Nguy hiểm tình trạng trẻ hóa bệnh lý tăng huyết áp

03/08/2022 21:03 GMT+7

Hiện nay, tỷ lệ người mắc tăng huyết áp có xu hướng tăng cao và độ tuổi trẻ dần.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là nhịp sống nhanh và lối sống sinh hoạt không đúng. Nguy hiểm hơn, bệnh tăng huyết áp thường không có triệu chứng rõ ràng khiến nhiều người chủ quan, không tuân thủ điều trị dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.

Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (BV ĐHYD TP.HCM) đang điều trị phục hồi chức năng cho người bệnh T.V.S. (46 tuổi, ngụ tại Lâm Đồng). Trước đó, anh S. được chẩn đoán tăng huyết áp và điều trị tốt trong hơn 6 tháng. Tuy nhiên khoảng 1 tháng nay, do thấy tình trạng sức khỏe ổn định nên anh bỏ uống thuốc, bỏ tái khám. Áp lực công việc cũng khiến anh S. thường xuyên căng thẳng, chế độ sinh hoạt và tập luyện không điều độ. Sau đó anh S. bị đột quỵ. Di chứng sau đột quỵ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, công việc và sinh hoạt hằng ngày. Hiện anh đang được điều trị phục hồi chức năng.

Chia sẻ với bác sĩ, anh cho biết bản thân rất hối hận vì không tuân thủ điều trị để biến chứng nghiêm trọng này xảy ra.

GS-TS-BS. Trương Quang Bình khám cho người bệnh tim mạch

Lối sống hiện đại ảnh hưởng như thế nào tới tình trạng trẻ hóa tăng huyết áp?

Theo GS-TS-BS. Trương Quang Bình, Phó giám đốc Bệnh viện, Giám đốc Trung tâm Tim mạch BV ĐHYD TP.HCM, trước đây người bệnh trên 60 tuổi tăng huyết áp chiếm tỷ lệ cao. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người bệnh dưới 60 tuổi được chẩn đoán mắc bệnh lý này, chiếm 40% trong tổng số người bệnh đi khám và phát hiện tăng huyết áp tại BV ĐHYD TP.HCM.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ hóa bệnh lý tăng huyết áp là do lối sống, chế độ sinh hoạt không đúng dẫn đến nhiều yếu tố nguy cơ gây bệnh như: thói quen ăn mặn, ăn nhiều thức ăn nhanh, uống nhiều bia rượu, ít vận động, tình trạng béo phì, thường xuyên căng thẳng, lo âu… Kết quả là tình trạng tăng huyết áp ngày càng tăng và nhiều người trẻ tuổi sớm mắc bệnh tăng huyết áp.

Bệnh tăng huyết áp đa phần không có triệu chứng. Nguy hiểm hơn, có đến 90% người bệnh không có nguyên nhân gây bệnh. Ở người trẻ tuổi, tâm lý chủ quan khiến nhiều người vô tình phát hiện bệnh khi đến khám sức khỏe tổng quát hoặc nghiêm trọng hơn là khi đã xuất hiện biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, đột quỵ… Nhiều trường hợp bất ngờ bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim, nhồi máu não trong khi trước đó sức khỏe còn rất tốt, nguyên nhân đa số là do biến chứng của bệnh tăng huyết áp gây ra.

Ngoài ra, tăng huyết áp còn dẫn đến nhiều biến chứng khác như: phì đại cơ tim, suy tim, xuất huyết đáy mắt, phù gai thị trong đáy mắt, mất thị lực, suy thận hoặc các bệnh lý động mạch chủ… Đây là các biến chứng nặng nề, nhiều trường hợp có thể tử vong nhanh chóng nếu không được cấp cứu kịp thời.

