Nguy hiểm gì khi đi học giữa trời nắng nóng như thiêu đốt?

Thúy Hằng
Thúy Hằng
08/05/2023 14:36 GMT+7

Những ngày qua nhiệt độ cả nước tăng cao, tại thị trấn Hồi Xuân, H. Quan Hóa, Thanh Hóa trưa 6.5 trời nắng nóng như thiêu đốt, có thể đo được nhiệt độ 44,1 độ C. Học sinh đi học, người lớn đi làm đều rất chật vật.

Nguy hiểm gì khi đi học giữa trời nắng nóng như thiêu đốt? - Ảnh 1.

Trẻ em và người lớn giữa "chảo lửa" Thanh Hóa ngày nắng nóng hơn 44 độ C

MINH HẢI

Ngay ngày hôm qua, 7.5 tại trạm khí tượng H.Tương Dương, Nghệ An có thể đo được nhiệt độ cao hơn là 44,2 độ C. Tại TP.HCM, nhiệt độ cho thấy có những ngày 38 - 39 độ C, nắng nóng hầm hập từ sáng tới chiều.

Nguy cơ sốc nhiệt

Nguy cơ gì có thể xảy ra khi học sinh đi học, ôn thi giữa mùa nắng nóng gay gắt như thế này? Những điều nguy hiểm có thể xảy ra khi học sinh không có phương án chống nắng, điều hòa nhiệt độ cho cơ thể?

Bác sĩ chuyên khoa I Phan Thị Thanh Hà, Trưởng khoa Nhi - Nhiễm, Bệnh viện Q.8, TP.HCM cho biết nguy cơ đầu tiên, nguy hiểm nhất trong những ngày nắng nóng gay gắt như thế này là sốc nhiệt. Người bị sốc nhiệt đầu tiên bị đỏ mặt, chóng mặt đau đầu, nặng hơn là co giật, tiêu cơ vân, suy thận, thậm chí tử vong.

Mới đây có một học sinh bị tổn thương gan thận vì sốc nhiệt do chạy nhiều vòng sân giữa trời nắng nóng gay gắt phải nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố. Hay tại SEA Games 32 đang diễn ta tại Campuchia, thời tiết nắng nóng quá khắc nghiệt đã khiến VĐV điền kinh Nguyễn Thị Ninh ngất xỉu khi qua được vạch đích.

Nguy hiểm gì khi đi học giữa trời nắng nóng như thiêu đốt? - Ảnh 2.

VĐV Nguyễn Thị Ninh ngất xỉu khi vừa qua đích

QUỐC VIỆT

"Khi sốc nhiệt, trung tâm điều nhiệt ở não bị tổn thương, không điều chỉnh được nhiệt độ cơ thể. Từ đó có thể dẫn đến tiêu hủy cơ, tổn thương chức năng thận, gan. Trong những trường hợp bệnh nhân bị sốc nhiệt, cần ngay lập tức đưa người bệnh tới nơi mát, làm mát cơ thể, di chuyển bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu như thở oxy và các biện pháp hỗ trợ, điều trị khác nếu nặng", bác sĩ Phan Thị Thanh Hà cho biết.

Những yếu tố nguy cơ khiến trẻ dễ bị sốc nhiệt trong những ngày nắng nóng gay gắt này có thể kể đến như: trẻ mặc áo tối màu dẫn đến hấp thu nhiệt cao hơn; trẻ mặc áo dày có lớp lót bằng nỉ giữ nhiệt; trẻ béo phì cũng có nguy cơ sốc nhiệt cao hơn...

Phòng tránh sốc nhiệt như thế nào mùa nắng nóng?

Đang là những tuần cuối cùng của năm học đồng thời là giai đoạn cao điểm để ôn tập, thi cử, học sinh phải đến trường, di chuyển tới các lớp ôn luyện nhiều. Đặc biệt trẻ có thể tan học vào buổi trưa, di chuyển trên đường vào giữa trưa là lúc nắng nóng đỉnh điểm nhất.

Rất nhiều cha mẹ ỷ y rằng đi đoạn đường ngắn thì không cần trang bị đồ chống nắng gì cho con. Trên đường có thể dễ dàng bắt gặp các phụ huynh đi đón con thì trùm kín như ninja nhưng các con thì không áo khoác, đầu trần, ngay cả nón bảo hiểm cũng không đội. Hoặc các nữ sinh có thể chú ý mặc áo khoác, khẩu trang và dùng kem chống nắng còn các học sinh nam thường chủ quan, không đội nón, không mang áo khoác…

Nguy hiểm gì khi đi học giữa trời nắng nóng như thiêu đốt? - Ảnh 3.

Nhiều cha mẹ bịt kín như ninja khi chở con đi học, còn con thì không nón bảo hiểm và cả áo khoác!

THÚY HẰNG

Bác sĩ chuyên khoa I Phan Thị Thanh Hà khuyên phụ huynh cần lưu ý trùm kín mũ (nón), áo khoác chống nắng, kính mát, khẩu trang, găng tay chống nắng cho con, bôi kem chống nắng có chỉ số SPF trên 50. Nếu không có việc gì quan trọng, nên hạn chế di chuyển giữa trưa nắng để hạn chế nhất thời gian tiếp xúc trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời. Đặc biệt, áo khoác chống nắng cần che được phần gáy sau cổ - đây là nơi quan trọng, là trung tâm điều nhiệt cho cơ thể.

Trường học nên điều chỉnh giờ học thể dục

Bác sĩ chuyên khoa I Phan Thị Thanh Hà, Trưởng khoa Nhi – Nhiễm, Bệnh viện Q.8, TP.HCM cho biết học sinh cần luôn luôn được uống đủ nước. Hạn chế uống đồ uống có cafein và nước ngọt.

Ăn đồ ăn nhẹ, dễ tiêu hóa, không nên ăn quá no và không nên ăn đồ ăn có gia vị quá cay, nóng

Tăng cường rèn luyện thể dục thể thao. Song những ngày trời nắng nóng gay gắt này các trường học nên điều chỉnh giờ học thể dục và thay thế các môn học thể dục phù hợp hơn.

Đặc biệt, khi mới ở ngoài trời nắng về thì không được tắm ngay lập tức. Cần nghỉ ngơi cho cơ thể ráo mồ hôi, sau đó mới tắm để tránh việc thay đổi nhiệt độ đột ngột.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.