Nguy cơ 'treo' dự án BOT

Mai Hà
Mai Hà
17/06/2019 06:23 GMT+7

Chỉ vài ngày sau Trạm T2 QL91 , đến lượt Trạm BOT Hòa Lạc - Hòa Bình liên tục vỡ trận, phải xả trạm khi nhiều phương tiện dàn hàng ngang vây trạm.

Hai dự án BOT trên đang có nguy cơ thành dự án “treo”, tương tự câu chuyện từng xảy ra tại BOT Cai Lậy, Thái Nguyên - Chợ Mới trước đây.
Một lần nữa, cơ quan chức năng lại lúng túng, chậm đưa ra hướng xử lý, không chỉ ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào tính minh bạch của BOT, mà còn khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại.

Mới thu đã thất thủ

Việc chậm đưa ra hướng xử lý với các dự án như Cai Lậy, Thái Nguyên - Chợ Mới hay T2 có trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ GTVT cũng như trách nhiệm của tư lệnh ngành, chậm tham mưu hướng giải quyết phù hợp
Đại biểu QH Nguyễn Mai Bộ
Bắt đầu thu phí từ 3.5, tuy nhiên Trạm thu phí Km 17+100 đường Hòa Lạc - Hòa Bình (thu cho dự án đầu tư xây dựng dự án đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp QL6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình theo hình thức BOT dài 56 km) đã liên tục phải xả trạm do người dân phản ứng. Đỉnh điểm là các ngày 7 - 9.5 và 10 - 12.6, nhiều phương tiện dàn hàng ngang, tắt máy, đỗ xe tại các làn thu phí. Người dân tại một số xã H.Kỳ Sơn (Hòa Bình) yêu cầu miễn phí hoàn toàn cho các phương tiện (gồm cả phương tiện chính chủ và không sang tên đổi chủ) thay vì chỉ miễn giảm 50%.
Theo ông Bùi Quang Bát, Giám đốc Công ty TNHH BOT QL6 Hòa Lạc - Hòa Bình, không chỉ người dân sinh sống quanh trạm BOT phản ứng, nhiều tài xế xe biển số ngoại tỉnh cũng tụ tập, đỗ xe vây kín các làn thu phí dẫn tới ùn tắc giao thông. Nhà đầu tư này cũng lo ngại, việc liên tiếp phải xả trạm, không thu phí được có thể ảnh hưởng, làm vỡ phương án tài chính.
Vướng mắc của dự án này ở chỗ, dù nhiều lần đối thoại với các chủ xe, nhưng nhà đầu tư không thể giải quyết được do phải áp dụng theo quy định. Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ phân tích, theo quy định hiện hành, doanh nghiệp chỉ được thực hiện miễn phí với phương tiện chính chủ là người địa phương quanh trạm thu phí (bán kính 5 km). Không có chính sách miễn giảm phí với phương tiện chưa sang tên đổi chủ. Quy định này cũng đang được thực hiện tại các dự án BOT khác trên cả nước, nếu tùy tiện thay đổi sẽ tạo tiền lệ và phản ứng dây chuyền tại các trạm BOT khác.
Nguy cơ “treo” dự án BOT
Các dự án BOT Hòa Lạc - Hòa Bình, T2 (QL91), Cai Lậy, Thái Nguyên - Chợ Mới... bị người dân phản ứng khiến nhà đầu tư phải xả trạm thời gian qua Ảnh: Việt Hùng, Phạm Hữu, Ngọc Thắng, Thanh Dũng
Khác với dự án BOT Hòa Lạc - Hòa Bình đang thu phí “cầm chừng”, Trạm thu phí BOT T2 trên QL91 (P.Thới Thuận, Q.Thốt Nốt, TP.Cần Thơ) đang phải tạm dừng thu phí. Lý do khi cầu Vàm Cống nối TP.Cần Thơ và tỉnh Đồng Tháp chính thức khai thác, đã xảy ra nghịch lý là các phương tiện đi từ hướng An Giang lên cầu Vàm Cống dù chỉ sử dụng QL91 mấy trăm mét, nhưng lại phải trả mức phí như sử dụng toàn bộ tuyến đường gần 50 km của dự án BOT này.
Mâu thuẫn giữa doanh nghiệp dự án và các chủ phương tiện chính thức bùng nổ ngày 24.5, khi nhiều tài xế tụ tập tại trạm, phản đối việc đặt vị trí trạm không đúng. Dù Tổng cục Đường bộ có yêu cầu nhà đầu tư giảm phí, nhưng trước sức ép phản đối, dự án đã phải tạm dừng thu phí từ 25.5. Tới nay, sau gần 1 tháng, dự án BOT T2 QL91 vẫn đang “treo” khi Bộ GTVT và địa phương chưa thống nhất đưa ra được phương án xử lý. Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, Bộ GTVT đang nghiên cứu tổng thể các phương án xử lý bất cập tại dự án này, trong đó tính tới cả phương án di dời trạm.

