tôi tại Úc. Bố mẹ tôi vẫn làm những ngày giỗ, hay mâm cỗ tết để tưởng nhớ người thân, mừng năm mới. Tôi hiểu rằng nguồn gốc chính là điều không bao giờ mình có thể quên”, anh nói.

Cậu bé Jordan Nguyễn vẫn nhớ lần đầu tiên gặp bà nội là khi anh 10 tuổi. Đến giờ, mỗi lần về Việt Nam là mỗi lần anh háo hức vì được về thăm bà, được trở về nhà. “Bà vẫn dặn tôi làm việc chăm chỉ và giúp đỡ bố mẹ. Những người bà Việt Nam nào cũng dặn cháu mình như thế thì phải”, Jordan Nguyễn cười.

Hỏi Jordan Nguyễn thích ăn món Việt nào để tôi có cơ hội mời anh thưởng thức, anh nhoẻn miệng cười: “Tôi thích nhất món bún bò, mà có lần được bác nấu cho ăn khi tôi về Sài Gòn thăm nhà”.

Đồ họa: Duy Quang 

Báo Thanh Niên
22.01.2019

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.