Nguồn gốc chữ ‘ambulance’ và cách viết ngược trên xe cứu thương

Vương Trung Hiếu
Vương Trung Hiếu
05/10/2021 14:30 GMT+7

Ở Việt Nam thuật ngữ xe cứu thương là cách gọi có nguồn gốc từ chữ ambulance trong tiếng Anh, Pháp. Ambulance xuất hiện trong tiếng Anh vào năm 1798 với nghĩa ban đầu là ‘bệnh viện di động hoặc dã chiến’.

Thuật ngữ ambulance thường dùng để chỉ phương tiện di chuyển khẩn cấp trên đất liền để vận chuyển người bị thương hoặc bị bệnh nặng đến bệnh viện. Tuy nhiên, ambulance là khái niệm khá rộng, còn dùng để chỉ các phương tiện giao thông khác nhau, không giới hạn ở bất kỳ phương tiện vận chuyển nào, bao gồm xe cứu thương, tàu y tế, trực thăng, máy bay phản lực, xuồng cứu sinh, tàu bệnh viện, xe bán tải và các phương tiện vượt qua chướng ngại vật, ngựa nhanh được huấn luyện tốt và các phương tiện di chuyển khác…

Xe cứu thương Chalmers ở Montréal (Canada) năm 1920

Wikipedia

Xe cứu thương xuất hiện từ thời cổ đại, ban đầu là loại xe đẩy để vận chuyển bệnh nhân bị thương do vũ lực. Vào năm 1847, Tây Ban Nha là nước đầu tiên sử dụng xe cứu thương đúng với tinh thần ‘vận chuyển khẩn cấp’ (trong cuộc chiến giữa Quân chủ Công giáo chống lại Tiểu vương quốc Granada). Loại xe cứu thương này được gọi là ambulancia. Trong Nội chiến Mỹ (1861-1865), những chiếc xe chở người bị thương ra khỏi trận địa cũng được gọi là xe cứu thương. Trong cuộc chiến Krym (1854), cuộc chiến Pháp - Phổ (năm 1870), cuộc chiến giữa Serbo và Thổ Nhĩ Kỳ (1876)… người bị thương được chuyên chở bằng những phương tiện cứu thương khẩn cấp (có thể khác nhau). Về sau nhiều loại xe dân sự biến thể cũng được gọi là xe cứu thương.

Người Anh vay mượn thuật ngữ ambulance từ tiếng Pháp, tuy nhiên gốc từ này lại xuất phát từ tiếng Latin là ambulantem (hiện tại phân từ của động từ ambulare, nghĩa là đi bộ), song ngày nay thuật ngữ tương ứng với xe cứu thương hay ambulance trong tiếng Latin lại là arcera - môt khái niệm dùng để chỉ các phương tiện vận chuyển chủ yếu là xe hơi, đôi khi là trực thăng hoặc cũng có thể là xe đạp, tàu hỏa, thuyền…

Xe cứu thương ở Thái Lan

T.L.

Vì sao chữ "ambulance" lại ghi ngược?

Nhiều người thắc mắc tại sao phía trước xe cứu thương lại ghi ngược chữ ambulance. Có người cho rằng chữ ngược là do bị dán ẩu. Thật ra không phải vậy. Vào các bệnh viện chính thống tại Việt Nam, ta cũng thường thấy chữ ambulance bị viết ngược. Ở Anh, Pháp, Tây Ban Nha cũng vậy. Mục đích viết ngược chữ ambulance là cho người điều khiển xe chạy phía trước xe cứu thương, nhìn vào kính chiếu hậu thấy được chữ ambulance viết thuận chiều.

Cách viết ngược chữ ambulance ở đầu xe là quy ước của nhiều nước trên thế giới, tuy nhiên không hoàn toàn bắt buộc, bởi vì chúng ta vẫn thấy có những xe ghi chữ ambulance không bị ngược. Ví dụ như ở Trung Quốc, người ta gọi xe cứu thương là cứu hộ xa (救護車) và cũng dùng tiếng Anh là ambulance, song có nhiều xe lại không viết ngược chữ này. Riêng ở Thái Lan thì có cả hai cách viết. Người Thái gọi xe cứu thương là รถพยาบาล , phía trước xe thường ghi tiếng Anh là ambulance (viết ngược hoặc xuôi).

Các thiết bị thông thường của xe cứu thương bao gồm giường cáng, xe lăn, máy trợ thở, bình oxy, huyết áp kế, thuốc hoặc giá treo dịch truyền, máy hút đàm, đèn cảnh báo, còi, máy định vị vệ tinh… Dĩ nhiên, còn tùy theo điều kiện trang bị xe cứu thương của từng địa phương. Chính phủ ở các quốc gia khác nhau có thể cấp cho xe cứu thương một mức độ đặc quyền nhất định để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện nhiệm vụ của họ.

Xe cứu thương ở Anh quốc

theguardian.com

Ở châu Á, một số nước và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hồng Kông và Đài Loan, dịch vụ xe cứu thương thường phục vụ miễn phí. Tuy nhiên, nếu không phải là tình huống khẩn cấp thì việc sử dụng xe cấp cứu bừa bãi đều bị phạt hoặc tính phí. Còn ở những nước đang phát triển, do thiếu phương tiện và không đủ quỹ bảo dưỡng, việc đưa xe cấp cứu đến bệnh viện thường phải trả phí đôi khi khá đắt đỏ. Cũng có nơi quy định rõ là trong những tình huống không khẩn cấp thì xe cứu thương không được nháy đèn, hú còi và cũng không được hưởng quyền ưu tiên trên đường.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.