Nguồn cung hàng tạm ổn, luồng xanh chưa 'xanh'

20/07/2021 06:32 GMT+7

Hôm qua (19.7), ngày đầu tiên 19 tỉnh thành phía nam đồng loạt bước vào đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Riêng tại TP.HCM, đợt giãn cách đã được 10 ngày và tình hình hàng hóa có vẻ tạm ổn.

Sức mua “giảm nhiệt”

Sáng 19.7, theo ghi nhận của Thanh Niên, lượng khách đến mua đồ tại các siêu thị lớn nhỏ không có sự tăng đột biến, không có tình trạng quá tải.
Điển hình, lúc 8 giờ sáng, tại Lotte Mart Nguyễn Hữu Thọ (Q.7, TP.HCM), lượng khách xếp hàng chờ khai báo y tế, đo nhiệt độ... ít hơn hẳn so với những ngày trước đó. Tương tự, tại các cửa hàng Bách Hóa Xanh, Co.op Food, SatraFoods, Vinmart... lượng khách mua hàng cũng không quá đông, hàng hóa cũng khá đầy đủ. Hay tại cửa hàng SatraFoods ngay Ngã Sáu Phù Đổng (Q.1) lúc hơn 11 giờ sáng, chỉ có khoảng 5 người đang chờ xếp hàng. Bên trong, nhiều loại rau xanh khá phong phú.

Sáng 20.7: Thêm 2.155 ca Covid-19, TP.HCM nhiều nhất với 1.519 ca

Bà Huỳnh Thị Kim Thanh, Giám đốc siêu thị Aeon Tân Phú, chia sẻ trong 3 ngày gần đây, lượng khách hàng và sức mua có dấu hiệu giảm nhiệt, có thể do khách hàng đã mua tích trữ trước đó. Hiện tại, siêu thị Aeon Tân Phú vẫn duy trì nhập vào 4 tấn thịt heo mỗi ngày, lượng nhập hàng này tương đương 200% sức mua của người dân trong ngày cao điểm nhất. Trong 2 - 3 ngày tới, siêu thị sẽ nhập hơn 20 tấn mỗi ngày; đồng thời áp dụng giảm giá từ 10 - 50% cho một số mặt hàng rau củ.
Tương tự, đại diện hệ thống Vinmart tại TP.HCM cũng cho biết đã chuẩn bị nhiều kịch bản để ứng phó với tình hình dịch bệnh cũng như đáp ứng yêu cầu về kiểm soát dịch bệnh của từng tỉnh/thành phố, tập trung toàn lực để hàng hóa lưu thông ổn định, nguồn cung không đứt gãy. Dự báo những ngày tiếp theo, sản lượng hàng hóa sẽ vẫn đảm bảo để không có tình trạng trống kệ, người dân an tâm mua sắm.
Trong khi đó, lãnh đạo Saigon Co.op cho hay về cơ bản thì các tỉnh, thành đều tạo mọi điều kiện để việc lưu thông hàng hóa diễn ra thuận lợi, không bị gián đoạn. Khả năng cung ứng mỗi ngày đạt 600 - 800 tấn hàng hóa chủ yếu là rau củ.
Cũng vào hôm qua 19.7, 20 tấn rau củ quả từ Tiền Giang lên theo tàu cao tốc Greenlines đã về TP.HCM. Thông tin từ Sở Công thương, chuyến tàu cao tốc đầu tiên này chở 7,5 tấn thơm, khoai mỡ, dưa leo, bí đỏ hồ lô, bí đỏ tròn, chanh; 5 - 6 tấn dưa hấu đỏ, 4,5 tấn dưa lưới và thanh long từ Tiền Giang lên. Hiện Sở Công thương tiếp tục nhận đăng ký vận chuyển hàng bằng đường tàu cao tốc của các đơn vị khác. Tàu Greenlines có thể hỗ trợ vận hành 5 tàu với tải trọng 20 tấn/chuyến. Trung bình mỗi ngày thực hiện trước 1 - 2 chuyến và tổng công suất vận tải tối đa 200 tấn/ngày.

Nội đô đã thông, đi tỉnh vẫn vướng

Vấn đề quan trọng nhất trong giai đoạn giãn cách các tỉnh phía nam chính là “luồng xanh” trong lưu thông hàng hóa. Dù có sự vào cuộc của nhiều cơ quan có thẩm quyền, nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn than khó.
Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty vận tải Kim Phát, cho biết sau cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 sáng 18.7, tất cả DN vận tải tại TP.HCM đều thở phào khi Bộ Y tế ban hành quy định không kiểm tra giấy xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 đối với các phương tiện lưu thông hàng hóa trong nội bộ 19 tỉnh, TP phía nam thực hiện Chỉ thị 16, đồng thời bố trí thêm các điểm thực hiện xét nghiệm nhanh tại các trạm xăng, trạm nghỉ đường dài… miễn phí xét nghiệm cho tài xế.
Đặc biệt, việc Bộ Y tế chấp nhận kết quả xét nghiệm Realtime RT-PCR và xét nghiệm nhanh, do tất cả các cơ sở y tế từ cấp xã trở lên và các bệnh viện (cả công và tư nhân) thực hiện, đóng dấu xác nhận; áp dụng chung yêu cầu kết quả giấy xét nghiệm có hiệu lực trong 3 ngày, đã tháo nút thắt lớn nhất đối với việc vận chuyển hàng hóa nội tỉnh cũng như liên tỉnh thời gian qua. Tuy nhiên, trong ngày đầu tiên sau kết luận của lãnh đạo Bộ Y tế, các DN vận tải vẫn chưa thể tổ chức chạy lấy hàng vì đang chờ hướng dẫn cụ thể từ Sở GTVT TP.HCM.
“Các điểm xét nghiệm cho tài xế sẽ được thành lập ở đâu, tổ chức như thế nào… vẫn chưa có thông báo cụ thể. DN lưu thông trong nội tỉnh không còn phải xuất trình giấy thông hành tại các chốt kiểm tra nhưng chở hàng liên tỉnh vẫn phải chuẩn bị đầy đủ giấy tờ theo đúng yêu cầu của từng địa phương. Đến giờ vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể từ cơ quan chức năng các địa phương, nên DN vận tải vẫn tạm chờ”, ông Thanh phản ánh.

