'Nhà báo Xích lô' làm Bộ trưởng Nông nghiệp

07/04/2021 17:31 GMT+7

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan , nguyên Bí thư tỉnh uỷ Đồng Tháp, được giới thiệu để bầu giữ chức Bộ trưởng Bộ NN-PTNT thay ông Nguyễn Xuân Cường.

Ngày 7.4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đệ trình danh sách để Quốc hội phê chuẩn các thành viên Chính phủ thay thế những người vừa được Quốc hội miễn nhiệm.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, được giới thiệu để bầu giữ chức Bộ trưởng Bộ NN-PTNT thay ông Nguyễn Xuân Cường. Ông Hoan là kiến trúc sư và là thạc sĩ kinh tế học.
Ông Hoan trưởng thành từ cán bộ địa phương trong ngành xây dựng trước khi là người đứng đầu cơ quan Đảng và chính quyền tại quê hương Đồng Tháp.

Chia sẻ từ chuyện con cá linh đến phát triển dài hạn

Trong thời kỳ công tác ở Đồng Tháp, tên tuổi của ông đã nổi tiếng, vượt xa khỏi địa phương khi ông thường xuyên viết bài chia sẻ về câu chuyện nông thôn, nông dân và những quan sát nghiên cứu của ông trong lĩnh vực nông nghiệp. Ông dùng bút danh “Xích lô” cho các bài viết của mình trên nhiều ấn phẩm báo chí.
Ông lý giải “Xích lô” - “Six Lotus”, nghĩa là Sáu Sen. Theo cách gọi ở Nam bộ, mọi người gọi ông là ông Sáu và Lotus (Sen) là nói đến quê hương ông Đồng Tháp – Sen Hồng.
Ông chia sẻ từ chuyện con cá linh không về vào tháng 7 để nói về biến đổi khí hậu cho đến những chuyện lớn hơn như chiến lược phát triển dài hạn.
“Người Đồng Tháp xa quê cũng nhớ, mà người Sen Hồng ở lại càng nhớ, nỗi nhớ mùa cá linh non, một loài cá nhỏ xíu xuôi theo dòng Mê Kông đổ về xứ mình, lớn dần theo từng con nước, rồi bỗng dưng mất hút... Ấy vậy mà năm nay, tháng bảy đến rồi, nước hổng thấy đâu và cá linh cũng chưa thấy về. Người ta nói năm nay nước sẽ không cao như mọi năm nữa, nguyên nhân là "thiên tai" cộng hưởng với "nhân tai", biến đổi khí hậu, mưa gió thất thường và hệ quả của các đập thuỷ điện ở thượng nguồn”, ông Hoan viết trên báo.
Trong câu chuyện về phát triển, ông viết: “Đảm nhận vị trí lãnh đạo một ngành, một lĩnh vực, một địa phương nào đó, thì đều có nhiệm vụ hoạch định chiến lược phát triển cho ngành, lĩnh vực, địa phương của mình. Mở rộng không gian phát triển, tìm kiếm cơ hội hợp tác là điều cần đặt ra khi hoạch định chiến lược phát triển của người lãnh đạo, đội ngũ lãnh đạo. Đó là tư duy lãnh đạo rộng mở, là tầm nhìn lãnh đạo mang tính chiến lược”.
Ông viết về thương lái, về truyền thông cho nông sản, viết về Ocop (đề án mỗi xã một sản phẩm)… Những bài báo ông chia sẻ được đánh giá là sắc sảo và đa chiều.

Phản đối "đèn nhà ai nấy rạng"

Ông cũng là lãnh đạo địa phương rất gần gũi để lắng nghe và chia sẻ với cả nông dân lẫn giới doanh nhân nhằm kết nối để tạo thành chuỗi giá trị kinh tế bền vững từ sản xuất đến lưu thông buôn bán.
Trong phát triển, ông kịch liệt phản đối tư duy “mỗi huyện là một pháo đài”; “đèn nhà ai nấy sáng, ruộng nhà ai nấy làm”.

