Nguy cơ đóng cửa chợ, hơn 500 tiểu thương kêu cứu

Nguyễn Tú
Nguyễn Tú
24/11/2023 09:07 GMT+7

Từ giữa tháng 11, Công ty TNHH MTV chợ siêu thị Đà Nẵng cắt điện, nước, dừng cung cấp dịch vụ bảo vệ và vệ sinh 81 quầy kinh doanh khiến tiểu thương kêu cứu.

TĂNG GIÁ GIỮA LÚC KHÓ KHĂN

Trước đó, tiểu thương tại đây đã kêu cứu khẩn cấp về việc Công ty TNHH MTV chợ siêu thị Đà Nẵng (đường Điện Biên Phủ, Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng - gọi tắt là công ty) truy thu tiền thuê mặt bằng từ tháng 6 đến tháng 9.

Nhiều tiểu thương xin đóng tiền mặt bằng từ tháng 10 trở đi với giá như tháng 9 trong khi chờ TP.Đà Nẵng giải quyết. Công ty đồng ý phương án tạm đóng tiền nhưng tiểu thương phải ghi nợ; sau này khi TP.Đà Nẵng phê duyệt giá mới (tăng lên) thì tiểu thương phải trả nợ. Hiện tại, các tiểu thương bị cắt điện, nước do chưa nộp tiền mặt bằng.

Từ đơn thư bạn đọc: Nguy cơ đóng cửa chợ, hơn 500 tiểu thương kêu cứu - Ảnh 1.

Tiểu thương cũng như chủ đầu tư chợ siêu thị Đà Nẵng kiến nghị mức cho thuê mặt bằng phù hợp, hài hòa

NGUYỄN TÚ

Theo nội dung giải trình với chính quyền TP.Đà Nẵng, trước ngày 1.7.2014, công ty được miễn tiền thuê đất; sau khi luật Đất đai 2013 có hiệu lực thì tiền thuê đất năm 2014 là 520 triệu đồng/năm. Từ 2015 - 2019, Cục Thuế Đà Nẵng tính tiền thuê đất 582 triệu đồng/năm, dẫn đến tiểu thương bị tăng giá thuê mặt bằng 10 - 40%. Trước kiến nghị của tiểu thương và công ty, TP.Đà Nẵng hỗ trợ công ty 575 triệu đồng/năm dưới nhiều hình thức, nên giai đoạn này công ty chỉ đóng 7 triệu đồng/năm, nhằm ổn định tiền thuê cho tiểu thương. Giai đoạn 2015 - 2019, TP.Đà Nẵng hỗ trợ công ty tiền thuê đất trực tiếp, gián tiếp tổng cộng gần 1,16 tỉ đồng/năm.

Theo công ty, nhờ TP.Đà Nẵng hỗ trợ mà giai đoạn 2011 - 2016 công ty thu tiền thuê mặt bằng 60.000 - 154.000 đồng/m2/tháng, bằng mức chợ loại 1 của nhà nước. Giai đoạn 2017 - 2019, công ty thu 65.000 - 230.000 đồng/m2/tháng, tuy cao hơn mức nhà nước (36.000 - 180.000 đồng/m2/tháng) nhưng vẫn dưới mức tối đa (gấp 2 lần) cho phép đối với chợ do tư nhân đầu tư.

"Giai đoạn 2020 - 2024, thành phố tính tiền thuê đất mới, với mức hơn 2,12 tỉ đồng/năm, gấp 3,6 lần so với trước nhưng chưa hỗ trợ. Do đó, từ 2020 đến nay, công ty nhiều lần tăng từ 30 - 60% tiền thuê mặt bằng tùy ngành hàng, vị trí nhưng vẫn không đủ kinh phí duy trì hoạt động, trong khi có nguy cơ bị cưỡng chế hơn 4,5 tỉ đồng nợ tiền thuê đất và tiền phạt", ông Trần Thanh Hoàng, Giám đốc công ty, nói.

Mới đây, công ty đề xuất TP.Đà Nẵng cho phép tăng giá cho thuê mặt bằng với tiểu thương lên 681.000 đồng/m2/tháng. Nhưng tiểu thương cho rằng mức này cao gấp gần 4 lần so với chợ truyền thống của nhà nước (180.000 đồng/m2/tháng) và gần gấp đôi mức giá hiện tại (360.000 đồng/m2/tháng). Thậm chí, khi Sở Tài chính TP.Đà Nẵng thẩm định, đề xuất giá công ty cho tiểu thương thuê là 393.000 đồng/m2/tháng, tiểu thương vẫn kêu cứu bởi năm nay buôn bán ế ẩm, nhiều khó khăn, tăng giá mặt bằng hiện chưa phù hợp, cần nhà nước hỗ trợ.

NGUY CƠ PHÁ SẢN, ĐÓNG CỬA CHỢ

Trong khi đó, công ty cũng kiến nghị, với giá cho tiểu thương thuê 393.000 đồng/m2/tháng sẽ không đảm bảo doanh nghiệp hoạt động, đồng thời xin thành phố hỗ trợ tiền thuê đất 1,16 tỉ đồng/năm như trước. Nếu không, công ty phải bù lỗ 1,5 tỉ đồng/năm, kéo dài sẽ phá sản dẫn đến đóng cửa chợ, ảnh hưởng sinh kế của hơn 500 tiểu thương.

Theo Sở Tài chính TP.Đà Nẵng, mức giá thuê mặt bằng sở thẩm định 393.000 đồng/m2/tháng căn cứ sự hài hòa giữa tiểu thương và chủ đầu tư, đồng thời vẫn cao hơn gấp đôi so với chợ truyền thống, tuy nhiên hiện chợ chỉ mới khai thác 60% (1.108 m2 trên tổng diện tích 1.915 m2).

Ông Trần Thanh Hoàng cho biết công ty kê khai lợi nhuận bình quân 2020 - 2022 là 11%/năm với Sở Tài chính để sở làm căn cứ thẩm định mức giá trên nhưng lợi nhuận này gộp cả phần kinh doanh thương mại dịch vụ bù cho phần thua lỗ khu vực chợ (3 năm lỗ 100%). Do đó, công ty đề xuất chuyển mục đích sử dụng đất từ đất chợ sang đất thương mại dịch vụ để khai thác các vị trí còn lại nhằm bù lỗ.

Tại cuộc họp HĐND TP.Đà Nẵng mới đây, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết nguyên nhân chợ truyền thống có giá cho thuê mặt bằng thấp so với chợ do doanh nghiệp đầu tư là do chợ nhà nước chưa tính giá thuê đất vào giá cho thuê mặt bằng. Nếu tính, thì 2 hình thức chợ sẽ có giá thuê tiệm cận nhau, tạo sự công bằng cho tiểu thương cũng như chủ đầu tư.

"Trước kiến nghị của tiểu thương và doanh nghiệp, UBND TP.Đà Nẵng giao Sở Tài chính nghiên cứu thêm phương án hài hòa lợi ích giữa tiểu thương và chủ đầu tư, thống nhất mức giá hợp lý theo mặt bằng chung của thị trường, đảm bảo lợi ích cho cả chủ đầu tư được tiếp tục hoạt động, cũng như tiểu thương kinh doanh ổn định", ông Chinh nói. Tuy nhiên, cuộc làm việc giữa công ty này và UBND TP.Đà Nẵng trong tháng 11 vẫn chưa giải quyết được khúc mắc. 

Cuối năm nặng trĩu tại chợ sỉ ở TP.HCM: Tiểu thương ‘ngáp dài’, thẫn thờ chờ khách

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.