Người 'xây dựng và bảo hành' công viên địa chất

19/01/2020 00:00 GMT+7

PGS-TS Trần Tân Văn là người có thâm niên làm các hồ sơ Di sản thế giới và Công viên địa chất toàn cầu UNESCO. Ông gắn bó với các tỉnh tưởng chừng như chỉ có đá và đá từ khi điều tra, khảo sát tiềm năng, xây dựng hồ sơ tới các kế hoạch 'hậu danh hiệu'.

“Trận chiến tổng lực”

Thưa PGS-TS Trần Tân Văn, lần đầu tiên ông làm hồ sơ UNESCO cho các khu di sản thiên nhiên ở nước ta như thế nào?
Cho đến nay chúng tôi đã tham gia và chủ trì 2 hồ sơ Di sản thế giới liên quan đến các giá trị nổi bật toàn cầu về địa chất và 4 hồ sơ Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu UNESCO.
Năm 2005 - 2006 chúng tôi bắt đầu làm hồ sơ di sản đầu tiên cho khu vực Vườn quốc gia Ba Bể. Cách làm hồi đó cũng khá thô sơ, UBND tỉnh Bắc Kạn mời mấy chuyên gia đến và bảo, dự án này có từng này, từng này kinh phí rồi nhờ viết. Hồ sơ Ba Bể lần đó thất bại nhưng UNESCO vẫn để ngỏ khả năng cho chúng ta làm lại và yêu cầu hợp tác với Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang của Tuyên Quang.
Xin lưu ý thêm, làm hồ sơ di sản không có nghĩa là chỉ tổng hợp tài liệu rồi viết mà còn phải điều tra, khảo sát, nghiên cứu thêm rất chi tiết, tổ chức hội thảo quốc tế, đón đoàn chuyên gia sang thẩm định, bảo vệ hồ sơ ở Hội đồng Di sản thế giới...
Có thể nói đó là một trận chiến tổng lực, và vai trò định hướng, điều phối, thậm chí vận động hành lang... của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam là rất lớn.
Sau đó, ông làm hồ sơ cho CVĐC toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn của Hà Giang?
Đúng thế mà cũng không phải thế. Một mình tôi thì chẳng làm được, mà phải có các cán bộ khoa học khác nữa. Chúng tôi có một đề tài nghiên cứu cấp nhà nước do Bộ KH-CN cấp kinh phí và một dự án hợp tác quốc tế Việt - Bỉ. Dự án có những người bạn hết mực thủy chung, như GS Jan Masschelein, GS Michiel Dusar, TS David Lagrou... Họ đã gắn bó với Việt Nam và với chúng tôi liên tục gần 30 năm nay. Thai nghén từ 2003, triển khai từ 2006, đến 2009 thì đề xuất thành lập CVĐC toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, xây dựng hồ sơ trình UNESCO, năm 2010 thì được công nhận. Hồi đó kinh nghiệm vẫn còn non nhưng phải công nhận lãnh đạo tỉnh Hà Giang cực kỳ quyết tâm, hơn cả mong đợi.
Người 'xây dựng và bảo hành' công viên địa chất1

