Người Việt làm gì giữa thành phố phong tỏa vì Covid-19: 'Tình trạng khẩn cấp' ở Tokyo

09/07/2021 08:39 GMT+7

Khi tôi lo lắng vì số ca Covid-19 ở Tokyo tăng cao, chồng tôi lại bảo đại đô thị hơn 30 triệu dân như Tokyo có số ca nhiễm cao hơn vùng khác là bình thường, cả nhà phải quen với việc đó và bảo vệ bản thân.

Hoảng hồn tích trữ đồ ăn

Lần đầu tiên Tokyo ban bố “tình trạng khẩn cấp” để ngăn dịch Covid-19, tôi cũng vội vội vàng vàng học theo bạn bè chia sẻ trên Facebook và chạy ra siêu thị gần nhà để mua đồ ăn tích trữ
Đó là tầm tháng 3 năm ngoái. Hóa ra người Nhật còn nhanh chân hơn cả tôi, quầy giấy vệ sinh trống trơn, các quầy kệ bánh mì, thịt, trứng… cũng đều "sạch sẽ". Lần đầu tiên tôi chứng kiến tình trạng này sau hơn 5 năm sống ở Nhật Bản khi theo chồng sang đất nước mặt trời mọc làm việc năm 2016. Những lần trước bão lớn, người Nhật cũng hay tích trữ đồ ăn, nhưng chưa bao giờ tôi thấy quầy kệ... trống vắng tới mức này.
Tôi phải đi 2-3 siêu thị quanh nhà mới mua được kha khá đồ. Sau đó, để yên tâm hơn, tôi lên Rakuten (trang bán hàng trực tuyến phổ biến ở Nhật) đặt mua, nào các loại mì, lương khô, gói gia vị để ăn với cơm và yên tâm ở nhà “nội bất xuất ngoại bất nhập - không bước chân ra đường khi không quá cần thiết” theo đúng tinh thần mà chính quyền Tokyo khuyến khích. Tuy nhiên, vài hôm sau khi bước chân ra siêu thị gần nhà tôi lại thấy hàng hóa đầy ắp như chưa từng có đợt càn quét 2 ngày trước đó.

Tượng chú chó Hachiko ở ga Shibuya, điểm check-in nổi tiếng Tokyo vắng người vì dịch Covid-19. Ảnh chụp vào tháng 8.2020

Phương Thảo

Tôi nghĩ có vẻ mình đã hơi lo quá, vì mấy tháng sau đó tôi phải hối cả nhà ăn phụ để giải quyết hết đống lương khô mua về. Lần thứ 2 rồi thứ 3 khi Tokyo tuyên bố "tình trạng khẩn cấp" để đối phó với Covid-19, tôi rút kinh nghiệm, không trữ đồ ăn, giấy vệ sinh như trước đó nữa, vì dù là tình trạng khẩn cấp thì siêu thị vẫn mở cửa hằng ngày (dù thời gian làm việc của các siêu thị có rút ngắn hơn so với bình thường).

Bình tâm giữa TP thời tình trạng khẩn cấp 

Từ tháng 3.2020 đến nay, số ca nhiễm Covid-19 ở Tokyo cứ đều đặn tăng, từ 150 lên 200 - 300 - 500 - 800 - rồi đều đều trên dưới 1.000 mỗi ngày. Và tôi thì quen tới mức chẳng còn cập nhật xem hôm nay Tokyo có bao nhiêu người nhiễm nữa.
Nhưng khi Tokyo bước vào "tình trạng khẩn cấp", hai con tôi, học ở trường cấp 2 và cấp 1, cũng có đợt ở nhà học online, nhưng chủ yếu vẫn là đến trường học mỗi ngày (nhà trường phát cho mỗi em 1 tờ giấy ghi nhiệt độ cơ thể, mỗi sáng, trước khi đi học sẽ đo xem nhiệt độ bao nhiêu để đảm bảo trẻ không sốt). Sau một thời gian ngắn vì lo ngại dịch Covid-19 trường ngừng cung cấp bữa ăn trưa nên tôi phải chuẩn bị cơm hộp cho con mang đi học, sau đó thì nhà trường lại có cơm trưa ở trường như bình thường.

