Nguy cơ động đất tại Việt Nam

12/03/2009 23:37 GMT+7

Việt Nam có nằm trong vùng nguy cơ động đất cao? Nếu động đất xảy ra, khả năng chịu đựng của các nhà cao tầng sẽ như thế nào?

Tại hội thảo “Nguy cơ động đất ở Việt Nam” được tổ chức tại Hà Nội hôm qua 12.3, PGS.TS Nguyễn Hồng Phương - Phó giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) cho rằng: Việt Nam được biết đến như một đất nước có mối hiểm họa động đất cao. Trong lịch sử đã ghi nhận những trận động đất mạnh 6,7 - 6,8 độ Richter tại khu vực Tây Bắc, trong khi ở ngoài khơi, trên thềm lục địa đông nam đất nước cũng đã xuất hiện động đất mạnh 6,1 độ Richter. Vùng phía Nam cũng không nằm ngoài vùng ảnh hưởng của động đất.

PGS.TS Nguyễn Hồng Phương khẳng định: “Một số đô thị lớn của Việt Nam hiện đang nằm trong khu vực nhạy cảm cao trước những rung động địa chấn. Hà Nội hiện đang nằm trong vùng được dự báo là phải chịu chấn động cấp 8. Ở TP.HCM, rủi ro địa chấn lớn nhất có thể phát sinh từ sự lan truyền chấn động địa chấn từ các trận động đất mạnh ở phạm vi khu vực và sự khuếch đại rung động nền do tác động hiệu ứng nền địa phương gây ra dưới tải trọng của động đất. Nền đất yếu tại khu vực TP.HCM có thể là một yếu tố góp phần không nhỏ vào sự khuyết đại rung động địa chấn do các trận động đất gây ra ở cả phạm vi khu vực và địa phương”.

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Phương, có một sự thật hiện hữu là nếu động đất xảy ra, các đô thị, nhất là Hà Nội và TP.HCM, những nơi tập trung mật độ dân cư cao và là trung tâm của các hoạt động xã hội sẽ gánh chịu tổn thất nặng nề nhất. Các kết quả tính toán cho thấy, Hà Nội sẽ chịu hậu quả nặng nề hơn TP.HCM. Trước đây, dư chấn động đất tại Điện Biên, Tuần Giáo... đã làm nhà ở Hà Nội bị nứt, vẹo tường. Trong khi đó, từ trước đến nay, chúng ta chưa ghi nhận trận động đất nào xảy ra ở TP.HCM nhưng lan truyền chấn động từ các trận động đất xảy ra ngoài khơi Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2007 đã khiến các tòa nhà cao tầng tại TP.HCM bị rung chuyển, khiến người dân hoảng sợ.

“Chúng tôi đã tiến hành đánh giá rủi ro và ước lượng thiệt hại về người và nhà cửa do động đất xảy ra đối với Q.1 và Q.3 của TP.HCM; các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng của Hà Nội. Kết quả cho thấy, nguy cơ tổn thất tập trung tại những khu nhà chung cư cũ, bệnh viện, trường học, công trình xây dựng trên nền đất yếu từ những năm 60 - 70 của thế kỷ XX” - ông Phương cho biết.

Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Thủy - Viện Vật lý địa cầu (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam), sau khi đánh giá khả năng phát sinh động đất mạnh cho từng đới có tính tới khoảng cách chấn tâm, các nhà khoa học đã thành lập bản đồ phân vùng động đất Việt Nam theo thang cấp động đất quốc tế MSK. Theo đó, vùng phát sinh động đất cấp 8 - cấp 9 gồm các vùng Sông Mã, Sơn La và PuMây Tun - Sốp Cộp gắn liền với các hệ đứt gãy cùng tên (thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, Sơn La, Lai Châu). Vùng động đất cấp 8 gồm 2 loại vùng. Các vùng phát sinh động đất cấp 8 và các vùng chấn động cấp 8 bị gây ra bởi động đất mạnh hơn ở bên cạnh. Thuộc loại thứ nhất là các vùng Lai Châu - Điện Biên, Sông Hồng, Sông Chảy, Sông Cả - Rào Nậy và tây biển Đông (từ vĩ tuyến 13 đến vĩ tuyến 19).

Động đất cấp 7 có thể xảy ra dọc theo sông Lô, Hòa Bình, Yên Bái và tại nhiều nơi thuộc khu vực từ vĩ tuyến 17 trở vào Nam. Các vùng cấp 6 bao gồm phần diện tích còn lại của lãnh thổ, là những nơi dự đoán có chấn động động đất bằng hoặc nhỏ hơn cấp 6.