Cảnh đẹp của Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng

Ảnh: BQL Công viên địa chất Non nước Cao Bằng

Họ quyết tâm cao đến thế nào, thưa ông?
Chúng tôi lúc đầu chỉ đề xuất CVĐC ở một phạm vi hẹp thôi, gồm hai huyện Đồng Văn và Mèo Vạc. Nhưng cả tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đều bảo thế không đủ, các ông phải làm cho chúng tôi cả bốn huyện thì mới trọn vẹn. Sau này chúng tôi thấy đúng thế thật. Phải làm cả bốn huyện mới đủ chứ hai huyện thì vẫn còn thiếu, vì thừa ra hai huyện Yên Minh và Quản Bạ.
Với CVĐC toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, chúng tôi cho là khá thành công, dù vẫn còn mặt này mặt nọ nhưng cơ bản là đang tốt hơn. Tỉnh Hà Giang còn đang có ý định mở rộng CVĐC về phía tây, để ít nhất cũng bao gồm thêm cả TP.Hà Giang nữa.
Làm nhiều hồ sơ di sản như vậy, hồ sơ nào với ông khó khăn nhất?
Chúng tôi còn được mời làm hồ sơ cho Quần thể danh thắng Tràng An của Ninh Bình, cùng với một số anh chị Viện Khảo cổ học Việt Nam và chuyên gia quốc tế. Đó là vụ “xương” nhất, vì chuyên gia của UNESCO yêu cầu cao, và vì phía Việt Nam mình cũng có những quan điểm khác nhau. Chúng tôi được yêu cầu làm hồ sơ theo hướng Di sản thiên nhiên thế giới, nhưng chúng tôi lại tin rằng nếu chỉ làm riêng về thiên nhiên thôi thì quá yếu mà phải có văn hóa thì mới thuyết phục. Thậm chí đã trình hồ sơ rồi, sang đến Qatar bảo vệ mà vẫn còn tranh luận.
Cuối cùng hồ sơ được cả Hội đồng chấp hành UNESCO nhất trí thông qua. Cho đến nay Tràng An là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới duy nhất ở Việt Nam và là một trong hơn 30 di sản loại này trên thế giới.
Người 'xây dựng và bảo hành' công viên địa chất2

PGS-TS Trần Tân Văn thẩm định Công viên địa chất toàn cầu Haute Provence (Pháp) năm 2015

Ảnh: NVCC

Cân đối lợi ích của người dân bản địa và nhà đầu tư

Cao nguyên đá Đồng Văn đã có da có thịt. Nhưng với các di sản như thế này luôn có câu hỏi liệu chúng ta có “mài di sản ra bán” không, văn hóa tộc người có bị tác động gì xấu không, có bị Kinh hóa không...?
Có khá nhiều nhà quy hoạch về xây dựng, văn hóa, khu du lịch quốc gia... đã lên và muốn biến Cao nguyên đá Đồng Văn thành trung tâm này trung tâm kia, có người thậm chí còn vẽ ra quần thể khách sạn cao tầng, hồ bơi, sòng bạc... Tuy nhiên, chúng tôi luôn kiến nghị với tỉnh là bên cạnh đó nên chú trọng hình thức du lịch cộng đồng homestay ở các làng văn hóa, phát triển các sản vật địa phương... Như thế, người dân mới được hưởng lợi, chứ không sẽ chỉ nhà đầu tư bên ngoài được hưởng. Phải làm sao để có một sự cân đối lợi ích giữa người dân bản địa và nhà đầu tư bên ngoài. Đó là tinh thần của các CVĐC toàn cầu UNESCO chứ cũng chẳng phải của chúng tôi.

Trong quá trình xây dựng và phát triển công viên địa chất cần hết sức bình tĩnh, cân nhắc, không cần phải quá trải thảm đỏ, quá ưu tiên nhà đầu tư mà thiệt cho địa phương, cho cộng đồng 

Ở các CVĐC khác, thí dụ CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh của Quảng Ngãi, chúng tôi cũng thể hiện rõ quan điểm này. CVĐC chỉ mới được thành lập nhưng đã có nhiều nhà đầu tư muốn vào rồi. Khi được hỏi ý kiến, chúng tôi cũng nói nếu dự án của địa phương thì ủng hộ ngay, còn dự án bên ngoài thì nên cân nhắc. Thứ nữa, cần cố gắng đảm bảo không làm gì vượt quá khả năng chịu đựng của tự nhiên.
Nhiều khu di sản dường như đang quá hồ hởi trải thảm đỏ mời nhà đầu tư?
CVĐC chính là công cụ để cân nhắc, xem xét các đề xuất đầu tư, và chỉ nên phê duyệt những dự án nào có quan tâm đến bảo tồn các giá trị di sản, thân thiện với cộng đồng và với môi trường. CVĐC góp phần “nâng giá” địa phương, nên địa phương có thể đàm phán với nhà đầu tư ở một vị thế cao hơn, công bằng hơn.
Người 'xây dựng và bảo hành' công viên địa chất3

Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn

Ảnh: Công Vũ

Thử hỏi rằng có bao nhiêu dự án đầu tư lên Cao nguyên đá Đồng Văn, lên Non nước Cao Bằng, vào CVĐC Đắk Nông hay vào CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh trước và sau khi những khu vực này trở thành CVĐC, và tính chất của các dự án đó là như thế nào? Rõ ràng trong quá trình xây dựng và phát triển CVĐC cần hết sức bình tĩnh, cân nhắc, không cần phải quá trải thảm đỏ, quá ưu tiên nhà đầu tư mà thiệt cho địa phương, cho cộng đồng.
Những khu di sản như thế, khi phát triển sẽ phải đối diện với xả thải. Trong chiến lược dài hơi của các CVĐC, vấn đề này được các ông đặt ra như thế nào?
Có chứ, trong hồ sơ nhất thiết phải trình bày về các vấn đề nơi đó đang phải đối mặt với thiên tai, tai biến địa chất, vệ sinh môi trường..., và phải kèm theo nhiều phụ lục, trong đó có cả kế hoạch về cấp nước sạch và xử lý nước thải, rác thải...
Các CVĐC toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn hay Non nước Cao Bằng khá rộng, dân lại tương đối thưa, rác thải công nghiệp còn ít trong khi rác thải sinh hoạt thì phần nhiều là hữu cơ. Rác thải, nước thải do du lịch cũng chưa phải quá nhiều nên hiện nay vẫn còn chấp nhận được. Tuy nhiên, cũng đã đến lúc phải nghĩ về những vấn đề này.
Bên cạnh xử lý nước thải thì cung cấp nước sạch cũng là vấn đề cần đặt ra?
Đúng thế. Vừa rồi chúng tôi làm được một việc cực kỳ hay là triển khai thành công một dự án cấp nước sạch cho H.Đồng Văn. Cao nguyên đá Đồng Văn khát nước mặt, nhưng dưới sâu thì vẫn có. Chúng tôi đã nghĩ đến việc làm thế nào để đảm bảo nước sạch thậm chí từ trước khi đặt vấn đề thành lập CVĐC. Cấp nước cho người dân đã khó khăn từ bao đời nay, giờ thêm khách du lịch nữa thì giải quyết thế nào?
Trước đó, Cao nguyên đá Đồng Văn đã có dự án nước nào chưa? Hiện nay, việc cấp nước như thế nào thưa ông?
Cấp đủ nước sạch cho người dân địa phương vốn đã là trăn trở của Chính phủ và của tỉnh từ vài chục năm trước, và đến giờ dường như vẫn chưa được giải quyết một cách căn bản. Đã có khá nhiều dự án, đề tài nghiên cứu, tìm kiếm nước lớn nhỏ. Tỉnh đã từng triển khai dự án cấp cho mỗi nhà một cái chum, xây cho mỗi nhà một cái bể. Có những đợt khô hạn khan hiếm nước quá, tỉnh còn phải chở nước về ứng cứu cho bà con.
Dự án cấp nước hiện nay sử dụng công nghệ bơm không dùng điện của Đức mà để nước chảy theo độ cao chênh lệch, đây là dự án duy nhất kiểu này hiện nay ở Việt Nam và cấp tới gần 2.000 m3 nước/ngày cho toàn bộ dân cư và cả khách du lịch ở TT.Đồng Văn và một số bản ở lân cận, cả hiện tại lẫn trong tương lai.
Sau thành công này, tỉnh Hà Giang đang mời chúng tôi làm tiếp cho H.Mèo Vạc, là huyện hiếm nước hơn cả Đồng Văn, nơi người dân đã phải đi mua nước, cỡ khoảng 400.000 - 500.000 đồng/xe. Theo chúng tôi, còn rất nhiều khu vực miền núi ở Việt Nam có thể áp dụng công nghệ này.
Vậy là ông không chỉ làm hồ sơ để có được danh hiệu mà còn bảo hành danh hiệu nữa?
Nói vậy có vẻ hơi quá, đúng là đạt được danh hiệu đã là khó nhưng giữ được danh hiệu thì còn khó hơn. Bạn cần biết là danh hiệu CVĐC toàn cầu UNESCO chỉ có hiệu lực trong thời gian 4 năm. Cứ sau mỗi 4 năm UNESCO lại tái thẩm định, nếu vẫn tốt thì sẽ tiếp tục được công nhận, nếu ngủ quên trên danh hiệu thì có thể bị cảnh cáo, thậm chí không được công nhận nữa. Mỗi lần đánh giá, tái thẩm định đều kèm theo một loạt khuyến cáo bạn cần thực hiện cho tới lần tái thẩm định tiếp theo, vì thế bạn sẽ phải nỗ lực liên tục, nhưng như thế là tốt cho chính bạn, đúng không?
Xin cảm ơn ông!
PGS-TS Trần Tân Văn là Viện trưởng Viện Khoa học - Địa chất - Khoáng sản (Bộ TN-MT). Ông cũng là Trưởng tiểu ban chuyên môn về CVĐC toàn cầu Việt Nam thuộc Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, thành viên Ban Tư vấn mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO. Viện Khoa học - Địa chất - Khoáng sản đã tham gia và chủ trì xây dựng một số hồ sơ về Di sản thế giới và CVĐC toàn cầu UNESCO, như Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang, thành lập 2009, công nhận 2010, tái thẩm định 2014, 2018); Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình, 2012 - 2014); Non nước Cao Bằng (Cao Bằng, 2016 - 2018); CVĐC Đắk Nông (Đắk Nông, trình hồ sơ lên UNESCO 2018, thẩm định 2019 và dự kiến được công nhận chính thức 2020); CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh (Quảng Ngãi, trình hồ sơ lên UNESCO 2019, chuẩn bị thẩm định 2020).
Chuyên gia hàng đầu về công viên địa chất Việt Nam
PGS-TS Đặng Văn Bài,  Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam
       
