'Nguy cơ' thiếu lãnh đạo tòa án nhân dân tối cao

Lê Hiệp
Lê Hiệp
07/06/2019 19:03 GMT+7

Hiện quy hoạch lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao tới năm 2021 chỉ còn 1 người đủ điều kiện trong khi tới năm 2020 sẽ có 2 trong số 4 phó chánh án nghỉ hưu.

Một nội dung "đột xuất" được đưa vào giữa chương trình kỳ họp 7 của Quốc hội 14 đang diễn ra là đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81 năm 2014 của Quốc hội về thi hành luật Tổ chức Tòa án nhân dân.

Hết nguồn thẩm phán, lãnh đạo Tòa án nhân dân

Theo tờ trình mà Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình ra Quốc hội hôm qua, 6.6, theo quy định tại luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 thì thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao do Quốc hội phê chuẩn phải có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định, trong đó phải có tối thiểu 5 năm là thẩm phán cao cấp.
Từ tháng 8.2015 đến 5.2019, số lượng thẩm phán cao cấp được bổ nhiệm là 171 người. Tuy nhiên, số thẩm phán cao cấp được bổ nhiệm trong năm 2015, 2016 (tới 2020 - 2021 mới đủ 5 năm kinh nghiệm để bổ nhiệm thẩm phán tòa án nhân dân tối cao - phóng viên) đến nay phần lớn đã nghỉ hưu, lớn tuổi, một số không đủ các tiêu chuẩn, điều kiện khác để bổ nhiệm làm thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao như trình độ, năng lực, tín nhiệm...
“Còn lại 31 người đủ tuổi bổ nhiệm thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao nhưng chỉ còn 1 người trong quy hoạch lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao giai đoạn 2016 - 2021”, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho hay.
Trong khi đó, những thẩm phán cao cấp được bổ nhiệm từ 1.2017 (chưa đủ thời gian 5 năm làm thẩm phán cao cấp - phóng viên) tới nay lại có đầy đủ điều kiện quy hoạch lãnh đạo Tòa án nhân tối cao giai đoạn 2016 - 2021, thậm chí là giai đoạn 2021 - 2026.
“Việc lựa chọn thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ngoài tuân thủ các tiêu chuẩn, điều kiện cũng cần cân nhắc tạo nguồn quy hoạch lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao”, ông Bình nói và cho hay, hiện lãnh đạo tòa án có 5 người, gồm chánh án và 4 phó chánh án, nhưng năm 2019 có 1 phó chánh án đã nghỉ hưu, năm 2020 sẽ có 1 phó chánh án nghỉ hưu và tới 2023 sẽ có thêm 2 phó chánh án nữa nghỉ hưu, trong khi chỉ có 1 người trong quy hoạch và đủ điều kiện là thẩm phán cao cấp 5 năm để bổ nhiệm làm thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Bên cạnh đó, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có 16 thành viên (chánh án, 4 phó chánh án và 11 thẩm phán) thì năm 2019 có 1 người nghỉ hưu, năm 2020 có 4 người nghỉ hưu, tới năm 2021 có thêm 3 người nghỉ hưu và từ 2022 thì phần lớn thành viên hội đồng sẽ nghỉ hưu.
“Như vậy, từ nay trở đi phải liên tục bổ sung thành viên Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao. Trong khi đó, nguồn bổ sung theo quy định của luật (có 5 năm làm thẩm phán cao cấp - phóng viên) ở giai đoạn quá độ này đã không còn”, ông Bình nói và cho rằng, đây là điều Nghị quyết 81 của Quốc hội đã không tính đến, ảnh hưởng hoạt động của Tòa án nhân tối cao từ năm 2019 trở đi.
Từ đó, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 81, trong đó cho phép từ nay tới 1.2.2022 bổ nhiệm các thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chưa đủ 5 năm làm thẩm phán cao cấp (nhưng vẫn có đủ các tiêu chuẩn khác - phóng viên).

Tạo nguồn quy hoạch lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao chưa đáp ứng yêu cầu

Trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp trình Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban - bà Lê Thị Nga đồng tình với việc ban hành nghị quyết để bổ sung nguồn bổ nhiệm thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cũng như lãnh đạo Tòa cấp này.
Tuy nhiên, bà Nga cho rằng, có 4 nguyên nhân dẫn đến thiếu nguồn bổ nhiệm thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, trong đó có việc triển khai thi hành luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 còn chậm vì Quốc hội đã đồng ý cho phép bổ nhiệm thẩm phán cao cấp trước khi luật có hiệu lực tới 4 tháng, nhưng trong năm 2015 - 2016 chỉ bổ nhiệm được 29 người.
Ủy ban Tư pháp cũng cho rằng, việc để xảy ra tình trạng đến nay còn 31 thẩm phán cao cấp bổ nhiệm trước năm 2017 đủ tuổi bổ nhiệm thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao nhưng chỉ có 1 người trong quy hoạch lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao giai đoạn 2021 - 2026 cho thấy công tác bồi dưỡng, tạo nguồn quy hoạch lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao chưa đáp ứng yêu cầu.
Cũng theo bà Nga, một số ý kiến của Ủy ban Tư pháp cho rằng, để đảm bảo chất lượng của thẩm phán Tòa án nhân tối cao thì phải quy định điều kiện kèm theo là phải có thời gian giữ ngạch Thẩm phán cao cấp tối thiểu là 30 tháng hoặc 36 tháng, chứ không chỉ quy định mở hoàn toàn (dưới 5 năm).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.