Nguy cơ từ 'hải quân trá hình' của Trung Quốc

12/05/2015 00:00 GMT+7

Giới tình báo, quân sự Mỹ cảnh báo Trung Quốc đã và đang biến lực lượng hải cảnh thành một dạng hải quân để tăng cường kiểm soát Biển Đông.

Giới tình báo, quân sự Mỹ cảnh báo Trung Quốc đã và đang biến lực lượng hải cảnh thành một dạng hải quân để tăng cường kiểm soát Biển Đông.

Tàu hải cảnh Trung Quốc bảo vệ giàn khoan Hải Dương-981 cắm phi pháp
trong vùng biển VN năm 2014 - Ảnh: Độc Lập
Tạp chí Proceedings của Viện Hải quân Mỹ đăng bài phân tích về tình hình phát triển cũng như nhiệm vụ của Lực lượng hải cảnh Trung Quốc (CCG). Đơn vị này được thành lập năm 2013 từ sự hợp nhất của 4 lực lượng chấp pháp, gồm hải giám, ngư chính, cảnh sát tuần tra và cảnh sát chống buôn lậu trên biển. Từ đó đến nay, kích cỡ đội tàu chấp pháp của Trung Quốc đã tăng chóng mặt.
Proceedings chỉ ra chỉ trong năm 2014, CCG nhận ít nhất 4 tàu 4.000 tấn, 10 tàu 3.000 tấn và đến cuối năm ngoái, số tàu trên 1.000 tấn tăng lên hơn 80 chiếc. Ngoài ra còn có thông tin CCG sẽ đóng ít nhất một tàu tuần tra “khủng”, với độ choán nước 10.000 tấn. Từ đó, Proceedings nhận định Trung Quốc đang có tham vọng xây dựng lực lượng tuần duyên lớn nhất thế giới để phục vụ cho các toan tính trên biển.
Lộng hành ở Biển Đông
Úc yêu cầu Trung Quốc không lập ADIZ ở Biển Đông
Ngày 11.5, trong cuộc trả lời phỏng vấn với Bloomberg, Ngoại trưởng Úc Julie Bishop cho hay nước này không tán thành Trung Quốc lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông. Bà Bishop nói rõ: “Các nước ASEAN vừa bàn về vấn đề này và tôi tin rằng họ đưa ra quan điểm khá rõ ràng rằng những nỗ lực lập ADIZ trên Biển Đông sẽ gây quan ngại sâu sắc”.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Indonesia tuyên bố nước này sẽ tiếp tục thúc đẩy hoàn tất nhanh chóng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) để duy trì ổn định và ngăn chặn các cuộc xung đột tiềm tàng, theo tờ The Jakarta Post.
Theo Proceedings, mang tiếng là “thực thi, bảo đảm luật pháp” nhưng các tàu của CCG chủ yếu hoạt động xung quanh khu vực có tranh chấp hoặc các đảo, bãi đá Trung Quốc chiếm đóng ở Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam với nhiệm vụ chính là tấn công, xua đuổi tàu nước khác bằng các biện pháp hung hăng như pha đèn, phun vòi rồng và thậm chí đâm tàu. Gần đây là vụ tàu chấp pháp Trung Quốc tấn công tàu cá Philippines làm ít nhất 1 ngư dân bị thương tại bãi cạn Scarborough hồi tháng 4. Một nhiệm vụ khác là bảo vệ tàu cá nước này đánh bắt trong vùng biển tranh chấp hoặc xâm phạm, hoạt động phi pháp trong vùng biển nước khác.
Các chuyên gia của Proceedings cho biết tàu cá Trung Quốc hiện nay được trang bị hệ thống liên lạc tiên tiến có thể dễ dàng báo cho CCG can thiệp nếu cần.
Ngoài ra, trong các cuộc đối đầu giữa tàu CCG với tàu bè các nước láng giềng, tàu khu trục và tàu hộ tống của hải quân Trung Quốc thường được triển khai gần đó để sẵn sàng yểm trợ nếu cần, theo báo cáo của Văn phòng Tình báo hải quân Mỹ.
Chưa hết, đội tàu chấp pháp còn được giao nhiệm vụ đi kèm tàu dân sự như tàu thăm dò dầu khí, tàu nghiên cứu hải dương và cả giàn khoan. Proceedings nhắc lại bằng chứng là vụ hàng chục tàu CCG cùng tàu cá, tàu chiến vây quanh giàn khoan Haiyang Shiyou 981 (Hải Dương-981) cắm phi pháp trong vùng biển Việt Nam từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 7.2014 và tấn công tàu dân sự, tàu thực thi pháp luật của Việt Nam.
Lầu Năm Góc cảnh báo
Trong báo cáo thường niên về tình hình quân sự Trung Quốc được công bố tuần trước, Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng Trung Quốc sắp hoàn tất giai đoạn 2 (từ 2011 - 2015) của chương trình xây dựng và hiện đại hóa CCG. Theo đó, ngoài những tàu lớn, trực thăng và cả máy bay không người lái, lực lượng này có thể nhận thêm hơn 100 tàu tuần tra nhanh. Theo Lầu Năm Góc, trong thập niên tới, tàu hải cảnh Trung Quốc sẽ có đủ khả năng để tuần tra mạnh bạo hơn trong những khu vực Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Lâu nay, Trung Quốc vẫn tuyên bố các tàu chấp pháp là tàu dân sự nhưng thực tế, không ít là tàu bán vũ trang, thậm chí được trang bị ngư lôi và tên lửa. Theo chuyên trang quốc phòng Sinodefence.com, một trong những tàu hải cảnh lớn nhất của nước này, có tên cũ là Ngư chính 311, được chuyển đổi từ tàu hải quân lớp Dalang. Nhiều diễn đàn mạng quân sự cũng trưng ra hình ảnh được cho là chụp lại những tàu chấp pháp có trang bị súng cỡ nòng lớn. Nhiều tàu có bãi đáp cỡ lớn kèm kho chứa trực thăng tấn công đa nhiệm Z-9, theo Sinodefence.com.
Từ các dữ kiện trên, giới tình báo, quân sự Mỹ và các chuyên gia cho rằng có thể nói CCG thực chất đã trở thành “lực lượng hải quân thứ hai” của Trung Quốc. Chuyên trang Strategy Page nhận định nếu trắng trợn đưa tàu chiến đến vùng tranh chấp thì Trung Quốc sẽ vấp phải phản ứng mạnh mẽ của thế giới cũng như kéo theo các hệ quả khó lường và tình hình có thể vượt ngoài tầm kiểm soát. Vì thế, theo Lầu Năm Góc, CCG sẽ có vai trò chính yếu trong việc củng cố cái gọi là tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, Hoa Đông của Trung Quốc và nước này chỉ điều động hải quân can dự khi căng thẳng leo thang.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.