Nguyễn Mạnh Tường - Người luật sư yêu nước: Vụ án quân nhân Liên khu IV giết người

31/08/2018 09:38 GMT+7

Mùa hè năm 1951, trăng hạ huyền đã gác đầu non, cả TT.Đức Thọ (Hà Tĩnh) im lìm trong giấc ngủ say. Riêng quán mẹ chiến sĩ do bà Cửu Mân phụ trách vẫn sáng ánh lửa. Luật sư Nguyễn Mạnh Tường không chợp được mắt, dẫu cho ông vừa có một hành trình dài đạp xe từ Thanh Hóa vào Đức Thọ.

Nhiệm vụ của ngài luật sư (LS) là biện hộ cho một quân nhân giết người. Đây không phải là lần đầu tiên ông tranh tụng trước tòa về vụ án quân nhân. Tình tiết vụ án lần này mà LS nhận được từ hồ sơ... không phức tạp về lý nhưng về tình thì...
Một anh thanh niên cha mất sớm, mẹ ở vậy nuôi anh khôn lớn, rồi anh xung phong nhập ngũ vào chiến trường Bình Trị Thiên. Trải qua những ngày đầu chiến đấu gian khổ nhưng thành tích có được đủ để anh tự hào. Được về phép, anh như đứa trẻ háo hức muốn khoe với mẹ. Vừa bước chân vào nhà, đúng lúc đó, anh bắt gặp một cảnh tượng mà dẫu có trong mơ không bao giờ anh ngờ tới… Mẹ anh và ông hàng xóm... theo ngôn ngữ lúc đó gọi là hủ hóa. Sự uất ức dồn nén của mặc cảm, anh vác gậy đánh ông ta chết ngay tại chỗ. Toà án quân sự Liên khu IV đem ra xét xử công khai tại Sân vận động Đức Thọ một quân nhân giết người.
Lặng im bao quanh! Cơn gió lướt qua như những cơn mưa rơi xuống vai LS Nguyễn Mạnh Tường. Ông đang có mặt trên đất tỉnh Hà Tĩnh, H.Đức Thọ, xã Châu Phong, một vùng quê khá đặc biệt. Cái làng nho nhỏ nằm bên bờ La Giang này là quê hương của bốn dòng họ lớn, thiên hướng rất khác nhau.
LS Nguyễn Mạnh Tường lần giở lại tất cả các vụ án đã được học khi còn là sinh viên cho đến những vụ án thực tế của người dân VN mà ông từng biện hộ dưới hai chế độ thực dân và Chính phủ Cụ Hồ.
Ông nhớ tới một vụ án, khi Chưởng lý đã kết án tử hình. Người LS nhìn lên đồng hồ, lúc đó đã gần 12 giờ đêm, ông ta thuyết phục quan tòa hãy cố nán lại đến 0 giờ. Đúng 0 giờ! Tiếng chuông nhà thờ vang lên. LS dõi đôi mắt nhìn khắp lượt bồi thẩm đoàn cho đến người tử tù vừa bị kết án, ông dõng dạc: “Thưa quý ngài! Hôm nay là Noel, ngày Thiên Chúa giáng sinh. Vậy lẽ nào chúng ta nỡ kết tội tử hình một con chiên của Chúa?”. Câu hỏi từ chuyện tiếng chuông Noel đã đánh thức lòng trắc ẩn của Chánh án và bồi thẩm đoàn. Đó là thủ thuật của LS, phải biết lựa thời điểm...
Khi tiếng chim mòng biển lảnh lót rít lên vào lúc rạng đông xoáy sâu trong tâm trí cũng là lúc LS Nguyễn Mạnh Tường tìm gỡ được đầu mối vụ án.
***
Tòa án Liên khu IV xét xử quân nhân giết người được trang trí như một sân khấu dưới trăng, tại Sân vận động H.Đức Thọ, Hà Tĩnh, với một bàn LS bên cạnh bàn chủ tọa. Cáo trạng trong hồ sơ mà ông Chánh án đọc lên với những lời luận tội nghiêm khắc dành cho anh quân nhân: tử hình! Xong, ông nghiêng mình lịch thiệp mời LS biện hộ.
Nghe tên Nguyễn Mạnh Tường, dân chúng hiếu kỳ phía dưới bắt đầu ồn ào bàn tán gây mất trật tự. LS Nguyễn Mạnh Tường bước lên, một động tác rất khéo, rất kỹ thuật mà không ai hiểu là cố ý hay vô tình. Một cú ngã sõng soài xuống sàn và ông nằm chỏng chơ trước phiên tòa. Phía dưới dân chúng được một tràng cười rộ lên. Cười xong, tất cả đều im lặng.
Lúc này LS Nguyễn Mạnh Tường mới bắt đầu lên tiếng bào chữa. Ông hỏi: “Ai là tội phạm trong vụ giết người này?”. “LS hỏi chi lạ rứa? Cáo trạng ghi rành rành ra đó”, ông Nguyễn Xuân Linh, Chánh án của phiên tòa khẽ cười nụ. “Anh quân nhân kia là kẻ giết người chứ ai”. “Chính người bị giết, chính ông hàng xóm kia mới là tội phạm”, cả phiên tòa bất ngờ ồ lên, LS nói tiếp: “Hãy xem xét lại tâm thế của anh bộ đội. Yêu mẹ, kính mẹ từ bé đến lớn. Anh đi chiến đấu vì Tổ quốc, vì lý tưởng cao đẹp. Được nghỉ phép, anh trở về gặp mẹ trong niềm vui báo công, nhưng chính trong hoàn cảnh ông hàng xóm hủ hóa với mẹ đã làm anh không còn là mình nữa. Đây là động tác của tình mẫu tử. Tội giết người do ông hàng xóm là tác nhân gây lên. Anh bộ đội về trong tâm thế gặp mẹ, trong tình cảm hạnh phúc chứ. Chính ông hàng xóm đẩy anh vào tình thế giết người. Vì vậy tội lỗi hoàn toàn do ông hàng xóm gây ra”. Tiếng LS Nguyễn Mạnh Tường trầm ấm: “Thưa quý tòa, thưa bà con Liên khu IV, bây giờ chúng ta xử như thế nào? Ta đưa một anh thanh niên, một quân nhân có thành tích giết giặc như thế này, chỉ vì động tác của tình mẫu tử mà phạm tội giết người, vào tội tử hình, để quân đội, để Tổ quốc mất một chiến sĩ hơn hay ta để cho anh trở về chiến đấu với đơn vị thì hơn?”, LS vừa dứt lời, quần chúng phía dưới vỗ tay vang dội hưởng ứng.
***
Đứng lẫn trong đám đông người xem hôm đó, nhà giáo Nguyễn Đình Chú không thể ngờ được, chỉ 2 năm sau, ông lại có vinh dự trở thành người học trò của GS-TS-LS Nguyễn Mạnh Tường ở Trường dự bị đại học Liên khu IV năm 1953 và Trường đại học Sư phạm Văn khoa (nay là Trường đại học Sư phạm Hà Nội) năm 1954. Câu chuyện trên được GS-NGND Nguyễn Đình Chú kể cho người viết bài này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.