Đặt sai chỗ, xử lý thế nào ?

Tuy nhiên, việc di dời Trạm T2 QL91 sẽ khó khả thi khi ngân sách nhà nước phải đền bù số tiền lớn, phương án tài chính theo hợp đồng cũng sẽ bị phá vỡ. Giải pháp được lựa chọn có thể là miễn giảm phí, đây là phương án mà các bên liên quan cho rằng sẽ “đảm bảo hoàn vốn trả nợ ngân hàng, đồng thời đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên nhà nước, người dân và doanh nghiệp”. Đặc biệt, trả lời chất vấn Quốc hội mới đây, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cũng cho biết, sắp tới sẽ khởi công dự án tuyến tránh TP.Long Xuyên (An Giang); khi có tuyến tránh này, mọi vấn đề liên quan đến Trạm T2 sẽ được giải quyết ổn thỏa.
Tuy nhiên, với những gì đã xảy ra tại dự án BOT Cai Lậy và Thái Nguyên - Chợ Mới, việc “giải quyết ổn thỏa” Trạm T2 sẽ không hề dễ dàng như cam kết của người đứng đầu Bộ GTVT. Lý do, nếu giải quyết toàn bộ các bức xúc hiện nay của các trạm BOT, chỉ còn cách bỏ kinh phí để mua lại, song việc mua lại là không thể khi nguồn lực hiện nay của nhà nước đang khó khăn. Trong khi đó, rất khó để người dân chấp thuận các trạm thu phí đặt sai chỗ vẫn được giữ nguyên vị trí, chỉ giảm mức thu phí.
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN, mỗi trạm BOT có những bất cập riêng, cần có giải pháp xử lý riêng. Ví dụ như Trạm Cai Lậy, Bộ GTVT, địa phương cần thương lượng với nhà đầu tư, kèm theo sự hỗ trợ của Chính phủ. Cụ thể, ông Quyền đề xuất chuyển trạm thu phí về đường tránh, phần đầu tư khoảng hơn 300 tỉ đồng nâng cấp, cải tạo 26 km đường cũ trên tuyến QL1 có thể xem xét như chi phí bảo trì, duy tu đường cũ, từ đó có hướng xử lý trích từ nguồn quỹ bảo trì để trả cho nhà đầu tư.
Đồng thời di dời trạm về đúng vị trí trên tuyến tránh TP.Cai Lậy, kết hợp với tổ chức giao thông để đảm bảo lưu lượng xe 40 - 50% phương tiện ô tô lưu thông bắc - nam sẽ đi trên đường tránh (tổ chức một chiều cho các phương tiện đi vào đường tránh, chiều ngược lại vẫn đi theo đường cũ). Thời gian thu phí sẽ tăng gấp đôi, khoảng 13 - 15 năm, nhưng dự án vẫn đảm bảo tính khả thi, không bị đổ vỡ, phá sản.
“Việc xử lý trên tinh thần hợp tác giữa nhà đầu tư, cơ quan có thẩm quyền và Chính phủ phải ra tay vào cuộc, sẽ dễ đạt được tiếng nói chung giữa nhà đầu tư, người dân sử dụng đường, người dân sống hai bên đường và chính quyền địa phương”, ông Quyền kiến nghị.

