Nguy cơ trẻ hóa rối loạn tiền đình

10/06/2017 12:21 GMT+7

Rối loạn tiền đình đang có xu hướng trẻ hóa, thậm chí có những người còn rất trẻ, mới 18 tuổi đã bị rối loạn tiền đình.

Theo bác sĩ Đặng Hồng Tú - Giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe Tâm Bình, rối loạn tiền đình (RLTĐ) vô cùng nguy hiểm nếu bất thình lình xảy ra khi đi trên đường hoặc đang làm việc liên quan đến máy móc nguy hiểm...

tin liên quan

Các dấu hiệu về tim mạch chớ nên bỏ qua
Theo các chuyên gia y tế, vấn đề tim mạch ở phụ nữ rất dễ nhầm lẫn với các bệnh khác, do đó cần phải hết sức chú ý đến các dấu hiệu cảnh báo của bệnh, theo Health.
Bệnh không chừa một ai
“RLTĐ có thể gặp ở mọi lứa tuổi từ trung niên, lão niên, phụ nữ tiền mãn kinh. Nhưng thời gian gần đây các bạn trẻ đến phòng khám với các biểu hiện của chứng rối loạn tiền đình ngày gia tăng. Có trường hợp biến chứng nặng gần như chuyển sang đột quỵ, có người không kiểm soát được mà gây ra tai nạn... rất nguy hiểm” - bác sĩ Tú cho biết.
Hơn 1 năm trở lại đây, do công việc kinh doanh chịu nhiều áp lực, chị H.T.Đ.H (41 tuổi, ngụ Bình Thạnh) bị RLTĐ trong thời gian dài nhưng lại bị chẩn đoán sai. Chị H. chia sẻ: “Nhiều lúc cứ nghĩ sức khỏe mình dạo này yếu nên hay bị trúng gió, cạo gió rồi nghỉ ngơi một lúc lại hết, nên bỏ qua các biểu hiện. Sau này, các cơn hoa mắt, chóng mặt, ù tai xuất hiện ngày một nhiều hơn, đến nỗi có lần phải chạy thẳng vào bệnh viện cấp cứu mà thấy trời đất như sụp đổ, ngồi không được mà nằm cũng không xong, phải đổi qua giường lớn chứ nằm giường nhỏ cứ cảm giác như bị té... thì mới biết mình bị RLTĐ”.

“Đến nay, khi ý thức được việc phải cân bằng cuộc sống và công việc cũng như đều đặn đi khám và điều trị với bác sĩ có chuyên môn, kết hợp dùng thuốc và vật lý trị liệu tôi không còn thấy xảy ra các biểu hiện khó chịu như trước đây nữa” - chị Hạnh nói.
Bác sĩ Hồng Tú cho biết, nguyên nhân gây RLTĐ được xác định là do làm việc trong môi trường nhiều áp lực, ngồi lâu một chỗ, ít vận động, thậm chí phải ngồi cả buổi hoặc cả ngày trước máy vi tính; lại thường xuyên ngồi trong phòng máy lạnh... nên cột sống vùng cổ dễ bị nhiễm lạnh, lâu ngày sẽ làm co thắt động mạch cột sống thân nền, dẫn đến rối loạn điều hòa máu lên não. Bên cạnh đó, áp lực không chỉ ở nơi làm việc, nhiều người trẻ còn mang cả nỗi lo về nhà, khiến cho giấc ngủ lúc nào cũng ở trạng thái chập chờn, không sâu, hay trằn trọc và thức giấc. Một số người trẻ bị huyết áp thấp, lại có thói quen nhịn bữa sáng hoặc ăn quá mặn; lười tập thể dục thể thao; uống nhiều rượu, bia và thức uống có ga... Chính những thói quen này đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, đặc biệt là dễ gây nên chứng RLTĐ.