Để kiểm soát và điều trị tăng huyết áp hiệu quả

Trước tình trạng bệnh tăng huyết áp ngày càng trẻ hóa, GS-TS-BS. Trương Quang Bình khuyến cáo, cách tốt nhất để phát hiện bệnh kịp thời là đi khám sức khỏe định kỳ. Mỗi người cũng có thể chủ động phát hiện tăng huyết áp bằng cách tự đo huyết áp. Chỉ cần một trong 2 trị số: huyết áp tâm thu (số trên) từ 140 mmHg trở lên, huyết áp tâm trương (số dưới) từ 90 mmHg trở lên thì được xem là tăng huyết áp.

Ngay khi phát hiện tăng huyết áp hoặc có những triệu chứng dù chỉ thoáng qua như: hồi hộp, đánh trống ngực, nhức đầu mỗi buổi sáng thức dậy... nên đi thăm khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Đặc biệt, người có các yếu tố nguy cơ: thói quen ăn mặn, môi trường sống ít vận động, uống nhiều rượu bia, căng thẳng thường xuyên, lớn tuổi và tiền căn gia đình có người mắc tăng huyết áp nên khám sức khỏe định kỳ.

GS-TS-BS. Trương Quang Bình cho biết, để đạt hiệu quả trong điều trị tăng huyết áp, người bệnh cần có hiểu biết về tăng huyết áp để phối hợp tốt với bác sĩ trong quá trình điều trị, kiểm soát bệnh. Việc điều trị cần tuân thủ cả việc sử dụng thuốc và duy trì chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, tập luyện đều đặn. Người bệnh phải tuân thủ đúng thì mới giảm thiểu được nguy cơ xảy ra các biến cố tim mạch nghiêm trọng. Ngoài việc tái khám định kỳ, khi có bất cứ tình trạng nào khác thường về trị số huyết áp, tần số tim thay đổi nhiều, nặng ngực, giảm sự gắng sức, khó thở... thì phải tái khám ngay.

Tại BV ĐHYD TP.HCM, tất cả người bệnh đến khám đều được đo huyết áp vì đây là một sinh hiệu bắt buộc phải có trong tất cả các nhận định về sức khỏe. Hiện bệnh viện có 5 phòng khám chuyên khoa tim mạch chuyên sâu. Tại đây, người bệnh được chẩn đoán xác định lại bệnh lý tăng huyết áp, tìm nguyên nhân nhằm đánh giá nguy cơ và các biến chứng, từ đó bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị phù hợp cho từng người bệnh. Đối với người bệnh cần điều trị nội trú, các chuyên khoa tim mạch như tim mạch can thiệp, nội tim mạch… sẽ tiếp nhận, xử lý nhanh chóng người bệnh có biến chứng tăng huyết áp, đảm bảo tối đa công tác cấp cứu và điều trị.

GS-TS-BS. Trương Quang Bình nhấn mạnh rằng, điều quan trọng nhất là phòng bệnh. Phải nhận biết các yếu tố nguy cơ của tăng huyết áp và có kế hoạch loại trừ những yếu tố nguy cơ này càng nhanh càng tốt. Hãy có một chế độ ăn uống thích hợp, chế độ tập thể lực đều đặn và khám sức khỏe định kỳ để tránh mắc bệnh tăng huyết áp.

Nhằm nâng cao kiến thức của cộng đồng về tình trạng trẻ hóa bệnh lý tăng huyết áp, Trung tâm Truyền thông BV ĐHYD TP.HCM phối hợp cùng đơn vị tài trợ Văn phòng đại diện Merck Export Gmbh tại TP.HCM thực hiện chương trình tư vấn Sống khỏe - Sẻ chia với chủ đề: Lối sống hiện tại và tình trạng trẻ hóa bệnh lý tăng huyết áp - Lời khuyên và góc nhìn của chuyên gia y tế, theo dõi tại: https://bit.ly/trehoabenhlytanghuyetap


Chương trình cung cấp thông tin về tình trạng trẻ hóa bệnh lý tăng huyết áp hiện nay, ảnh hưởng của lối sống hiện tại đến bệnh lý tăng huyết áp và các phương pháp kiểm soát, điều trị, phòng ngừa tăng huyết áp hiệu quả, an toàn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.