Người Việt giữa dịch Covid-19: Thích nghi với cuộc sống án binh bất động

22/03/2020 06:26 GMT+7

Tuy cuộc sống bị ảnh hưởng khi sống trong các khu vực bị phong tỏa ở châu Âu do dịch Covid-19, nhưng nhiều người Việt vẫn tin vào các biện pháp phòng, chống dịch của chính quyền sở tại.

Chị Đinh Nguyễn Thanh Lý, sống tại TP.Lille (Pháp), cho biết không thể ra đường vài ngày qua sau khi chính phủ Pháp ban hành quy định phong tỏa. Người dân được yêu cầu phải ở nhà trừ việc phải đi mua thực phẩm hoặc trường hợp khẩn cấp như chữa bệnh.
Nếu có việc khẩn cần ra ngoài, người dân phải khai báo lý do vào mẫu đơn của chính quyền cấp sẵn và luôn mang theo tờ đơn để lực lượng chức năng kiểm tra. Nếu không có tờ đơn này, hoặc bị phát hiện khai man thì có thể bị phạt lên tới gần 140 euro (gần 3,5 triệu đồng).
“Bản thân tôi đã mua sẵn thực phẩm đủ cho 2 tuần nên thấy thật sự không cần thiết phải ra ngoài, một phần cũng ngại ra đường những ngày này”, chị Lý chia sẻ và cho biết thêm đang phải làm việc qua mạng tại nhà.

Số ca nhiễm Covid-19 vượt mốc 300.000 toàn cầu, Ý thêm 'kỷ lục đau lòng' với gần 800 người chết/ngày

Mặt khác, chị Lý nói rằng tình hình không nghiêm trọng đến mức phải về nước vì chính phủ Pháp rất nghiêm túc trong việc đối phó với dịch Covid-19. Bản thân người dân nếu có bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đầy đủ thì không cần lo lắng về tiền viện phí.
Chị Lý cho biết một số người bạn Pháp của chị đã được xét nghiệm dương tính với vi rút Corona chủng mới, nhưng vẫn tự cách ly tại nhà và thường xuyên trao đổi với bác sĩ qua mạng để được tư vấn.
“Tôi thấy không cần phải về nước vì di chuyển như vậy mới mang nhiều nguy cơ khi phải ngồi nhiều giờ trên máy bay. Tốt nhất là ở yên tại nhà”, chị Lý nói.
Ở thủ đô Paris của Pháp, cô Tâm Nguyễn cho hay không những trẻ con tạm thời ở nhà, người lớn cũng vậy theo lệnh “án binh bất động toàn dân” của Tổng thống Emmanuel Macron. Ngoài chuyện phải tăng cường nấu ăn thêm cho các thành viên gia đình, cô cũng trở thành giáo viên dạy tiếng Việt cho hai con trong thời gian này. Sách vở cũng đã mua sẵn từ trước.
Cô cho hay giờ đây người dân Pháp đang tập thích nghi với nhịp sống mới, là phải ở nhà tối đa.
Sống tại TP.Zurich (Thụy Sĩ) - một trong những nước châu Âu có số ca nhiễm nhiều nhất, chị Ngô M.Thảo cho biết lệnh cấm các sự kiện công cộng và tư nhân có hiệu lực từ ngày 17.3 và kéo dài đến ngày 19.4. Mọi nhà hàng, trung tâm thể thao, văn hóa đều bị đóng cửa.
Chị Thảo cho hay người dân không bị cấm ra ngoài, nhưng được khuyến cáo nên hạn chế hết mức. Mọi hoạt động tụ tập đông người đều bị cấm và người dân phải giữ khoảng cách an toàn với nhau khi đi mua hàng hoặc sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Nhiều cửa hàng phải giới hạn số lượng khách và có bảng thông báo khách mua hàng phải giữ khoảng cách an toàn.
“Bệnh nhân trên 60 tuổi được đưa đến bệnh viện điều trị. Những người dưới 60 tuổi tự cách ly tại nhà và được bệnh viện gửi thuốc, khẩu trang, nước rửa tay đến. Tuy nhiên, họ vẫn có thể gọi cấp cứu nếu bệnh trở nặng”, chị Thảo cho biết.
Mẹ Finn, một người Việt sống tại TP.Kempten (vùng Allgäu, Đức), cho hay Đức đã cấm việc đi du lịch trong và ngoài nước từ hồi đầu tuần. Hầu hết các bang tại Đức đã áp dụng những biện pháp hạn chế người dân đi lại.
Theo anh Phạm Trường Sơn (sống tại Budapest, Hungary), Hungary đã đóng cửa biên giới, kêu gọi người dân hạn chế đi lại và khuyến khích các công ty cho nhân viên làm việc tại nhà. Chính phủ thiết lập các điểm bán online, đồng thời cam kết không để người dân nào bị thiếu lương thực. Mọi người cũng chỉ được mua mỗi loại hàng hóa đủ dùng trong 5 ngày.
Hành chính công của chính phủ chỉ mở 2 ngày, mỗi lần 3 tiếng. Bình thường trong tháng 3 phải kê khai đóng thuế, năm nay chính phủ cho trì hoãn đến ngày 1.7.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.