Nguy kịch sau 4 ngày dùng thuốc Paracetamol

17/08/2019 04:31 GMT+7

Bé trai 27 tháng tuổi (trú TT.Thanh Sơn, H.Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) nhập viện cấp cứu sau 4 ngày dùng thuốc hạ sốt tại nhà.

Gia đình cho biết, trước khi nhập viện, bé sốt cao từng cơn, ho khò khè nên người nhà cho uống thuốc hạ sốt Paracetamol (loại 500 mg x 4 viên/ngày), và đã uống trong suốt 4 ngày. Hôm 14.8, bệnh nhi (BN) được đưa vào cấp cứu tại Trung tâm sản nhi - Bệnh viện đa khoa Phú Thọ trong tình trạng lơ mơ, mệt lả, sốt 38 độ, khó thở, ho khò khè, tim nhịp nhanh, phổi thông khí kém, gan to. Các bác sĩ chẩn đoán bé bị suy hô hấp toan chuyển hóa nặng trên BN viêm phổi, theo dõi ngộ độc Paracetamol.
Theo các bác sĩ, bé trai có dấu hiệu ngộ độc Paracetamol do sử dụng quá liều, chuyển điều trị tại khoa hồi sức tích cực chống độc của trung tâm. BN được đặt ống nội khí quản, thở máy, rửa dạ dày... Tuy nhiên, 2 giờ sau khi vào viện, bé đã rơi vào hôn mê, đồng tử 2 bên co nhỏ, phản xạ ánh sáng kém, tim nhịp nhanh, huyết áp tụt, triệu chứng suy gan cấp, rối loạn đông máu nặng. Các bác sĩ đánh giá đây là trường hợp nặng, tiên lượng tử vong nếu không được ghép gan, nên BN được chuyển tuyến đến Bệnh viện Nhi T.Ư (Hà Nội) tiếp tục điều trị, sau khi được điều chỉnh các chức năng sống cơ bản cho bé.

Chính vì tính nguy hiểm và hậu quả nghiêm trọng do ngộ độc thuốc, chúng tôi đặc biệt khuyến cáo các phụ huynh khi con sốt, ho, cần phải được đi khám bác sĩ chuyên khoa và dùng thuốc theo đơn, đúng liều lượng, đúng hướng dẫn, tuyệt đối không được tự ý cho trẻ dùng thuốc

Th.S-BS Phan Hồng Sáng (Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc - Trung tâm sản nhi, Bệnh viện đa khoa Phú Thọ)

Th.S-BS Phan Hồng Sáng, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc - Trung tâm sản nhi, cho biết năm ngoái tại đây cũng đã tiếp nhận một BN 3 tuổi tử vong do ngộ độc Paracetamol.
“Chính vì tính nguy hiểm và hậu quả nghiêm trọng do ngộ độc thuốc, chúng tôi đặc biệt khuyến cáo các phụ huynh khi con sốt, ho, cần phải được đi khám bác sĩ chuyên khoa và dùng thuốc theo đơn, đúng liều lượng, đúng hướng dẫn, tuyệt đối không được tự ý cho trẻ dùng thuốc”, bác sĩ Phan Hồng Sáng nhấn mạnh, đồng thời lưu ý các bà mẹ đang cho con bú, khi dùng thuốc phải có sự tư vấn của bác sĩ điều trị, vì có một số loại thuốc có thể truyền qua sữa mẹ gây ngộ độc cho trẻ khi bú sữa mẹ.
Trung tâm sản nhi đã tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ ngộ độc thuốc và thường do những loại thuốc hay gặp như: hạ sốt, thuốc dùng điều trị tiêu chảy (Loperamid), thuốc nhỏ mũi (Naptazoline), hạ huyết áp, chống dị ứng, thuốc ngủ…
Nguyên nhân chủ yếu do người nhà tự ý mua thuốc điều trị cho trẻ mà chưa có chỉ định của bác sĩ. Một số phụ huynh vì muốn trẻ nhanh khỏi bệnh đã tự ý tăng liều thuốc cho trẻ. Ngoài ra còn có tình trạng cha mẹ sử dụng đơn thuốc của trẻ khác để mua cho con mình uống.
Đáng lưu ý, nhiều gia đình chưa cất giữ thuốc cẩn thận, để thuốc trong các hộp đựng bánh kẹo làm trẻ ăn nhầm. Hoặc có nhiều trường hợp ngộ độc do cha mẹ cho trẻ uống những loại thuốc không rõ nguồn gốc, không rõ thành phần. 
Bé gái 13 tuổi suýt mất mạng vì uống... 40 viên Paracetamol
Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) vừa tiếp nhận cấp cứu cho một trường hợp ngộ độc nguy kịch vì uống thuốc Paracetamol (loại 500 mg) quá liều.
Hôm qua 16.8, bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Vũ Phượng Thy, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi đồng thành phố, thông tin: N.T.H.V (13 tuổi, nữ, ngụ Tiền Giang) nhập viện trong tình trạng lừ đừ, nôn ói, chóng mặt, mạch nhanh, tay chân lạnh…
Gia đình cho biết tối 12.8 em V. đã tự uống 40 viên thuốc Paracetamol 500 mg. Thuốc có sẵn trong nhà do gia đình mua để trị nhức đầu cảm cúm. BN được đưa ngay vào bệnh viện địa phương, rửa dạ dày và được cho uống than hoạt tính nhưng tình trạng diễn tiến không thuận lợi. Xét nghiệm máu cho thấy men gan tăng rất cao, hơn 20 lần so với bình thường. Vì vậy, BN lập tức được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng thành phố. Sau 3 ngày điều trị, tình trạng của V. đã cải thiện dần, men gan giảm đáng kể.
Hiện tại, BN đang được theo dõi tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc và được tiếp xúc giải tỏa tâm lý với các chuyên gia. Qua trò chuyện với bác sĩ, V. cho biết uống thuốc vì giận ba, xin đi nối tóc nhưng ba không đồng ý. Sau khi được điều trị, V. cảm thấy hối hận.
Theo bác sĩ Thy, Paracetamol là một loại thuốc hạ sốt thông thường nhưng có thể gây ngộ độc nặng, tổn thương gan nặng nề nếu sử dụng không đúng chỉ định, không đúng liều. Việc lạm dụng thuốc có thể gây hậu quả nặng nề đối với sức khỏe.
“Giai đoạn vị thành niên, dậy thì là khoảng thời gian trẻ phát triển và thay đổi tâm sinh lý rất nhiều. Trẻ cần được quan tâm, lắng nghe và chia sẻ của phụ huynh. Phụ huynh tránh ép buộc, áp đặt, gây xáo trộn tâm lý trẻ, dẫn đến trẻ có những hành động nông nổi, nguy hiểm đến tính mạng”, bác sĩ Thy chia sẻ.
Nguyên Mi
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.