Người Việt kiếm tiền nhờ YouTube - Kỳ 1: 'Thánh chế' Củ Tỏi thu trăm triệu/tháng thế nào?

18/05/2017 13:31 GMT+7

Việc kiếm tiền từ YouTube có thật sự là siêu lợi nhuận hay không? Đó luôn là câu hỏi lớn đối với những người Việt Nam vừa 'chập chững' bước vào hành trình săn tiền từ kênh chia sẻ video hàng đầu thế giới.

YouTube đã không xa lạ đối với người Việt Nam nói riêng và trên toàn thế giới nói chung. Đây là kênh được phát triển bởi Google, cho phép người dùng đăng tải các video để lưu trữ, chia sẻ cho người khác xem, hoặc giữ riêng tư cho mình.
 
VIDEO: Kiếm tiền trên YouTube dễ hay khó? - Thực hiện: Lưu Trân - Phạm Hữu
Kênh YouTube của Củ Tỏi nhận được nút bạc khi đạt 100.000 lượt subscribe (theo dõi) trên YouTube Ảnh: NVCC
Nhờ kho lưu trữ video khổng lồ này, cụm từ “kiếm tiền từ YouTube” dường như đã không còn xa lạ với nhiều người, đặc biệt là giới trẻ năng động. Vậy, việc kiếm tiền từ YouTube có thật sự là siêu lợi nhuận hay không? Đó luôn là câu hỏi lớn đối với những người vừa “chập chững” bắt đầu.
Theo dõi YouTube thường xuyên, hẳn nhiều người sẽ biết đến “thánh chế” Củ Tỏi (tên thật là Nguyễn Tiến Dũng), chàng trai 9X nổi tiếng từ bài hát Con người ta (bản chế lại ca khúc Vợ người ta).
Thành công từ bài hát chế Con người ta đã giúp Củ Tỏi kiếm được tiền từ kênh YouTube cá nhân Ảnh: NVCC
Những clip chế của Củ Tỏi luôn khiến người ta phải cười nghiêng ngả vì điệu bộ cũng như sự sáng tạo mà anh chàng mang đến. Thậm chí, Củ Tỏi được xếp thứ hạng cao nhất trong bảng xếp hạng 10 nhân vật bất ngờ nổi tiếng trên mạng xã hội vào năm 2015, vượt xa những cái tên như Cô giáo Lê Na, mỹ nữ Hạ Vi, Rocker Nguyễn...
Một số dạng video có thể kiếm tiền trên YouTube
Vlog: Các nhân vật tự quay clip chia sẻ những quan điểm cá nhân về các vấn đề nóng sốt hoặc gần gũi với đời sống… Họ chủ yếu kiếm tiền từ YouTube và những chương trình quảng cáo khác, cả online lẫn offline.
Review Video: Là những video đánh giá về các sản phẩm, dịch vụ có nhiều người quan tâm trên thị trường. Video review về điện thoại, đồ công nghệ, mỹ phẩm, các sản phẩm đang hot trên thị trường…
Tutorials Video: Là những video hướng dẫn do bạn tự tạo ra, ví dụ: hướng dẫn thủ thuật dùng Photoshop, hướng dẫn thu âm với các phần mềm đơn giản, hướng dẫn chơi nhạc cụ….
Quay lại tất cả những gì bạn muốn: Chơi game hấp dẫn có thể quay lại, quay những khoảnh khắc dễ thương. Chuyên nghiệp hơn thì đầu tư làm phim ngắn, MV ca nhạc…

