Nguyễn Tư Nghiêm đã về cùng ngựa Gióng

16/06/2016 05:16 GMT+7

Ở tuổi 94, danh họa Nguyễn Tư Nghiêm đã bay về trời cùng với ngựa Thánh Gióng - tác phẩm trộn lẫn hội họa đình làng và lập thể.

Bức Thánh Gióng của Nguyễn Tư Nghiêm giờ đây vẫn là tác phẩm nhiều người tìm xem khi tới Bảo tàng Mỹ thuật VN. Trên nền đỏ thắm của sơn mài, người ta được thấy những bước chân ngựa sải dài. Nhưng những bước chân đó không sải mềm như người ta vẫn thấy mà nó là những khối vuông vức. Thần thái tự do phóng khoáng phả trên gương mặt vị tướng trên lưng ngựa. Nếu có thể nói điều gì ngắn gọn nhất - ở Thánh Gióng, người ta thấy tinh thần dân tộc của đình làng trộn lẫn với hội họa lập thể.
Ở thời điểm đó, vẽ với tinh thần lập thể là điều hiếm có trong hội họa Việt. Các họa sĩ khi ấy rất gắn bó với phong cách hiện thực của hội họa Liên Xô. Người bạn rất thân của ông Nghiêm, họa sĩ Bùi Xuân Phái cũng đôi lúc vẽ lập thể. Tuy nhiên, những bức họa như thế chỉ nghe nói mà chưa mấy người thấy.
Theo họa sĩ Lê Thiết Cương, ông Nghiêm nằm trong bộ tứ Nghiêm - Liên - Sáng - Phái. Bộ tứ đó mỗi người làm một việc. Ông Phái đưa được hậu ấn tượng vào phố cổ Hà Nội. Ông Sáng đưa được tinh thần mạnh mẽ bộc trực thẳng thắn của văn hóa Nam bộ vào hội họa. Ông Liên đưa được hào hoa lãng mạn của Hà Nội, của Bắc kỳ vào trong hội họa. “Còn ông Nghiêm làm được điều vô cùng khủng khiếp, đặc biệt độc đáo cho đến nay chưa từng ai làm được, phiên dịch được điều đặc trưng nhất của nghệ thuật Việt là điêu khắc đình làng vào hội họa. Không ai vượt được ông ấy cả. Ông ấy như một định đề nếu đi đến tận cùng truyền thống thì sẽ gặp hiện đại”, họa sĩ Lê Thiết Cương nói.
Cũng theo các nhà nghiên cứu, ông Nguyễn Tư Nghiêm có 3 mảng đề tài lớn. Ông vẽ nhiều về các điệu múa cổ, Kiều - Kim Trọng và cuối cùng là 12 con giáp. “Cả 3 đề tài đó, ông Nghiêm vẽ gì cũng hay. Nhưng người ta hay nhắc đến 2 tác phẩm là Con nghé quả thực và Chống thuế ở Nam kỳ. Hai bức sơn mài đó mang đậm thời sự chính trị hơn nên được nói đến nhiều hơn. Còn những tác phẩm khác đều có thể dẫn chứng cho sự gặp gỡ giữa hiện đại và truyền thống”, ông Cương cho biết.
Ngày còn sống, nhà văn Kim Lân đôi lần cũng chia sẻ về việc ông Nghiêm cũng bị “nhắc nhở” về tư tưởng sáng tác trong thời kỳ Nhân văn giai phẩm. Điều này, theo ông Lân, khiến ông Nghiêm trở nên nhút nhát hơn. Mặc dù vậy, các tác phẩm của ông vẫn nở rộ tinh thần cả hiện đại lẫn truyền thống một cách rực rỡ. Năm 1996, ông Nghiêm được Giải thưởng Hồ Chí Minh trong đợt phong tặng đầu tiên. Đó cũng là một cách ghi nhận trở lại chính thống.
Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm vừa từ trần lúc 10 giờ 27 sáng 15.6 do tuổi cao sức yếu tại Hà Nội.
Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm sinh ra trong một gia đình khoa bảng tại Nghệ An. Ông học và tốt nghiệp Trường mỹ thuật Đông Dương khóa 14 (1941 - 1946), là bạn cùng lớp thân thiết với họa sĩ Bùi Xuân Phái. Ông tham gia Cách mạng Tháng Tám, rồi lên Chiến khu Việt Bắc năm 1947. Sau đó, ông trở thành giảng viên Trường mỹ thuật Việt Bắc do họa sĩ Tô Ngọc Vân làm hiệu trưởng.
Một số tác phẩm nổi tiếng của ông: Thánh Gióng, Người gác Văn Miếu, Giao thừa bên hồ Gươm, Điệu múa cổ, Mười hai con giáp, Kim Vân Kiều...
Nguyễn Tư Nghiêm nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật trong đợt đầu tiên năm 1996.
Lễ viếng danh họa bắt đầu từ 11 giờ 15 đến 12 giờ 45 ngày 17.6 tại Nhà tang lễ quốc gia 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Thi hài ông được an táng tại Nghĩa trang Văn Điển, Hà Nội.    

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.