Nhận diện RLTĐ
Hệ thống tiền đình của cơ thể là một bộ phận rất quan trọng của hệ thần kinh trung ương, giúp cơ thể định vị được vị trí của mình trong không gian ba chiều và giúp con người ngồi hoặc đứng, đi lại dễ dàng. Một khi rối loạn hệ thống này, hệ thần kinh trung ương sẽ không làm được nhiệm vụ của mình, từ đó gây chóng mặt và buồn nôn, đi kèm là bệnh nhân không thể hay khó khăn định vị vị trí của mình trong không gian ba chiều.
Các triệu chứng nhận diện ban đầu, nếu có thì có thể là do mất ngủ, mệt mỏi. Nửa đêm về sáng, người bệnh trở mình thấy lao đao, ngồi dậy khó khăn; nhẹ thì có thể cố gắng đứng dậy được nhưng mất thăng bằng, dễ ngã; nặng thì chỉ nằm nguyên một tư thế, buồn nôn và có thể nôn dữ dội, mở mắt thấy mọi vật quay cuồng, đảo lộn. Người bệnh tỉnh táo, đầu không đau nhức nhưng nặng trĩu như bị nén, ép lại; sợ ánh sáng, tiếng động và sự thay đổi tư thế, muốn tìm sự yên tĩnh... Bệnh nguy hiểm đến tính mạng, nếu nguyên nhân RLTĐ bắtt nguồn từ những hội chứng như u não, tắc động mạch cảnh, ung thư...

tin liên quan

Sơn nữ biến thành bà già vì bệnh lạ
Khó mà nói hết sự kinh ngạc của chúng tôi trong lần đầu tiên gặp chị ở ngôi nhà nhỏ trên núi hôm ấy. Nhìn chị, không ai nghĩ được ở hình dáng ấy là một phụ nữ 34 tuổi. 

Giảm áp lực bằng cách nào?
Theo nghiên cứu tại Mỹ, có trên 35% người ở độ tuổi 40 đều trải qua các hội chứng RLTĐ. Tại Anh, có ít nhất 40% số nhân viên văn phòng bị các triệu chứng liên quan ít nhiều đến RLTĐ. Tại VN, có khoảng 20 - 30% dân số mắc hội chứng này và ngày càng có nguy cơ tăng cao.
Để hạn chế hội chứng RLTĐ, theo bác sĩ Đặng Hồng Tú, những người trẻ nên giảm bớt áp lực công việc, tập thói quen thả lỏng cơ thể ít phút trong thời gian dài làm việc mỗi ngày, ngồi đúng cách và dần dần điều chỉnh tư thế ngồi của mình cho đúng. Bên cạnh đó, phải có chế độ ăn uống hợp lý, đủ chất, uống đủ lượng nước hằng ngày (khoảng 1,5 - 2 lít); tránh các loại thực phẩm chứa lượng đường và muối cao; tránh các loại đồ uống có chứa chất kích thích; nên ăn thức ăn giàu a xít folic, thực phẩm nhiều rau xanh, hoa quả tươi để bổ sung vitamin B6, C, D và tăng cường khả năng miễn dịch cho cơ thể. Hạn chế tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, duy trì chế độ sinh hoạt lành mạnh.
“Quan trọng, người bệnh cần ý thức phối hợp với bác sĩ trong điều trị. Thuốc có tác dụng điều trị những cơn cấp tính thoáng qua, điều hòa tuần hoàn não, thông thường chỉ điều trị trong 3 - 5 ngày là dứt điểm. Nhưng cần phối hợp với các phương pháp vật lý trị liệu để hiệu quả lâu dài và tránh tái phát trong thời gian dài”- bác sĩ Tú chia sẻ.
Bác sĩ Tú cho biết thêm, việc mát xa, thư giãn... sẽ giảm tình trạng chèn ép mạch máu nuôi não dưới sự hướng dẫn của bác sĩ có chuyên môn. Cân bằng tâm trí để điều chỉnh lối sống sinh hoạt tích cực.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.