TP.HCM đóng cửa 197 chợ truyền thống do Covid-19, chỉ còn 40 chợ hoạt động

Ngày 19.7, UBND TP.HCM có công văn khẩn về tổ chức chợ truyền thống hoạt động trở lại trong điều kiện đảm bảo an toàn. Yêu cầu các quận huyện và TP.Thủ Đức rà soát, đánh giá hiện trạng tổ chức hoạt động, thực hiện đầy đủ các phương án phòng, chống dịch Covid-19 của các chợ truyền thống đang hoạt động và nhanh chóng xây dựng phương án tổ chức các điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu, các mặt hàng tươi sống tại các chợ hiện đang tạm ngưng hoạt động. Các phương án phải được gửi UBND TP.HCM qua Sở Công thương trước ngày 23.7 tới.
Đại diện một DN sản xuất gạo tại TP.HCM chia sẻ: Hiện tại các đơn nhận và giao hàng trong khu vực thành phố tài xế chỉ cần báo giao hàng gạo và cho các chốt kiểm tra đúng mặt hàng thì sẽ được tiếp tục lưu thông bình thường. Tuy nhiên, đối với tuyến vận chuyển từ các nhà máy sản xuất từ miền Tây về TP.HCM và các tỉnh, thành thì vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù, tài xế đã xét nghiệm và đăng ký luồng xanh, nhưng do các tỉnh thực hiện chỉ thị theo nhiều thông tư không đồng nhất, mỗi tỉnh một yêu cầu khác nhau nên việc vận chuyển còn nhiều vướng mắc. Đặc biệt, các nhà xe ở Long Xuyên, An Giang, Cần Thơ nhận hàng kho khu vực miền Tây đi giao tuyến Đồng Nai và Bình Dương, Bình Phước rất khó vì xe giao hàng xong quay đầu về địa phương phải cách ly 14 ngày.

Tạm dừng thu phí BOT các tỉnh phía nam

Ngày 19.7, Tổng cục Đường bộ đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, TP, các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT đề nghị tạm dừng thu phí tại các trạm trên địa bàn các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Thời gian từ 0 giờ ngày 20.7 đến khi địa phương công bố dỡ bỏ giãn cách xã hội. Đối với các trạm thu phí nằm ngoài vùng thực hiện Chỉ thị 16, các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT, các đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí, VEC thực hiện miễn phí cho các phương tiện tham gia vận chuyển thuốc men, máy móc, thiết bị, vật tư, hàng hóa qua trạm. Đồng thời, miễn phí với các phương tiện chở cán bộ, nhân viên y tế, người tăng cường hỗ trợ vùng dịch, các phương tiện chở người từ vùng dịch về các địa phương...
Bộ trưởng GTVT ngày 19.7 đã ký quyết định thành lập tổ công tác đặc biệt thường trực tại TP.HCM do Thứ trưởng Lê Đình Thọ làm tổ trưởng, trực tiếp chỉ đạo hoạt động vận tải tại khu vực phía nam. Tổ công tác có nhiệm vụ phối hợp trực tiếp với TP.HCM và các tỉnh, TP khu vực phía nam, Tây nguyên, nam Trung bộ và các địa phương liên quan chủ động giải quyết các nhiệm vụ phát sinh; đảm bảo vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu sản xuất, lương thực, thực phẩm, các hàng hóa thiết yếu được thông suốt giữa các tỉnh, TP có dịch và giữa các tỉnh, TP có dịch với các địa phương khác.
* Chiều 19.7, Cục CSGT (Bộ Công an) đã có công điện đề nghị giám đốc công an các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư chỉ đạo về thực hiện một số giải pháp cấp bách phòng, chống Covid-19. Trong đó, Cục CSGT đề nghị công an các tỉnh tham mưu để chính quyền địa phương loại bỏ một số chốt kiểm soát không cần thiết để phương tiện lưu thông thuận lợi, tạo điều kiện thông thoáng cho luồng xanh.
Mai Hà - Thái Sơn
Tương tự, hơn 20 tấn rau quả từ Đắk Lắk được vận chuyển về TP.HCM theo diện cứu trợ, do nhóm thiện nguyện của ông Nguyễn Ngọc Luận (nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Liên kết Thương mại Toàn Cầu) tổ chức, đã gặp khá nhiều khó khăn trước khi về tới thành phố sáng 18.7. Tài xế muốn di chuyển qua các chốt kiểm soát phải chuẩn bị rất nhiều loại giấy thông hành.
“Tạm thời các tài xế chưa dám chạy tiếp vì việc đi lại xin thủ tục mất rất nhiều thời gian. Chưa kể, một số địa phương yêu cầu xe quay đầu từ TP.HCM về phải cách ly 7 ngày nên họ không chạy nữa”, ông Luận thông tin.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.