Chúng tôi hẹn gặp Củ Tỏi trong một ngày gần đây, và ấn tượng đầu tiên về anh chàng chính là “trong clip xấu sao thì ngoài đời cũng y như vậy”. Song, điều khiến chúng tôi ngạc nhiên hơn cả chính là tính cách khá trầm và đúng chuẩn “thanh niên nghiêm túc” của anh chàng, hoàn toàn không tưng tửng, hài hước như trong các clip nhạc chế.
Nói về lý do lập kênh YouTube của mình, Củ Tỏi cho biết, thực ra ban đầu anh chàng chỉ quay clip chơi cho vui nhưng không ngờ lại nhận được sự quan tâm của đông đảo người dùng mạng xã hội.
“Rồi mình thấy mọi người cũng thích, cứ hỏi mình sao lâu quá không thấy ra clip mới, cộng thêm lượt view từ các clip trên YouTube cũng tăng cao nên mình mới có ý định đầu tư để kiếm tiền từ chính kênh YouTube này”, anh chàng 9X chia sẻ.
Dũng cũng nói thêm, việc kiếm tiền từ YouTube bắt đầu bằng việc đăng ký YouTube Partner (đối tác của YouTube). Đây là chương trình giúp người dùng có thể kiếm được thu nhập bằng cách đặt quảng cáo trên video mà họ tải lên.
“Tuy nhiên, muốn trở thành đối tác của YouTube, bạn cần phải có tài khoản đã được chấp nhận tham gia YouTube Partner cùng tài khoản Google Adsense Hosted, và kênh YouTube của bạn cần đạt được 10.000 view (lượt xem) vào thời điểm đăng ký. Bước tiếp theo, bạn nên tham gia vào 1 network trung gian để kiếm tiền. Và bạn cũng phải tuân thủ 1 số quy định của YouTube đặt ra”, anh chàng lý giải cặn kẽ.
Song, vấn đề quan trọng nhất là chiến lược dành cho những video được upload, định hướng cụ thể những sản phẩm sẽ giúp nổi bật cá tính cũng như màu sắc riêng cho kênh YouTube của mỗi người.
“Có 2 cách cơ bản để upload video lên YouTube là tự tạo ra video của riêng bạn và lấy video của người khác để up lại. Với bản thân mình thì đi theo hướng đầu tiên sẽ bền vững và lâu dài hơn. Vì khi upload video chính chủ thì bạn sẽ tránh được rủi ro vi phạm bản quyền”, Củ Tỏi cho biết.
"Thánh chế" Củ Tỏi chụp hình cùng ekip quay quảng cáo game Ảnh: NVCC
Dừng lại khá lâu trước câu hỏi của chúng tôi về cách thức làm một video thu hút nhiều người xem, “thánh chế” chọn cách trả lời bằng việc kể về những ngày đầu quay clip chế nhạc của mình: “Với cái clip đầu tiên thì mình tận dụng tất cả những gì có sẵn từ áo sơ mi học sinh, mắt kính nobita, khăn quàng đỏ và công cụ để quay chỉ là chiếc điện thoại di động, lúc đó chưa có dùng máy ảnh đâu”, anh chàng cười lớn khi kể lại.
Anh chàng cũng góp một vai diễn trong bộ phim chiếu rạp khá hot Em chưa 18 Ảnh: NVCC
Kỷ niệm mà chàng đạo diễn tương lai nhớ nhất là lần quay quảng cáo game tại nhà. Củ Tỏi kể:  “Do nhà mình xa trung tâm, diện tích cũng nhỏ nên khi các anh chị setup máy quay, đèn chiếu sáng thì gần như chật kín cả lối đi. Làm việc mà không ai dám nhúc nhích, vì sợ đụng trúng hoặc làm rơi vỡ đồ đạc trong nhà. Mà cũng nhờ vậy, mình cố gắng quay 1 lần là xong để mọi người không mất công làm lại nhiều lần. Sau hôm đó, mấy anh chị còn rủ mình đi ăn mừng vì…hoàn thành sớm hơn dự định và đặc biệt là máy móc vẫn được bảo toàn nguyên vẹn”.
Tiếp sau Con người ta là bài hát Vì tôi còn ế, Củ Tỏi luôn biết cách tạo cho mình những dấu ấn riêng biệt Ảnh: NVCC
Để giúp chúng tôi rõ hơn về các nguồn thu từ những video trên YouTube, “thánh chế” cho biết, tương tự như ở website thì với YouTube, khi người xem nhấp vào một trong những quảng cáo hiện trên video của bạn đã upload, thì bạn sẽ nhận được một phần nhỏ tiền quảng cáo, có thể là rất nhỏ cho đến vài USD đối với 1 lần nhấp chuột. Ngoài ra, với mỗi 1.000 lượt xem video thì bạn cũng sẽ nhận được 1 khoản tiền, và khoản này…cực kỳ nhỏ.
Củ Tỏi có thể quản lý và theo dõi kênh YouTube cá nhân thông qua 1 ứng dụng trên điện thoại Ảnh: Phạm Hữu
Tiết lộ về thu nhập cá nhân của mình, Củ Tỏi cho biết mỗi tháng anh nhận được từ 2 - 3 hợp đồng quảng cáo, số tiền được chi trả sẽ không dưới 35.000.000 đồng cho một hợp đồng. Bên cạnh đó, số tiền anh chàng được YouTube chi trả hàng tháng dao động trong khoảng 5.000.000 - 6.000.000 đồng.
Có thể thấy, tổng thu nhập trung bình của Củ Tỏi nằm trong khoảng 100.000.000 – 110.000.000 đồng, một con số đáng mơ ước với nhiều người trẻ hiện nay.
“Thật ra, bản thân mình cảm thấy việc kiếm tiền trên YouTube thì dễ, nhưng để sống được bằng số tiền đơn thuần từ YouTube thì rất khó. Thực chất, số tiền YouTube trả cho đối tác là ít, các YouTuber kiếm tiền chủ yếu từ những hợp đồng quảng cáo bên ngoài. Nói chính xác thì YouTube hỗ trợ rất lớn cho hoạt động kiếm tiền vì đó là phương tiện để quảng bá hình ảnh cá nhân rộng rãi và đưa các sản phẩm đến với nhiều người hơn”, 9X nhận định.
Khác với hình ảnh tưng tửng trong những clip hát chế, Củ Tỏi bên ngoài là một chàng trai trầm tính và đúng chuẩn "thanh niên nghiêm túc" Ảnh: Phạm Hữu
Chia sẻ kinh nghiệm với những người mới bắt đầu tạo kênh YouTube, Củ Tỏi cho rằng sẽ không quá khó để tạo ra các video cho riêng mình. Quan trọng là bạn biết được mình có năng khiếu về lĩnh vực nào để khai thác thế mạnh của bản thân, sáng tạo ra những video có ích hoặc giúp mọi người giải trí từ lĩnh vực đó.
Tất tần tật về Củ Tỏi
Tên thật: Nguyễn Tiến Dũng
Năm sinh: 01.05.1994
Hiện đang là sinh viên năm 3 của trường Đại Học Sân Khấu Điện Ảnh HCM, khoa đạo diễn điện ảnh truyền hình.
Là chủ nhân của hàng loạt clip chế như Cô gái Trung Hoa, Xăng tăng giá, Con nhà người ta, Tôi là tôi chế...
Tham gia diễn xuất trong bộ phim chiếu rạp Em chưa 18.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.