Nguồn lực, nhân lực đâu giờ này để may áo quần nhận diện cho công chức?

Nguyên Nga
Nguyên Nga
26/08/2021 07:36 GMT+7

Trong Công văn số 2850 ban hành tối 23.8 của UBND TP.HCM, việc lo trang bị và phân bố đồng phục nhận diện cho công chức trong những ngày tới theo Công văn 2976 vẫn được nhắc lại để triển khai.

Di chuyển phải mặc đồng phục

Cụ thể, tại mục 3 của Công văn 2850 về điều chỉnh, bổ sung một số nội dung tăng cường kiểm soát các nhóm đối tượng được phép lưu thông trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, do Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình ký, có nêu: Việc trang bị và phân bổ áo nhận diện cho cơ quan, đơn vị có liên quan được thực hiện như sau: Đối với cấp thành phố, UBND TP giao cho Sở Công thương, Bộ tư lệnh TP chuẩn bị số lượng áo nhận diện theo chỉ đạo của UBND TP.HCM tại Công văn 2796 ngày 21.8.2021. Giao cho Sở Nội vụ chịu trách nhiệm phân bổ cho các cơ quan khối Đảng, Đoàn thể, các sở, ban ngành thành phố và các ban quản lý trực thuộc UBND TP; giao cho các sở ban ngành thành phố chịu trách nhiệm phân bổ cho các đơn vị trực thuộc.
Đối với cấp huyện, UBND TP.HCM giao cho UBND TP.Thủ Đức, các quận huyện chịu trách nhiệm trang bị và phân bổ cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc, bao gồm cả khối Đảng, đoàn thể cấp huyện.
Trước đó, ngày 20.8, Sở Nội vụ TP.HCM đã có văn bản khẩn đề xuất UBND TP.HCM xem xét, chỉ đạo việc kiểm soát di chuyển đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trực tiếp tại trụ sở cơ quan, đơn vị theo phương án “3 tại chỗ”. Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trực thuộc các cơ quan, đơn vị… theo đề xuất của Sở Nội vụ, khi di chuyển từ nhà đến nơi làm việc, ngoài các quy định kiểm soát hiện hành thì cần phải mặc đồng phục của thành phố (áo khoác/áo bib có logo nhận diện, màu xanh dương) trong suốt quá trình di chuyển.
Căn cứ vào số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được bố trí làm việc trực tiếp tại trụ sở, các cơ quan, đơn vị đăng ký số lượng đồng phục với Sở Công thương. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND TP.HCM về vi phạm của công chức, viên chức, người lao động và việc cấp thẻ công chức, thẻ đi đường không đúng đối tượng. Đặc biệt, đề xuất của Sở Nội vụ yêu cầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền thực hiện xử phạt vi phạm hành chính theo quy định đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ra khỏi nhà khi không thật sự cần thiết; không đeo thẻ công chức, thẻ ngành, thẻ đi đường, không mặc đồng phục của thành phố. Bên cạnh đó, Sở Nội vụ cũng đề xuất UBND TP.HCM giao Sở Công thương cung cấp đồng phục của thành phố là loại áo khoác/áo bib có logo, màu xanh dương theo số lượng đăng ký.

Doanh nghiệp đang quá tải

Một lãnh đạo của Sở Công thương từ chối trả lời vấn đề này và cho biết mọi nguồn lực của Sở đang tập trung giải quyết các vấn đề giấy phép đi đường cho nhân viên các doanh nghiệp logistics, hàng hóa thiết yếu... Được biết, nhiều sở, cơ quan, đơn vị hành chánh tại TP.HCM đang thực hiện làm việc 3 tại chỗ với lượng nhân sự còn ¼ do cách ly, phong tỏa, chữa bệnh… Tuy nhiên, vị này cũng thừa nhận nguồn lực để triển khai may đồng phục nhận diện cho công chức lúc này là vô cùng khó khăn.
Một số doanh nghiệp sản xuất trong ngành may mặc bổ sung, ngay cả khi có vải rồi cũng khó huy động các công ty sản xuất hàng loạt lúc này. Hiện các công ty đóng cửa, một số duy trì sản xuất “3 tại chỗ” với công suất chỉ đạt 1/3 ngày thường để làm các đơn hàng của họ còn không kịp, làm sao tổ chức để họ may đồng phục cho công chức lúc này được.
Đồng quan điểm, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM cho rằng, nếu quy định buộc công chức ra đường trong thời gian này mặc đồng phục của chính cơ quan mình thì thích hợp hơn. Trong lúc này, mọi nguồn lực của TP.HCM đang tập trung cho việc cứu đói, dập dịch, phát triển kinh tế từ con người đến vật chất. Mấy hôm nay, quy định giấy đi đường thay đổi xoành xoạch đã khiến doanh nghiệp đau đầu. Thế nên, đề xuất may đồng phục cho công chức của thành phố lúc này nên gác lại.
“Thực tế, doanh nghiệp ngành may mặc của thành phố hiện không có điều kiện thích ứng cho việc triển khai các đơn hàng may trang phục nhận diện công chức cho toàn thành phố. Hiện những nhà máy đang duy trì sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” công suất giảm mạnh, chủ yếu tập trung hoàn tất các đơn hàng xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp trong Hiệp hội đã trễ đơn hàng, gia hạn, chịu phạt… Nên đơn hàng đồng phục cho công chức thành phố lúc này, nếu có được giao cũng không thể làm được”, vị này phân tích và nói thêm, hiện tại có giấy đi đường và thẻ công chức, ngành nghề, mặc đồng phục cơ quan… để ra đường là được rồi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.