Người Việt từ 'tâm dịch' Ý về cách ly: Hạnh phúc vì được ăn bánh mì, mì Quảng

21/04/2020 20:06 GMT+7

Những món ăn rất đơn giản như bánh mì, mì Quảng ở trong khu cách ly khiến những người Việt về từ tâm dịch Ý cảm thấy hạnh phúc vỡ òa. Với họ, về đến khu cách ly là về đến nhà, cảm giác an toàn tuyệt đối.

0 giờ 5 phút ngày 18.4, chuyến bay đưa 60 hành khách (57 khách người Việt, 3 khách người Ý) từ Ý về nước đã hạ cánh xuống sân bay Quốc tế Đà Nẵng. Toàn bộ hành khách đều phải cách ly theo yêu cầu về phòng chống dịch Covid-19
Vừa đặt chân xuống sân bay, Trần Trương Bảo Ngọc (25 tuổi, quê Thừa Thiên Huế) lâng lâng hạnh phúc. “Về đến nhà rồi, an toàn rồi”, chàng du học sinh tự nhủ và hít thở thật sâu sau 50 ngày tự cách ly ở nhà ngay giữa tâm dịch nước Ý.

Sướng nhất là đồ ăn Việt Nam

Sau khi kiểm tra sức khỏe ở sân bay, Ngọc được đưa về cách ly ở Trung tâm Huấn luyện dự bị động viên Đồng Nghệ (H.Hòa Vang, Đà Nẵng). Ngọc bất ngờ khi vào nhận phòng vì thấy một trời ký ức thời đi học quân sự ùa về.
Bảo Ngọc kể, cảm xúc của Ngọc những ngày qua rất khó tả, lâng lâng, hồi hộp. Từ khi nhận được thông báo là sẽ được về nước của Đại sứ quán Việt Nam tại Ý, chuyến bay khởi hành sáng sớm nhưng Ngọc đã ra sân bay ở Milan từ tối hôm trước.

Sân bay tại Milan khá vắng vẻ, chỉ có những hành khách trên chuyến bay đặc biệt check in lúc rạng sáng

Ảnh: Long Võ

Ở trong sân bay rồi, Ngọc vẫn chưa tin là mình sẽ được về Việt Nam trên một chuyến bay với khoản phí đóng rất thấp như vậy. Tới khi bước lên máy bay, Ngọc cảm thấy yên tâm, và xuống sân bay Đà Nẵng là cảm giác an toàn tuyệt đối khi được trở về.
“Em rất mừng, mừng lắm khộng biết dùng từ nào để diễn tả vì em sắp được gặp gia đình, ăn đồ ăn Việt Nam. Vào đến khu cách ly thì bác sĩ thăm khám nói chuyện rất nhẹ nhàng, cơm có người đưa tận nơi cho ăn. Toàn những món ăn thân thuộc như bánh mì, mì Quảng hỏi sao mà không yêu cho được. Em thấy thương những người làm công tác ở khu cách ly lắm vì họ luôn phải mặc đồ bảo hộ kín mít dù trời rất nắng nóng. Vậy nhưng ai cũng bình tĩnh nói chuyện thân thiện với mọi người làm chúng em có cảm giác ấm lòng, hạnh phúc như đang ở nhà”, Ngọc tâm sự.

Bữa cơm thuần Việt trong khu cách ly khiến những người vừa về từ Ý "trầm trồ"

Ảnh: NVCC

Tương tự, Võ Thế Long (27 tuổi, quê Đà Nẵng) ở cùng nhà trọ và cùng về với Ngọc trong chuyến bay này. Long hào hứng kể: “Từ các bạn tiếp viên hàng không đến các anh bộ đội đều tốt và nhiệt tình lắm. Lúc tụi em xuống máy bay được các chị tiếp viên dặn nhớ giữ sức khỏe. Rồi các anh bộ đội chuẩn bị chỗ ở, mấy món đồ vệ sinh cá nhân rất chu đáo. Lúc đêm về đến đây, tụi em đi tắm rửa xong định vào ngủ thì thấy sẵn trên giường mấy ly mì nóng hổi. Hạnh phúc muốn rớt nước mắt”.
Tới sáng hôm sau, Long được cấp thức ăn sáng là bánh mì, hôm sau nữa là mì Quảng khiến chàng du học sinh lại rưng rưng xúc động vì được ăn món ăn yêu thích sau bao ngày cách ly ở nước Ý xa xôi.