Yên tâm chung cư mới, lo chung cư cũ

TS Nguyễn Trung Hòa, Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) khi trả lời PV Báo Thanh Niên chiều qua khẳng định: “Có thể hoàn toàn yên tâm về khả năng kháng chấn của các công trình nhà cao tầng, công trình công cộng ở VN” vì theo tiêu chuẩn xây dựng VN, nó đều đã được thiết kế với khả năng kháng chấn ở cấp cao nhất theo bản đồ động đất.

 
Tiến sĩ Nguyễn Trung Hòa - Ảnh: Nam Thành
* Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam quy định như thế nào về khả năng kháng chấn công trình xây dựng, thưa ông?

- Năm 2006, Bộ Xây dựng đã ban hành Tiêu chuẩn để tính toán kháng chấn (ký hiệu TCXDVN 375:2006) để các chủ đầu tư làm căn cứ thực hiện khi xây dựng các tòa nhà cao tầng. Theo đó, đối với những công trình nhà cao tầng (theo quy định từ 9 tầng trở lên), trong thiết kế xây dựng nhà thầu ngoài việc tính toán tải trọng của bản thân công trình (tải trọng đứng), còn phải tính toán 2 loại tải trọng nữa vô cùng quan trọng là tải trọng của gió bão và tải trọng động đất (tải trọng ngang). Đây được coi là một trong những yêu cầu bắt buộc khi thiết kế các công trình cao tầng. Do đó, bất kỳ công trình xây dựng nào nằm ở vùng có phân vùng tác động gió thì phải tính toán tải trọng gió, phân vùng về động đất (từ cấp 7 trở lên) đều phải tính toán tải trọng động đất.

* Có thông tin cho rằng, rất ít công trình ở TP.HCM và Hà Nội được thiết kế kháng chấn?

- Tôi có thể khẳng định, trong bản đồ động đất năm 2006 (để làm căn cứ xây dựng tiêu chuẩn xây dựng về kháng chấn) thì TP.HCM không phải là vùng bắt buộc phải có thiết kế kháng chấn (động đất rất yếu). Còn tại Hà Nội, tôi có thể khẳng định các công trình cao tầng đều đã được tính toán động đất cấp 7, một số khu vực ở cấp 8. Tháng 8.2008, theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản gửi 64 tỉnh thành, đề nghị kiểm tra khả năng kháng chấn của các công trình (do Nhà nước quản lý), kết quả 100% công trình của các địa phương nằm trong phân vùng phải tính toán kháng chấn đều đã đảm bảo có thiết kế kháng chấn. Kết quả khảo sát thực địa tại Điện Biên của Bộ Xây dựng sau trận động đất cấp 7 cũng cho thấy, không có bất kỳ công trình nào sụp đổ, chỉ có một số công trình nhà ở do dân tự xây dựng là xuất hiện vết nứt tường.

* Thưa ông, có thể xảy ra trường hợp, công trình có thiết kế kháng chấn để “qua cửa” phê duyệt dự án nhưng lại không được thực hiện đúng thiết kế hoặc thi công không đảm bảo không?

- Tất nhiên là không loại trừ. Trách nhiệm khi đó thuộc về chủ đầu tư trong việc giám sát thực hiện dự án. Nhưng tôi vẫn khẳng định, chúng ta không nên lo lắng đối với những công trình cao tầng mới xây dựng, công trình công cộng vì một điều chắc chắn nếu nó tuân thủ đúng các quy trình thiết kế, quản lý, giám sát của tiêu chuẩn xây dựng nó sẽ có khả năng kháng chấn đảm bảo. Ở đây có một vấn đề chuyên môn cũng cần giải thích, đó là khi xảy ra động đất dù nhỏ nhất, dưới tác động của sóng động đất trong nền, công trình sẽ dao động, nhà càng cao tầng thì sự cảm nhận dao động càng rõ. Tuy nhiên, đây là hiện tượng bình thường của một vật thể dưới tác động cưỡng bức (gió bão, động đất...). Các dao động ấy đều đã được tính toán và khống chế khi thiết kế nhằm đảm bảo yêu cầu của người sử dụng công trình.

Điều tôi lo lắng chính là các chung cư cũ hiện có ở một số thành phố. Phần lớn các nhà đó khi xây dựng đều đã xét đến tác động của động đất nhưng nó đang xuống cấp nhanh chóng vì nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như cơi nới, xây dựng và lắp đặt thêm các bộ phận phụ... Với tình trạng này, không chỉ có tác động của động đất mà ngay tác động của các yếu tố khác cũng có thể gây nguy hiểm cho công trình.

T.N - X.T

Tuyết Nhung - Quang Duẩn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.