Người Việt trong vòng vây dư chấn 'bom nổ' ở Thái Lan

25/08/2015 13:31 GMT+7

(TNO) Vụ đánh bom tại đền Erawan (Bangkok, Thái Lan) làm ít nhất 20 người thiệt mạng và 125 người bị thương đã xảy ra hơn một tuần. Tuy vậy, “dư chấn” của nó với đồng bào Việt Nam tại Bangkok vẫn chưa hết…

(TNO) Vụ đánh bom tại đền Erawan (Bangkok, Thái Lan) làm ít nhất 20 người thiệt mạng và 125 người bị thương đã xảy ra hơn một tuần. Tuy vậy, “dư chấn” của nó với đồng bào Việt Nam tại Bangkok vẫn chưa hết…

Hiện trường ngổn ngang của vụ nổ bom cách đây chưa lâu gây bàng hoàng dư luận - Ảnh: Lam Yên
"Ớn" đám đông
Đã hơn một tuần trôi qua, nhưng ấn tượng về vụ nổ bom đẫm máu vẫn còn hiện rõ trong tâm trí của Nguyễn Ngọc Yến Thư, nghiên cứu sinh ĐH Chulalongkorn, người có mặt tại hiện trường chỉ vài phút khi phát nổ tại đền Erawan.
“Lúc đó mùi thuốc súng nồng nặc, tiếng còi xe cứu thương inh ỏi. Mình đứng đó, bất động hoàn toàn khi thấy những chiếc xe máy cháy đen, những phần cơ thể văng ra xung quanh…”, Thư kể lại giọng vẫn chưa hết xúc động.

Để giảm thiểu rủi ro mình chỉ ráng canh đi học sớm hơn, tránh giờ cao điểm, cập nhật tin tức từ báo đài liên tục để nắm tình hình.

Chị Yến Thư

Từ sau vụ nổ, để đảm bảo an toàn ĐH Chulalongkorn cũng khuyến cáo SV, nghiên cứu sinh nên kết thúc công việc để về sớm. Ngoài ra trang web của trường cũng cung cấp số điện thoại để SV có thể liên lạc khi có việc khẩn cấp.
“Trường của mình nằm sát những khu mua sắm sầm uất nhất Bangkok là Siam và Central World. Dù muốn hay không mỗi ngày mình vẫn phải đi ngang đấy. Vì thế, để giảm thiểu rủi ro mình chỉ ráng canh đi học sớm hơn, tránh giờ cao điểm, cập nhật tin tức từ báo đài liên tục để nắm tình hình”, cô nói.
Du khách được kiểm tra túi xách ngay trước trung tâm thương mại Central World sau khi vụ nổ bom xảy ra - Ảnh: Lam Yên
Bangkok đã trở lại nhịp sống sôi động vốn có của nó, đường xá tiếp tục kẹt cứng; các trung tâm thương mại nổi tiếng Siam, MBK, Platinum lại nườm nượp khách du lịch; nhạc vẫn xập xình, đèn vẫn tiếp tục xanh đỏ tại những khu vui chơi giải trí về đêm như Nana, Soi Cow boy…

Hàng rong của tụi em nghe bom là sợ nhất vì thường phải đứng bán ở khu đông người. Có muốn tránh cũng không được. Bên nhà nghe nói có bom, sợ quá gọi qua thôi về VN đi, đừng bán nữa nguy hiểm quá nhưng không bán lấy gì ăn.

 

Nguyễn Đình Huế

Các tuyến tàu điện trên không cũng như tàu điện ngầm người đi đã đông trở lại. An ninh tại đây được siết chặt hơn. Cảnh sát đứng gác, kiểm tra túi xách của mỗi người khá kĩ.
“Dù phải tốn thêm thời gian chờ đợi, nhưng mình biết điều này là cần thiết để đảm bảo an ninh cho mọi người”, chị Nguyễn Thị Huyền, khách du lịch từ TP.HCM nói khi đang đứng đợi kiểm tra túi xách tại bến tàu điện Siam.
Đền Erawan (nơi xảy ra vụ đánh bom) bắt đầu nhộn nhịp, đông đúc trở lại, nhưng phần lớn là…cảnh sát và phóng viên và khách đến viếng, đặt vòng hoa tưởng niệm nạn nhân.
Anh Nguyễn Quốc Việt, giáo viên dạy tiếng Việt cho người Thái, sống tại quận Min Buri (cách Bangkok khoảng 30km) cho biết: “Thật ra, xác suất mình dính bom cũng rất thấp. Lâu lắm mới nổ một vụ, xui lắm mới dính. Hơn nữa, mình không sống trong trung tâm Bangkok nên cũng đỡ lo. Chỉ là từ bây giờ mỗi khi dẫn khách, bạn bè đi chơi tại những điểm đó thấy đám nào đông đông thì tránh thôi”.
Nguyễn Ngọc Yến Thư ngại đám đông hơn kể từ khi xảy ra vụ nổ 
Hàng rong ế và sợ bom
Ảnh hưởng nặng nề nhất trong vụ nổ bom có lẽ là dân bán hàng rong. Nguyễn Đình Huế (30 tuổi, quê Thanh Hoá) bán nước lựu than một tuần nay công an đi kiểm tra liên tục nên phải trốn miết, đến tối mới dám mò ra bán.
“Hàng rong của tụi em nghe bom là sợ nhất vì thường phải đứng bán ở khu đông người. Có muốn tránh cũng không được. Bên nhà nghe nói có bom, sợ quá gọi qua thôi về VN đi, đừng bán nữa nguy hiểm quá nhưng không bán lấy gì ăn. Bây giờ tụi em chỉ biết gọi về nhà thường xuyên để gia đình yên tâm thôi”, anh nói.
Phan Nhân Minh, (34 tuổi quê Hà Tĩnh) bán trái cây gần Nana, một trong những khu giải trí về đêm nổi tiếng của Bangkok, chép miệng: “Hồi trước bán được 10, bây giờ giỏi lắm chỉ được 6. Khách du lịch cũng sợ, tránh đến nơi đông người.Còn mình, biết là khu đông người thường bị đặt bom, nhưng không tới đó thì sao bán được hàng”.
Tuy vậy, trong khi các ngành nghề khác đều kinh doanh chậm lại thì ngành bảo hiểm lại “phất”.Trong các nạn nhân đợt nổ bom vừa qua, có một cô người Thái cũng mới mua bảo hiểm từ đầu năm nên ngoài số tiền hỗ trợ của chính phủ là 100.000 baht (khoảng 70 triệu) thì gia đình cô còn nhận thêm 700.000 baht (khoảng 460 triệu đồng).
Chuyện này cũng làm nhiều người có thêm “động lực”…mua bảo hiểm.

Đội dỡ bom mìn lập tức có mặt trước thông tin có bom ở khu Nana - Ảnh: Lam Yên

Chị Trần Thị Minh Tâm, Việt kiều Thái hiện đang làm cho công ty bảo hiểm AIA tại Bangkok, cho biết từ sau vụ nổ bom số lượng khách hàng đến với chị tăng vọt.
“Tai nạn là chuyện không ai muốn. Nhưng khi cảm thấy bất an phần lớn đều ‘thôi kệ, bỏ ra chút tiền mua bảo hiểm để lỡ có chuyện không may xảy ra, thì người thân của mình cũng được một chút tiền đền bù’”, chị cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.