Nguy cơ bùng dịch ở miền Tây

17/10/2021 06:21 GMT+7

Tình hình dịch bệnh Covid-19 ở miền Tây đang có xu hướng gia tăng đáng lo ngại. Hầu như ngày nào cũng có tên 5 - 6 tỉnh, thành ở khu vực này góp mặt vào “top 10” địa phương có số ca mắc mới Covid-19 cao nhất nước.

Hơn 300.000 người từ vùng dịch về quê

Theo số liệu do Bộ Y tế công bố, ngày 30.9, tổng số ca mắc mới Covid-19 của 13 tỉnh, thành ở miền Tây là 488 người. Đến ngày 9.10, số ca mắc mới tăng lên gần gấp đôi, với 938 người; và đến 15.10 tăng lên 1.191 người.

Số ca Covid-19 các tỉnh miền Tây tăng nhanh

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tăng số ca mắc mới ở miền Tây, nhưng có một thực tế mà ai cũng thấy rõ là từ ngày 1 - 10.10, bình quân mỗi ngày khu vực này đón hơn 30.000 người dân từ tâm dịch phía nam (TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai…) về quê với phương tiện chủ yếu là xe máy cá nhân.

Cà Mau huy động nhân lực, vật lực làm suốt ngày đêm để hoàn thành và đưa vào hoạt động bệnh viện dã chiến trong thời gian sớm nhất

GIA BÁCH

Để có thể cùng lúc tiếp nhận hàng chục ngàn người trở về như thế, nhiều tỉnh, thành trong khu vực đã phải trưng dụng gần như toàn bộ trường học trên địa bàn làm khu cách ly tập trung. Trong khi đa phần những người về quê chưa được tiêm vắc xin, hoặc chỉ mới được tiêm 1 mũi; tỷ lệ người dân địa phương được tiêm vắc xin mũi 1 cũng chưa đến 30%, nên nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất lớn.

Tiêm vắc xin nhóm đối tượng ưu tiên ở Vĩnh Long

XUÂN PHÚC

Đơn cử, An Giang là tỉnh số người về quê lớn nhất miền Tây, với hơn 51.000 người; trong đó chỉ có 8% được tiêm 2 mũi vắc xin, khoảng 30% được tiêm 1 mũi. Tính từ ngày 1 - 15.10, An Giang ghi nhận 2.180 ca mắc Covid-19, trung bình có 145 ca mắc mới/ngày; trong đó riêng ngày 8.10 có đến 315 ca, cao nhất từ trước đến nay.

Chắc chắn miền Tây có thêm vắc xin phòng Covid-19

Tại Đồng Tháp, thời điểm cuối tháng 9.2021, mỗi ngày tỉnh ghi nhận chỉ vài ca nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, tính từ ngày 1 - 15.10, tỉnh ghi nhận hơn 730 ca mắc Covid-19 mới; trong đó chiếm hơn 60% là người từ vùng dịch về.

Ngày 15.10, trong số 40 ca dương tính ghi nhận ở Bạc Liêu thì có đến 39 người về quê. Còn tại Cà Mau, từ ngày 1 - 15.10 có 686 ca mắc mới, trong đó có đến 555 ca ghi nhận từ dòng người về quê

Bản tin Covid-19 ngày 17.10: Ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch bệnh ở miền Tây

Các ổ dịch mới diễn biến phức tạp

Cùng thời điểm từ 1 - 15.10, tại một số tỉnh cũng xuất hiện các ổ dịch bùng phát trong cộng đồng, khiến cho số ca mắc mới Covid-19 tăng cao. Đáng lo ngại nhất là tại Sóc Trăng, liên tiếp trong 3 ngày từ 14 - 16.10 ghi nhận đến 621 ca dương tính Covid-19.

Bác sĩ Trần Văn Khải, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng, cho biết nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, ngày 16.9 Sóc Trăng là tỉnh đầu tiên ở miền Tây áp dụng trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, đến ngày 22.9, tỉnh phát hiện ổ dịch mới liên quan tài xế xe tải chở tôm ở xã Lai Hòa, TX.Vĩnh Châu, ghi nhận có 29 ca dương tính Covid-19. Tiếp đó, ngày 5.10, tỉnh tiếp tục phát hiện ổ dịch xảy ra tại Công ty CP chế biến thủy sản Út Xi (ấp Hà Bô, xã Tài Văn, H.Trần Đề). Mặc dù Sóc Trăng đã kịp thời phong tỏa, cách ly y tế toàn bộ xã Lai Hòa và xã Tài Văn để tập trung khoanh vùng, truy vết, tách F0 ra khỏi cộng đồng, nhưng 2 ổ dịch này chưa được kiểm soát, ngăn chặn mà diễn biến rất phức tạp, trong nhiều ngày qua đã lây lan nhanh.