Gần 2 tháng sống giữa tâm dịch

Bảo Ngọc sang Ý theo thạc sĩ tại trường University of Bergamo. Ngay khi dịch Covid-19 vừa bùng phát, anh và bạn bè trong phòng thực hiện tự cách ly tại nhà, chỉ đi ra ngoài để mua thức ăn và luôn tránh các đám đông.
Dù có chút lo sợ nhưng anh luôn động viên mình, cứ thực hiện đúng quy trình khẩu trang, đeo găng tay và rửa tay thì mọi chuyện sẽ ổn. Suốt những ngày ở nhà, Ngọc chủ yếu học online, không thì ngủ nghỉ, tập gym và gọi điện thoại về gia đình.
“Trước em từng học ở Nhật và dính động đất năm 2016, nên mấy tình trạng như này em thấy bình tĩnh là xử lý được hết. Có lẽ nhờ vậy nên em không quá hoảng loạn vì dịch”, Bảo Ngọc chia sẻ.
Thế Long thì bộc bạch rằng, cuộc sống những ngày ở giữa tâm dịch là những cảm xúc không mấy thoải mái.

Long và bạn đến sân bay từ tối hôm trước để chờ check in vì hồi hộp

Ảnh: NVCC

Ngày dịch vừa bùng phát, Long đã nhiều đêm mất ngủ và lo sợ khi nghe tiếng xe cấp cứu hú liên tục ngoài đường. Phải mất gần 2 tuần, Long mới quen với việc này và tìm cách thích nghi bằng các hoạt động như chơi game, làm vlog.
Long và các bạn chung phòng chỉ ra ngoài khi cần đi mua đồ ăn, luôn đeo khẩu trang, găng tay, giữ khoảng cách 2m và về đến nhà thì ngay lập tức xịt cồn rửa tay, sau đó rửa tiếp lại với xà bông.
“Sau khi vượt qua được cảm xúc này, em dường như bị chai luôn, không còn sợ hãi điều gì. Có hôm xe cấp cứu thương đến tòa nhà đối diện để chở người đi, em chẳng còn lo sợ gì nữa. Thay vào đó cứ ở trong nhà để tự cách ly và giữ sức khỏe cho người thân ở nhà bớt lo lắng”, Long kể.
Bạn Phạm Đức Huy (20 tuổi, quê Hà Nội, sinh viên Trường Politecnico di Torino về trên chuyến bay này) bộc bạch: "Cuộc sống trong khu cách ly có lạ hơn so với bình thường nhưng rất vui. Em đặc biệt ấn tượng với đội ngũ nhân viên y tế, bộ đội vì sự nhiệt tình, thân thiện trong giao tiếp. Trời nắng nóng như thế này, nhưng họ luôn phải mặc đồ bảo hộ, mồ hôi tòng tòng mà không một lời than vãn. Các bữa ăn trong ngày đều được chuẩn bị chu đáo, bảo đảm về sức khỏe và dinh dưỡng. Cứ như thế này chắc xong 14 ngày cách ly em sẽ tăng cân mất. Những hôm nay nóng quá, mọi người còn chủ động hỏi tụi em muốn uống gì giải khát thì họ sẽ mua giúp".
"Mọi người ở trong phòng tự bảo ban nhau để thực hiện đúng các quy định của khu cách ly để không làm các y bác sĩ, bộ đội thêm vất vả. Xin cảm ơn Đại sứ quán hai nước và công ty đã tài trợ chuyến bay để chúng em được trở về", Huy bày tỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.