Nhà đầu tư ngoại mua ròng hơn 2.300 tỉ đồng chứng khoán Việt

Mai Phương
Mai Phương
18/03/2023 12:42 GMT+7

Thị trường chứng khoán trên thế giới có tuần chao đảo sau vụ 2 ngân hàng Mỹ bị phá sản. Nhưng trong nước, các nhà đầu tư ngoại vẫn mạnh tay mua ròng suốt tuần.

Rạng sáng 18.3 (giờ Việt Nam), thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc. Chỉ số Dow Jones giảm 384,57 điểm, tương ứng giảm 1,19%, xuống 31.861,98 điểm. Điều này cũng đưa Dow Jones giảm hơn 0,15% sau một tuần. Tương tự, chỉ số S&P 500 mất 1,10%, còn 3.916,64 điểm; chỉ số Nasdaq Composite lùi 0,74%, xuống 11.630,51 điểm. Tuy nhiên, tính chung cả tuần, 2 chỉ số S&P 500 và Nasdaq vẫn ghi nhận đà tăng so với cuối tuần trước. 

Trong tuần, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng dao động nhưng biên độ nhẹ hơn và thanh khoản vẫn duy trì ổn định. Trong đó, nhà đầu tư ngoại trở lại mua ròng cả 5 phiên trong tuần với tổng giá trị vào ròng đạt hơn 2.300 tỉ đồng trên cả hai sàn niêm yết.

Nhà đầu tư ngoại mua ròng hơn 2.300 tỉ đồng chứng khoán Việt - Ảnh 1.

Nhà đầu tư ngoại mua ròng suốt tuần trên sàn chứng khoán Việt Nam

NGỌC THẮNG

Các quỹ ETF là bên giao dịch chính khi các FTSE và Vaneck thực hiện cơ cấu danh mục quý 1/2023, ngoài ra quỹ Fubon cũng tiến hành giải ngân số tiền huy động của quỹ trong tuần sau khi đăng ký phát hành thêm khoảng gần 4.000 tỉ đồng chứng chỉ quỹ.

Cổ phiếu HSG tiếp tục được nhà đầu tư nước ngoài mua mạnh nhất với giá trị 330 tỉ đồng trong tuần vừa qua. Dòng tiền ngoại còn đổ vào một số mã tài chính ngân hàng như VND, SSI, SHB, MBB...

Trong bối cảnh vĩ mô trong và ngoài nước liên tục nhiễu động, nhóm phân tích của Công ty chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho rằng vẫn thấy một vài tia hy vọng cho thị trường chứng khoán Việt Nam.

Một là Nghị định 08, Nghị quyết số 33 và gói tín dụng 120.000 tỉ đồng với lãi suất cho vay thấp hơn đã mang đến hy vọng về sự “hạ cánh mềm” cho trái phiếu doanh nghiệp, cũng như các nhà phát triển bất động sản đang gặp nhiều khó khăn về thanh khoản gần đây. Hai là việc nới lỏng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước là một phần trong những nỗ lực liên tiếp của Chính phủ nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nói chung và tháo gỡ những trở ngại cho cả doanh nghiệp và người dân. Ba là động lực tăng trưởng mạnh mẽ đến từ giải ngân đầu tư công; sự trở lại dần dần của ngành du lịch và sản xuất trong nước.

Bốn là dòng vốn ngoại chuyển hướng mua ròng lại trong bối cảnh chỉ số USD- Index giảm và điều kiện vĩ mô trong nước thuận lợi hơn. Ngay cả sự sụp đổ của Silicon Valley Bank và Signature Bank có thể khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chậm tăng lãi suất...


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.