Theo nhận định của Sở Y tế Sóc Trăng, chùm ca bệnh ở xã Tài Văn là ổ dịch phức tạp nhất. Qua xét nghiệm sàng lọc trong khu phong tỏa, đến nay phát hiện khoảng 1.000 ca nhiễm có liên quan đến ổ dịch này và đã lây lan đến 7 địa phương trong tỉnh. Hiện nay số ca nhiễm mới liên quan đến chùm ca bệnh này vẫn tiếp tục tăng. Các địa phương có ca nhiễm liên quan đang tiếp tục điều tra, truy vết, xét nghiệm diện rộng.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cũng cho rằng tình hình dịch bệnh ở tỉnh này vẫn còn rất phức tạp, đến nay số ca nhiễm chưa có dấu hiệu dừng lại, nhất là các ổ dịch mới bùng phát tại các huyện An Phú, Phú Tân, Chợ Mới và TX.Tân Châu.

Nỗ lực khống chế dịch bệnh

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, hiện nay gần như toàn bộ hệ thống chính trị của tỉnh đã và đang tập trung nguồn lực cao nhất cho công tác kiểm soát, ngăn chặn sự lây lan và đẩy lùi dịch bệnh. Để phục vụ tốt yêu cầu điều trị bệnh Covid-19 trên địa bàn, UBND tỉnh An Giang vừa có quyết định đầu tư gần 120 tỉ đồng để xây dựng khẩn cấp khu hồi sức cấp cứu điều trị bệnh Covid-19 của Bệnh viện đa khoa trung tâm An Giang, Bệnh viện đa khoa khu vực tỉnh tại TP.Long Xuyên và trang thiết bị y tế cho các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 theo chiến lược “tháp 3 tầng” ở các huyện, TP của tỉnh, với quy mô 2.055 giường bệnh.

Tỉnh Bạc Liêu cũng đã quyết định thành lập thêm 3 cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19. Trong đó, trưng dụng khu B ký túc xá sinh viên Bạc Liêu làm cơ sở điều trị số 1 với quy mô 200 giường; khi cần thiết sẽ sử dụng luôn ra khu A để mở rộng lên 400 giường bệnh; trưng dụng Trung tâm bồi dưỡng chính trị H.Đông Hải có quy mô 120 giường và Trung tâm y tế H.Vĩnh Lợi có quy mô 130 giường.

Ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy kiêm Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Cà Mau, cho biết: “Trước tình hình có khoảng 30.000 người dân Cà Mau từ các tỉnh về địa phương, chúng tôi chỉ đạo kích hoạt 2 bệnh viện dã chiến. Các bệnh viện này phải đảm bảo an toàn cả về điều kiện y tế, sinh hoạt, bố trí một cách bài bản, khoa học và phải được phân tầng. Lực lượng làm nhiệm vụ theo dõi, túc trực và hỗ trợ, chăm sóc F0 một cách chu đáo, xuyên suốt, nhất là chú ý tạo tâm lý tích cực, thoải mái, không gian thông thoáng để bệnh nhân yên tâm, phối hợp điều trị. Mục tiêu là tiếp nhận, thu dung, theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho các F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ và hạn chế tối đa những trường hợp chuyển bệnh nặng”.

Ông Nguyễn Tiến Hải cũng chỉ đạo khẩn trương thiết lập tại Bệnh viện dã chiến số 3 tỉnh Cà Mau thêm 250 giường bệnh để thu dung, điều trị cho bệnh nhân F0; nỗ lực không để việc gia tăng số ca F0 gây áp lực cho các bệnh viện dã chiến khiến công tác thu dung, điều trị rơi vào tình huống bị động và việc chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân gặp khó khăn.

Theo ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, hiện tỉnh này đã thành lập 3 bệnh viện dã chiến, có thể tiếp nhận, điều trị khoảng 1.200 - 1.500 F0. Ngoài ra, tỉnh còn trưng dụng 2 khu nhà triển lãm Hồ Nước Ngọt (TP.Sóc Trăng) làm khu cách ly tập trung và điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 không triệu chứng; đồng thời trưng dụng trụ sở Tỉnh đoàn để cải tạo thành bệnh viện dã chiến của tỉnh. TX.Vĩnh Châu, H.Trần Đề... cũng thành lập khu điều trị bệnh nhân Covid-19, mỗi đơn vị sẽ tiếp nhận từ 200 - 300 trường hợp F0.

