Nguyễn Chánh Tín từng điêu đứng, mất nhà, phải ở trọ vì dốc hết tài sản làm phim

P.C.Tùng
P.C.Tùng
04/01/2020 11:23 GMT+7

NSƯT Nguyễn Chánh Tín qua đời để lại nhiều thương tiếc cho công chúng. Cả một đời theo đuổi điện ảnh , ông đã từng điêu đứng, bị ngân hàng xiết nhà, không có chỗ ở, khi dốc hết tài sản, cầm cố nhà cửa để làm phim.

Bộ phim Dòng máu anh hùng do Nguyễn Chánh Tín bỏ vốn sản xuất đến nay vẫn được xem là bộ phim hành động xuất sắc của điện ảnh Việt, giành được nhiều giải thưởng, có công phát hiện ra ngôi sao Ngô Thanh Vân với biệt danh “đả nữ’ màn ảnh Việt, cùng hai gương mặt diễn viên võ thuật sáng giá là Dustin Nguyễn, Johnny Trí Nguyễn khi ấy mới chân ướt chân ráo từ Mỹ về Việt Nam lập nghiệp.
Nhưng ai có ngờ, chính bộ phim này đã khiến cuộc đời của Nguyễn Chánh Tín đi vào thảm cảnh bi đát.

Phá sản vì Dòng máu anh hùng

Thời điểm 2005 sản xuất Dòng máu anh hùng, kinh phí cho bộ phim này lên tới 1,5 triệu USD (gần 30 tỉ đồng) - một con số được xem là quá lớn đối với việc đầu tư cho một phim chiếu rạp thời đó, thể hiện tâm huyết muốn làm ra một sản phẩm chất lượng cao, chỉn chu cho điện ảnh Việt của Nguyễn Chánh Tín. Do thiếu tiền nên Chánh Tín phải vay Ngân hàng 8,3 tỉ đồng để làm phim.

Nguyễn Chánh Tín và người cháu gọi ông bằng chú - diễn viên Johnny Trí Nguyễn

Phim hoàn thành, công chiếu tại các rạp nhận được nhiều khen ngợi của giới chuyên môn,  rồi đoạt giải tại LHP Việt Nam, LHP châu Á Thái Bình Dương năm 2007... Tuy nhiên, vì lúc đó rạp chiếu tại Việt Nam chưa nhiều, khán giả chưa có thói quen đến rạp giải trí đông đảo như bây giờ, Dòng máu anh hùng chỉ thu được doanh số 3,5 tỉ đồng từ tiền bán vé. Số tiền này không thấm vào đâu so với số tiền mà Chánh Tín đã bỏ ra làm phim.
Bán phim cho thị trường nước ngoài, ê kíp nhà sản xuất cũng chẳng thu được là bao, vắng khách vì phim đã bị sao chép, đĩa lậu bán tràn lan trước đó.

Poster bộ phim Dòng máu anh hùng

Từ đó, Chánh Tín lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, cho đến năm 2009 số nợ lên đến 10,5 tỉ đồng. Ông cùng vợ là bà Bích Trâm bàn bạc và thống nhất đem ngôi nhà của gia đình nằm trên đường Ba Vì (quận 10, TP.HCM) thế chấp cho ngân hàng.  
Trong thời gian này, Chánh Tín cũng đầu tư vào dự án trồng rau sạch tại tỉnh Lâm Đồng và công việc làm ăn thất bại liên tiếp khiến ông lâm vào cảnh trắng tay.
Không kiếm ra tiền trả nợ, đến tháng 7.2012, TAND quận 10 buộc Chánh Tín phải giao ngôi nhà nói trên cho ngân hàng. Kiện cáo qua lại kéo dài hơn 2 năm, đến thời điểm 2014, ông bị cưỡng chế giao nhà. Vợ chồng ông không có chỗ ở, cộng thêm Chánh Tín bị mắc bệnh nặng về tim mạch, huyết áp, tiểu đường, liên tục phải đi bệnh viện... Tình cảnh buồn thê thảm của một ngôi sao tài danh ở lúc "về chiều" như ông khiến khán giả xót xa, tạo nên sự quan tâm lớn trong dư luận.

Hết lòng cho điện ảnh, cuối đời nghèo khó

Phải nói, Nguyễn Chánh Tín là người để lại dấu ấn lớn trong thể loại phim kinh dị tại Việt Nam, khi ở thập niên 1990, ông từng sản xuất và đóng chính các phim kinh dị khá tốt như Ngôi nhà oan khốc, Xác chết trên cao nguyên, Chiếc mặt nạ da người…

Nguyễn Chánh Tín năm 2014 tại nhà riêng trước khi bị xiết nợ

Tiếp xúc với chúng tôi thời gian bị xiết nợ năm 2014, Nguyễn Chánh Tín buồn bã tâm sự: “Cả một đời lao động cật lực với niềm đam mê nghệ thuật, thành công với vai diễn Nguyễn Thành Luân trong phim Ván bài lật ngửa, vợ chồng tôi mới dành dụm tiền mua được căn nhà này. Tưởng đã an yên, tôi đã tiếp tục dốc hết tiền bạc và tâm huyết vào nhiều bộ phim như: Chết lúc nửa đêm, Hiệp sĩ guốc vông, Suối oan hồn, Ngôi nhà bí ẩn..., nhưng do tính toán thị hiếu không tốt, các phim này toàn lỗ vốn. Bộ phim mà tôi tự hào nhất vì đạt thành công về mặt nghệ thuật, là phim Dòng máu anh hùng, nhưng doanh thu của phim chẳng được là bao, lại bị ăn cắp bản quyền, dẫn tới tôi phải điêu đứng, nợ nần chồng chất, quanh năm suốt tháng chạy vạy tìm cách trả nợ. Thành công với nghệ thuật nhưng cũng chính niềm đam mê nghệ thuật đã giết tôi. Từ đỉnh cao sự nghiệp nhưng khi về già tôi lại lâm vào cảnh bi đát, đứng trước nguy cơ ra đường ở như thế này”.
Để duy trì cuộc sống, hai vợ chồng ông đã phải bán đi khá nhiều tranh tượng quý trong nhà. Ở tuổi 62 khi đó, ông mở quán nhậu, nhận lời đi hát trở lại khi có bầu show mời và đóng nhiều phim hơn với những vai phụ. “Không có gì phải tủi thân, giờ già thì mình đóng vai già, có gì đâu" – ông trải lòng.

Vợ chồng Nguyễn Chánh Tín - Bích Trâm chụp cùng Phi Thanh Vân vào tháng 8.2019 khi cô ngỏ ý giúp đỡ bà Bích Trâm chữa mắt và mời Chánh Tín đi hát

Những ngày cuối đời, vợ chồng Nguyễn Chánh Tín – Bích Trâm sống trong căn nhà thuê bình dân ở TP.HCM. Ông cũng nhận được nhiều sự giúp đỡ nho nhỏ từ các mạnh thường quân và các nghệ sĩ, nên cuộc sống đỡ vất vả hơn so với lúc bị xiết nợ.
Nay, ông ra đi, ai cũng ngậm ngùi và thương tiếc cho một tài tử từng lừng lẫy trên màn bạc đã nếm trải đủ mọi thăng trầm trong nghiệp làm phim.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.