“Tinh thần cộng đồng trách nhiệm”

Theo đại biểu QH Nguyễn Mai Bộ, các trạm BOT bất cập vì không bảo đảm 2 yếu tố là lẽ công bằng và tính hợp pháp, dẫn tới hệ quả các dự án bị người dân phản ứng, phải liên tục xả trạm hoặc tạm dừng thu.
“Việc chậm đưa ra hướng xử lý với các dự án như Cai Lậy, Thái Nguyên - Chợ Mới hay T2 có trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ GTVT cũng như trách nhiệm của tư lệnh ngành, chậm tham mưu hướng giải quyết phù hợp”, ông Bộ nhìn nhận.
Cũng theo ông Bộ, với các dự án BOT bị phá vỡ hợp đồng, về lý thuyết nhà đầu tư hoàn toàn có thể khởi kiện. Nhưng ngay từ đầu, các bất cập từ vị trí đặt trạm, chỉ định nhà đầu tư đã là lỗi chung của cơ quan chủ quản lẫn nhà đầu tư, đụng chạm trực tiếp tới lợi ích của người dân. Vì vậy, các bên cần tìm được tiếng nói chung, mỗi bên phải chịu giảm đi một chút lợi ích, nếu không câu chuyện thu lại dừng sẽ liên tục tái diễn.
Một trong những lý do khiến Bộ GTVT vẫn “bảo lưu” quan điểm giữ lại các trạm đặt sai chỗ do các dự án đều theo Nghị định 108 của Chính phủ, lấy ý kiến của địa phương trước khi chốt vị trí, phương án. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Quyền, “ngay từ thời điểm phê duyệt dự án, ký hợp đồng, nhiều nội dung đã không kín kẽ, chưa phù hợp. Địa phương nhiều khi nghĩ đơn giản có công trình mới nên ủng hộ rất dễ dàng, kể cả UBND, HĐND tỉnh... mà không lường hết được khó khăn phức tạp khi công trình hoạt động. Bộ GTVT, nhà đầu tư cũng không lường trước được phản ứng của người dân”.
Ông Quyền kiến nghị, để xử lý hiệu quả các dự án BOT bất cập trên, Chính phủ nên chỉ đạo cụ thể hơn ở một bước nữa, Bộ GTVT và địa phương phải ngồi lại trên “tinh thần cộng đồng trách nhiệm”. Nhà đầu tư vay vốn triển khai dự án nên mấu chốt phải hoàn vốn, phía ngân hàng cho vay vốn phải thu hồi vốn nếu không sẽ nợ xấu. “Mỗi bên lùi một chút so với mục tiêu kỳ vọng ban đầu mới tìm được tiếng nói chung. Trong 4 “ông” này, nếu ông nào cũng giữ quan điểm cứng thì không bao giờ xử lý được các hệ lụy BOT”, ông Quyền nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Bộ GTVT, đến thời điểm này Bộ đã giải quyết cơ bản các bất cập tại các trạm thu phí như dừng thu phí 2 trạm Đèo Ngang và tuyến tránh Hà Tĩnh do hết thời gian hợp đồng; không thành lập Trạm Nam Hải Vân, sử dụng Trạm Bắc Hải Vân để cùng hoàn vốn cho 2 dự án, chuyển Trạm Tân Đệ về tuyến tránh Đông Hưng. Nhưng với 2 trạm có vị trí nằm ngoài phạm vi dự án do lịch sử để lại như Bắc Thăng Long - Nội Bài, Bỉm Sơn (Thanh Hóa) vẫn... đang nghiên cứu phương án phù hợp để báo cáo Chính phủ. Các trạm Cai Lậy (thu phí từ 1.8.2017, sau nhiều lần thu rồi dừng thì chính thức tạm dừng thu từ 4.12.2017), Thái Nguyên - Chợ Mới (thu phí 1 trạm trên đường mới, trạm còn lại chưa thu hơn 1 năm nay), T2 QL91 đã bị tạm dừng thu tới nay vẫn chưa tổ chức thu trở lại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.