Tăng cường chi viện

Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã gửi văn bản khẩn cấp đến Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ để kiến nghị hỗ trợ khẩn cấp 10 bác sĩ, 100 điều dưỡng, 500.000 test nhanh kháng nguyên, 100.000 bộ sinh phẩm xét nghiệm PCR, 50 máy thở các loại; 100.000 bộ trang phục phòng chống dịch cấp độ 3; 100.000 liều vắc xin Moderna và 900.000 liều vắc xin khác.

Trước yêu cầu khẩn thiết của Sóc Trăng, Quân khu 9 đã điều động 13 bác sĩ quân y, 14 điều dưỡng đến Sóc Trăng hỗ trợ cho bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19; Trường đại học Y Dược Cần Thơ cử 120 cán bộ, sinh viên tình nguyện hỗ trợ tỉnh tiêm vắc xin; Tập đoàn T&T Group và Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) tặng 1 xe cứu thương để vận chuyển, cấp cứu bệnh nhân; Tập đoàn Phương Trang đã hỗ trợ 10 máy trợ thở HFNC, 300 máy tạo ô xy lưu lượng cao, 300 máy SpO2, 5.000 bộ test nhanh kháng nguyên, 2.000 bộ đồ bảo hộ y tế, 100.000 găng tay y tế, 2.000 khẩu trang 3M nhằm chung tay với tỉnh phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19. Bộ Y tế cũng đã phân bổ cho Sóc Trăng thêm 500.000 liều vắc xin.

Ngoài ra, Tổ công tác phối hợp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Ban Dân vận T.Ư hỗ trợ tỉnh Sóc Trăng 1.100 liều vắc xin cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, tình nguyện viên; 10.000 túi thuốc y tế và 30.000 test nhanh và sinh phẩm. Đồng thời, tổ cũng đề xuất cử ngay các đoàn y bác sĩ, nhân viên y tế đến Sóc Trăng hỗ trợ giúp cho bệnh viện dã chiến nâng cao năng lực điều trị tầng 3 và xét nghiệm. Đồng thời kết nối với các bộ ngành, các tỉnh, TP hỗ trợ Sóc Trăng xe xét nghiệm lưu động 2.000 mẫu đơn/ngày. Các cơ quan y tế của TP.HCM đề nghị tỉnh nên lắp đặt máy tạo ô xy, trạm nạp ô xy, tổng đài để hỗ trợ, tư vấn cho tỉnh điều trị F0…

Ngày 16.10, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cũng cử 4 bác sĩ và 2 điều dưỡng đến Cà Mau hỗ trợ phòng chống dịch và chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19. Trước đó, chiều 13.10, Trường đại học Y Dược Cần Thơ đã tổ chức lễ xuất quân đưa đoàn tình nguyện gồm 100 cán bộ, sinh viên của trường đến giúp tỉnh Hậu Giang tiêm vắc xin phòng chống dịch...

Chắc chắn miền Tây có thêm vắc xin phòng Covid-19

Người dân không được chủ quan, lơ là

Ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cảnh báo khi địa phương trở về trạng thái “bình thường mới”, người dân bắt đầu xuất hiện tâm lý lơ là, chủ quan, chưa tuân thủ nghiêm 5K và còn tập trung đông người nơi công cộng. Do vậy, ông Thành đề nghị các địa phương phải tập trung tuyên truyền việc thực hiện nghiêm 5K, tuân thủ nghiêm các quy định trong phòng chống dịch; khắc phục ngay việc lây nhiễm chéo trong các khu cách ly tập trung và khu điều trị.

Trong khi đó, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải chia sẻ: “Do lượng bà con về quê lớn trong khoảng thời gian ngắn, tỉnh phải căng sức để chăm lo chỗ cách ly, điều trị khi bà con chẳng may nhiễm bệnh. Nhưng năng lực y tế của tỉnh còn nhiều thiếu thốn. Mặc dù chúng tôi đã chỉ đạo các địa phương giám sát chặt chẽ những trường hợp cách ly y tế tại hộ gia đình, nhưng quan trọng là ý thức của người cách ly. Nếu bà con chủ quan, lơ là, tự ý tiếp xúc những người trong gia đình; rồi những người này đi tiếp xúc với người khác nữa thì nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao. Tôi mong bà con ý thức trong việc cách ly y tế tại hộ gia đình để tránh lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, để Cà Mau sớm trở lại bình thường”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.