Nhà máy 3.000 tỉ đồng bị 'đắp chiếu'

07/07/2016 09:02 GMT+7

Sau hơn 10 năm kể từ ngày khởi công xây dựng, nhà máy bột giấy hơn 3.000 tỉ đồng phải bỏ hoang vì không làm ra được bột giấy.

Đó là Nhà máy bột giấy Phương Nam, tọa lạc tại vùng Đồng Tháp Mười, thuộc H.Thạnh Hóa, Long An.
Nhà máy bột giấy Phương Nam do Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp và vận tải (thời điểm đó là Công ty đầu tư phát triển GTVT - Tracodi, thuộc Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 6, Bộ GTVT) làm chủ đầu tư, với tổng vốn 1.487 tỉ đồng.
Chuyển từ lúa sang đay
Vào thời điểm bấy giờ, đây là dự án được chính quyền địa phương và người dân vùng Đồng Tháp Mười rất kỳ vọng, bởi cây đay có thể trồng để thay vụ lúa hè thu thường bị ngập lũ hằng năm. Do vậy, cùng với việc khởi công xây dựng nhà máy vào tháng 3.2006, chính quyền tỉnh Long An cũng phát động nông dân chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng đay để cung ứng nguyên liệu cho nhà máy, đồng thời quy hoạch vùng đay chuyên canh gần 9.000 ha tại 3 huyện: Tân Thạnh, Thạnh Hóa và Mộc Hóa.
Đến tháng 11.2007, Tracodi có quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án lên 2.286 tỉ đồng và trong 2 năm 2007 - 2008, Tracodi đã ký hợp đồng với nông dân trồng 450 ha nguyên liệu tại 2 huyện Thạnh Hóa và Mộc Hóa.
Về hướng xử lý nhà máy này, ngày 6.7, ông Nguyễn Xuân Hồng, Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An, cho biết thẩm quyền giải quyết và tái cơ cấu dự án ra sao thuộc trách nhiệm của Bộ Công thương, vì đây là dự án do Chính phủ phê duyệt và đầu tư vốn. Tỉnh không có thẩm quyền.

Nhưng từ tháng 6.2009, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam được chuyển từ Tracodi sang Tổng công ty giấy VN (Vinapaco).
Theo hồ sơ, tại thời điểm này Tracodi chỉ mới thực hiện được 35% giá trị xây lắp (trị giá 38,8 tỉ đồng) của nhà máy sản xuất chính; khu xử lý nước thải đạt 40% (giá trị 36 tỉ đồng); khu nhà ở công nhân hoàn thành 30% (giá trị 6 tỉ đồng). Trong khi đó thì gói thầu mua sắm thiết bị được ký với nhà thầu Andritz được thực hiện và thanh toán 100% giá trị hợp đồng với số tiền lên tới 57,097 triệu euro.
Càng làm càng lỗ
Sau khi tiếp nhận dự án này từ Tracodi và trở thành chủ đầu tư mới, Vinapaco đã thuê tư vấn độc lập để tính toán lại hiệu quả của dự án. Theo đó, trong trường hợp có đủ nguyên liệu cho sản xuất, thì mỗi tấn sản phẩm do dây chuyền làm ra sẽ bị lỗ... gần 5 triệu đồng. Như thế, càng sản xuất thì càng lỗ.
Cuối năm 2012, sau khi được Bộ Công thương thẩm định, Vinapaco đã nâng mức đầu tư lên 3.409 tỉ đồng. Trong đó, số vốn đã giải ngân là 2.948 tỉ đồng, bao gồm vốn vay trong nước 1.952 tỉ đồng và vốn vay nước ngoài là 968 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau khi tiến hành chạy thử, dây chuyền sản xuất của nhà máy luôn gặp trục trặc.
Bấy giờ, Vinapaco đã mời chuyên gia nước ngoài sang cùng với các chuyên gia trong nước tham gia khắc phục sự cố nhưng không có kết quả. Cuối cùng, các chuyên gia đi đến kết luận không có khả năng khắc phục sự cố, dự án không có hiệu quả về kinh tế, không khả thi vì công nghệ không phù hợp.
Do bị lưu kho quá lâu, đến năm 2011, hơn 11.000 tấn đay nguyên liệu bị mục nát. Trong khi đó thì nông dân cũng “khóc ròng” vì trồng đay chẳng có đầu ra. Theo đề nghị của Bộ Công thương, ngày 12.5.2014, Thủ tướng Chính phủ ký văn bản cho phép Vinapaco dừng đầu tư Nhà máy bột giấy Phương Nam, đồng thời giao Bộ Công thương, Bộ Tài chính và UBND tỉnh Long An xây dựng phương án xử lý trình Chính phủ. Nhưng cho đến nay, nhà máy vẫn bỏ hoang vì chưa có ai mua. Còn vùng nguyên liệu đay thì đã bị xóa sổ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.