Một nhà ga lớn ở Tokyo vào tháng 9.2020, lượng người đi lại giảm hẳn vì dịch Covid-19

Phương Thảo

Lần gần nhất Tokyo ban bố "tình trạng khẩn cấp" là cuối tháng 4 sau đó kéo dài đến giữa tháng 6 năm nay. Khoảng thời gian này cũng trùng với kỳ nghỉ Tuần lễ vàng nổi tiếng ở Nhật, là lúc người dân hay tranh thủ đi du lịch hưởng không khí mùa xuân.
"Tình trạng khẩn cấp" nghĩa là các trung tâm thương mại lớn, rạp chiếu phim, trung tâm thể dục thể thao… phải đóng cửa để tránh tụ tập đông người, các quán ăn đóng cửa sớm lúc 20 giờ tối... Con trai tôi đang học lớp 2, phải nghỉ tập ở câu lạc bộ đá bóng và các giải thi đấu thể thao cũng bị hủy bỏ. Không có chỗ để đi bơi, đi đá bóng, bù lại các công viên nhỏ quanh khu dân cử vẫn mở cửa nên bọn trẻ vẫn ra công viên chơi được với nhau.
Cuối tuần, thỉnh thoảng nhà tôi vẫn đi ăn ở tiệm để ủng hộ các quán ăn vốn gặp nhiều khó khăn trong mùa dịch. Nhiều quán chuyển sang bán đồ mang về nhà vì bị hạn chế số ghế ngồi ở quán để đảm bảo điều kiện giãn cách.

Tháng 5.2021, dù Tokyo ban bố tình trang khẩn cấp nhưng những điểm du lịch ở các tỉnh lân cận quanh Tokyo vẫn đông nghẹt du khách

Phương Thảo

Ngoài ra, tôi thấy các dịch vụ thiết yếu cho cuộc sống người dân vẫn giữ như bình thường, như các siêu thị, tiệm thuốc, phòng khám bệnh, tiệm cắt tóc, quán ăn, quán cà phê… vẫn mở cửa. Tokyo không phạt người không đeo khẩu trang, nhưng có vẻ người Nhật có văn hóa đeo khẩu trang, nên tôi thấy gần như 100% người đi ngoài đường đều đeo khẩu trang, trừ các em bé nhỏ.
Đúng là các đợt áp dụng "tình trạng khẩn cấp" cũng có hiệu quả vì số ca nhiễm Covid-19 ở Tokyo hạ dần từ trên 1.000 người/ngày xuống còn 500-600 người/ngày.

Thời dịch Covid-19, các khu vui chơi, công viên giải trí ở Tokyo hạn chế số vé bán ra để đảm bảo giãn cách xã hội

 Phương Thảo

Từ ngày bùng phát dịch Covid-19 ở Nhật, chồng tôi gần như làm việc ở nhà, trong tháng chỉ vài lần lên công ty, vài lần đi gặp khách hàng khi cần thiết. Tuy nhiên, con trai lớn của tôi, đang theo học cấp 2 ở một trường tư thì đi học khá xa, nên vẫn đi tàu điện mỗi ngày. Con kể trên tàu không khi nào có ghế ngồi, toàn phải đứng vì quá đông người đi tàu. Nhiều công ty ở Tokyo cũng chuyển giờ làm trễ hơn, để nhân viên tránh đi làm vào giờ cao điểm tàu đông người.
Mỗi lần tôi xem tin tức và tỏ ra lo lắng về số ca nhiễm Covid-19 ở Tokyo tăng cao, chồng tôi lại bảo, sống ở một đại đô thị hơn 30 triệu dân như Tokyo, là trung tâm kinh tế chính trị chính của Nhật, thì chuyện số ca nhiễm Covid-19 cao hơn hẳn các vùng khác cũng là chuyện bình thường, cả nhà mình phải quen với việc đó và bảo vệ bản thân bằng việc đi ra đường thì đeo khẩu trang cẩn thận, về nhà là rửa tay với cồn ngay lập tức.
Khi tôi ngồi viết những dòng này thì Tokyo lại tuyên bố "tình trạng khẩn cấp" lần thứ 4 vì Covid-19, từ ngày 12.7 đến 22.8. Đã quen với 3 đợt “tình trạng khẩn cấp” trước đó nên tôi đón nhận tin này với tâm trạng bình thường, biết rằng lớp học bơi của con ở trung tâm thể thao sẽ tạm nghỉ và bọn trẻ sẽ tự học tự chơi ở nhà trong mùa hè sắp tới này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.