Tôi đã làm việc với anh Văn qua các dịp viết và bảo vệ hồ sơ Di sản thế giới và CVĐC. Đấy là một chuyên gia hiểu biết rất sâu về địa chất. Nhưng anh cũng rất hiểu về các vấn đề dân tộc học và di sản. Nói về CVĐC Việt Nam, anh là chuyên gia hàng đầu.
PGS-TS Đặng Văn Bài,
 
Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam
Người biến các vùng xa xôi, hẻo lánh thành điểm đến du lịch
TS Nguyễn Xuân Nam,  Viện Khoa học - Địa chất - Khoáng sản (Bộ TN-MT)
       
Chúng tôi ở một viện nghiên cứu cơ bản, thông thường là những kiến thức rất khô khan, xa thực tế. Anh Văn là người có trình độ khoa học rất cao, lại rất chú trọng ứng dụng khoa học địa chất vào cuộc sống. Chẳng hạn, CVĐC gắn bó rất chặt với cuộc sống con người. Anh Văn là một trong những người đầu tiên đưa các ý tưởng về CVĐC vào Việt Nam, làm cho nó trở nên hấp dẫn. Đó chính là một mô hình kinh tế - xã hội mới, tạo ra nhiều sinh kế mới cho người dân.
Trước anh ấy, cũng đã có người có ý tưởng phát huy giá trị địa chất trong đời sống, xây dựng các vùng đá vôi thành điểm đến du lịch nhưng chưa có cơ hội làm. Anh Văn có trình độ cao, các mối quan hệ quốc tế nên mới có thể làm được điều đó. Vào tay anh ấy mới phát triển được. CVĐC không chỉ bao gồm địa chất mà còn là liên ngành. Ở Việt Nam bây giờ để làm một hồ sơ CVĐC hoàn chỉnh trình UNESCO thì tôi nghĩ chỉ anh ấy làm được.
TS Nguyễn Xuân Nam, 
Viện Khoa học - Địa chất - Khoáng sản (Bộ TN-MT)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.