'Nguồn lực đất đai đang bị xâu xé bởi các nhóm lợi ích'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
08/10/2021 16:36 GMT+7

Nhiều chuyên gia cho rằng, tình trạng thu hồi đất ruộng của người dân, chuyển mục đích sử dụng rồi mang đi phân lô, bán nền , chia nhau chênh lệch là biểu hiện của tình trạng các nhóm lợi ích xâu xé nguồn lực đất đai của quốc gia.

Thu hồi đất rồi phân lô, bán nền, chia nhau chênh lệch

Nêu ý kiến tại hội nghị giám sát, xem xét những bất cập và kiến nghị sửa đổi luật Đất đai 2013 do Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức sáng 8.10, PGS - TS Nguyễn Quang Tuyến, giảng viên Trường đại học Luật Hà Nội, đề nghị, việc sửa luật lần này cần làm rõ nội hàm, vai trò của nhà nước trong vấn đề sở hữu.

PGS - TS Trần Quang Tuyến nêu ý kiến tại hội nghị

Ngọc thắng

Theo ông Tuyến, tiêu cực liên quan đến đất công hiện nay rất nhiều; doanh nghiệp nhà nước sử dụng đất công rất lãng phí, thậm chí còn chia cho các cá nhân sử dụng, nhiều vị trí "đất vàng" bị chiếm dụng…

“Tham nhũng, tiêu cực xuất hiện chủ yếu ở loại đất này. Vừa qua, những vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong vụ án Vũ "Nhôm", liên quan đến Bình Dương, Khánh Hoà đều xảy ra liên quan đến đất công”, ông Tuyến nhận định và cho rằng, cần thể chế hoá bằng được vai trò của nhà nước với tư cách người sử dụng đất.

“Nhà nước cũng phải công bằng, bình đẳng như các đối tượng sử dụng đất khác”, ông Tuyến kiến nghị.

Ông Tuyến cũng cho rằng, mặc dù Hiến pháp coi đất đai thuộc sở hữu toàn dân nhưng dân có quyền gì thì luật lại không quy định.

“Đất đai là nguồn lực của quốc gia nhưng đang bị xâu xé bởi các nhóm lợi ích. Do đó, cần làm rõ việc kiểm soát quyền sở hữu toàn dân là thế nào. Nhiều doanh nghiệp cũng đang chăm chăm vào nguồn lực đất đai của quốc gia, thế nên mới xuất hiện tình trạng thu hồi đất ruộng của người dân, chuyển mục đích sử dụng rồi mang đi phân lô, bán nền, chênh lệch chia nhau là giàu có”, ông Tuyến nói.

Cũng theo ông Tuyến, luật quy định các cơ quan có thẩm quyền lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải lấy ý kiến của người dân. Tuy nhiên, “dân ở đây là ai” thì vẫn còn là khái niệm chung chung.

Ông Tuyến cho rằng, cần chỉ rõ dân ở đây chính là những tổ chức, cá nhân nằm trong khu vực chịu tác động của quy hoạch. Đồng thời, khi người dân góp ý quy định tỷ lệ người dân nếu chưa đồng thuận với dự thảo quy hoạch thì các cơ quan lập quy hoạch sẽ thay đổi toàn bộ, thay đổi một phần hay không thay đổi thì phải giải trình cho nhân dân.

"Tham nhũng đất đai là kinh khủng nhất"

GS-TS Võ Khánh Vinh, nguyên Giám đốc Học viện Khoa học xã hội - nhân văn, thì cho rằng luật Đất đai chưa thể hiện được tinh thần “đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, là nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước”, được Hiến pháp đề cập mà mới ưu tiên việc là quản lý nhà nước, trong đó chủ yếu nói đến vai trò của hành pháp là chính.

GS - TS Trần Ngọc Đường phát biểu ý kiến tại hội nghị

Ngọc thắng

Từ đó, ông Vinh cũng đề nghị trong việc sửa đổi luật Đất đai tới đây phải nhấn mạnh vai trò chủ thể của người dân, dân là trung tâm để làm rõ vai trò chủ sở hữu toàn dân.

Nêu thực tế quy hoạch đất đai hiện còn quy hoạch rất tùy tiện, thay đổi liên tục, ông Vinh đánh giá thay đổi ở đây không phải dân thay đổi mà là doanh nghiệp thay đổi, nhóm lợi ích thay đổi. “Tham nhũng trong đất đai là trầm trọng, nghiêm trọng và kinh khủng nhất, đáng sợ nhất. Còn tiêu cực trong đất đai thì thôi rồi Lượm ơi”, ông Vinh nói.

GS - TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về dân chủ - pháp luật, Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cho rằng luật Đất đai năm 2013 quy định các khoản thu tài chính từ đất đai.

Tuy nhiên, chính sách tài chính về đất đai chưa đủ mạnh để khắc phục tình trạng đầu tư đất đai, chậm đưa các dự án sử dụng đất vào triển khai thực hiện, gây lãng phí nguồn lực. Chính sách thuế đối với đất đai cơ bản chưa được sửa đổi hay ban hành mới, chưa thật sự là công cụ điều tiết thị trường bất động sản.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.