'Nhà báo là người không có công ăn việc làm': Chuyên gia ngôn ngữ học nói gì?

Hà Ánh
Hà Ánh
17/06/2022 16:14 GMT+7

'Nhà báo là người không có công ăn việc làm, thất nghiệp, đang ăn bám vào gia đình' là một định nghĩa gây xôn xao mạng xã hội gần đây. Chuyên gia ngôn ngữ học lên tiếng về cách hiểu của từ này.

Định nghĩa "nhà báo" trong từ điển Từ ngữ Nam Bộ của Nhà xuất bản Khoa học xã hội do tác giả Huỳnh Công Tín biên soạn

Gần đây trên mạng xã hội lan truyền một cách định nghĩa gây chú ý về “nhà báo”, khác hẳn với cách hiểu thông thường hiện nay.

Định nghĩa này được dẫn từ từ điển Từ ngữ Nam Bộ của Nhà xuất bản Khoa học xã hội do tác giả Huỳnh Công Tín biên soạn. Cụ thể, “nhà báo” là “người không có công ăn việc làm, thất nghiệp, đang ăn bám vào gia đình”. Trong từ điển này còn lấy ví dụ minh họa cho định nghĩa như sau: “Ra trường rồi ở nhà làm nhà báo chớ có làm được gì đâu”.

Có nên chỉ định nghĩa nhà báo là người 'thất nghiệp, ăn bám' trong từ điển?

Dưới góc nhìn một chuyên gia ngôn ngữ học, PGS-TS Hoàng Dũng (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), nhận xét: “'Nhà báo' được giải thích là 'người không có công ăn việc làm, thất nghiệp, đang ăn bám vào gia đình' thì nghe sốc thật. Nhưng nếu nhớ lời giải thích này là trong cuốn từ điển Từ ngữ Nam Bộ thì người đọc sẽ tỉnh lại vì từ ngữ 'nhà báo' được giải thích theo cách hiểu (mà tác giả cho là) của phương ngữ, chứ không phải theo cách hiểu phổ biến. Đó không phải là phỏng đoán vì ví dụ mà tác giả đưa ra ngay sau đó đã chứng thực: 'Ra trường rồi ở nhà làm nhà báo chớ có làm được gì đâu'".

Cũng theo PGS-TS Hoàng Dũng, trong ví dụ trên “nhà báo” không thể hiểu theo cách nào khác, ngoài “kẻ ăn bám”. "Điều đó không phải là một cách dùng từ ngữ quá đặc biệt, thỉnh thoảng chính tôi cũng được nghe 'nhà báo' theo nghĩa như trong ví dụ vừa dẫn", PGS-TS Hoàng Dũng nói thêm.

PGS-TS Hoàng Dũng giải thích thêm: "Nhưng tôi nghĩ chẳng qua đó là cách chơi chữ hai chữ 'báo' đồng âm: 'báo' trong 'báo chí' và 'báo' trong 'báo cô'. Như thế, 'nhà báo' hiểu theo nghĩa người ăn bám là hiện tượng lời nói, tức là sự vận dụng ngôn từ có tính chất cá nhân, hơn là một hiện tượng từ vựng đã được cố định hóa như một phần của vốn từ phương ngữ”.

Cũng theo chuyên gia ngôn ngữ học này, đó là lý do Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức (Nhà xuất bản Khai Trí, 1970) - một cuốn từ điển lớn, thu thập rất nhiều từ ngữ Nam Bộ, chỉ giải thích “nhà báo” là “chủ một tờ báo hoặc ký-giả”. Và cho đến nay, theo PGS-TS Dũng, chưa có một cuốn từ điển có uy tín nào giải thích “nhà báo” như tác giả cuốn từ điển Từ ngữ Nam Bộ, một từ điển thu thập hiện tượng ngôn ngữ, chứ không phải lời nói.

Ông Dũng nhận định thêm: “Nói tóm lại, cái sai của cuốn từ điển Từ ngữ Nam Bộ không phải là giải thích 'nhà báo' theo nghĩa 'kẻ ăn bám', mà là đưa cách sử dụng có tính chất lời nói vào từ điển. Cần nhớ rằng từ điển thu thập và giải thích vốn từ của một ngôn ngữ, chứ không phải sự vận dụng vốn từ đó trong những hoàn cảnh cụ thể, tức lời nói”.

Định nghĩa "nhà báo" trong Từ điển tiếng Việt (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1988)

hà ánh

Ngoài ra, theo chúng tôi tìm hiểu, trong Từ điển tiếng Việt (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1988) do tác giả Hoàng Phê chủ biên, “nhà báo” được định nghĩa là một danh từ chỉ “người chuyên làm nghề viết báo”.

Còn theo khoản 1 Điều 25 luật Báo chí 2016, định nghĩa về "nhà báo" như sau: "Nhà báo là người hoạt động báo chí được cấp thẻ nhà báo".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.