Số hoá sẽ thúc đẩy liên kết và trợ giúp tích cực cho phát triển nông nghiệp

Ảnh Sơn Thủy

Trao đổi với Thanh Niên gần đây, ông Hoan đưa ra một số quan điểm trong phát triển nông nghiệp như việc số hoá nông nghiệp để có thể kết nối toàn diện và từ đó phân bổ tiềm lực và điều tiết các nhu cầu sản xuất kinh doanh. Ông lấy ví dụ, nếu như ta có bản đồ số về các sản phẩm xoài, vùng nào có xoài vào thời điểm nào thì các nhà máy có thể ở địa phương này vẫn có thể điều tiết dễ dàng nguồn cung nguyên liệu để phù hơp phát triển từ địa phương khác.
Hay như việc xây dựng công trình thuỷ lợi Cái Lớn - Cái Bé, nếu có được phần mềm điều hành và cung cấp thông tin đầy đủ thì tất cả mọi người từ trồng lúa cần nước hay nuôi tôm nuôi cá cũng căn cứ theo thông tin để điều tiết sản xuất của riêng mình.
Việc số hoá nhanh chóng và thông tin rộng rãi cũng giúp người sản xuất biết được thông tin để tránh tình trạng được mùa mất giá.
Ông cũng đưa ra quan điểm liên kết để có thể tạo ra những cánh đồng mẫu lớn và không phải động đến vấn đề cốt tử của người nông dân là việc sở hữu đất đai manh mún và nuôi trồng tự phát. “Muốn nông nghiệp gia tăng giá trị thì phải hạn chế bán thô, tăng cường bán sản phẩm đã chế biến nhưng để kéo nhà máy về thì phải tạo vùng nguyên liệu lớn. Điều này buộc phải liên kết vùng, bỏ đi khái niệm địa giới hành chính”, ông Hoan nói.
Ông có rất nhiều chia sẻ, nhưng đáng chú ý là việc liên kết trong các hợp tác xã nông nghiệp hay tạo ra các hợp tác xã sản xuất, tiêu thụ để tạo việc làm phi nông nghiệp bằng sản phẩm nông nghiệp. Giữ người nông dân ở lại nông thôn và không phải ra thành phố kiếm việc ở các khu vực công nghiệp.

Ông Lê Minh Hoan (thứ 2 bên trái) trong một lần thăm vườn củ cải ở xã Tráng Việt (H. Mê Linh, Hà Nội)

ẢNH Sơn Thuỷ

Ông Hoan là người rất thành thạo về sản xuất nông nghiệp ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng kể từ khi được Bộ Chính trị và Chính phủ điều động về giữ chức Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, ông Hoan đi thăm rất nhiều vùng sản xuất nông nghiệp ở phía Bắc để tìm hiểu về sản xuất nông nghiệp và nông thôn miền Bắc.
Tại xã Tráng Việt (H.Mê Linh, Hà Nội), ông đặt vấn đề, tạo sao không liên kết những người thương lái nhỏ để họ buộc phải thực hiện theo cam kết khi mua hàng, tránh mua bán phá giá khi khan hiếm và bỏ rơi nông dân khi dư thừa?
Tại sao không đầu tư sơ chế để tạo thêm việc làm tại nông thôn và gia tăng giá trị hàng hoá khi bán ra? Ông Hoan đặt vấn đề với nông dân và cán bộ địa phương.
Ông Hoan sinh ngày 19.1.1961 tại Đồng Tháp. Ông là kiến trúc sư, thạc sĩ kinh tế và nói được tiếng Anh. Ông là Ủy viên T.Ư Đảng khoá XII, XIII, đại biểu Quốc hội các khoá 11, 1 2, 13, 14.
Vợ ông là bà Huỳnh Thị Quỳnh Hoa, Chủ nhiệm đoàn Luật sư tỉnh Đồng Tháp, nguyên Chánh án TAND TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.