Người trẻ phải có khả năng tự đào tạo

11/06/2019 08:08 GMT+7

Sau 3 năm đi dọc đất nước để được nghe những câu chuyện của bạn trẻ, mới đây anh Lê Đình Hiếu (1 trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quốc 2018) đã cùng các giáo sư tại Mỹ nghiên cứu về những rào cản người trẻ trên con đường phát triển bản thân, sự nghiệp.

Anh Hiếu đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên để chia sẻ về những kỹ năng giúp người trẻ “sống còn” trong thời đại số.
Lý do anh bắt tay vào thực hiện nghiên cứu trên là gì, thưa anh?
Năng lực tự học, tự phát triển và tự hoàn thiện bản thân sẽ luôn là hành trang vô giá trên con đường hội nhập quốc tế và cạnh tranh toàn cầu. Hãy nhớ rằng, những gì bạn đã học chỉ là tài sản khởi điểm của mỗi người, còn tốc độ tăng trưởng tài sản đó hoàn toàn phụ thuộc vào cách bạn đầu tư
Lê Đình Hiếu
Vào tháng 3 năm nay, tại Hà Nội có diễn ra hội thảo “Tăng năng suất lao động để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của VN”. Tại đây có thông tin tỷ lệ cử nhân thất nghiệp trên 30% hoặc làm công việc trái ngành, công việc trong các lĩnh vực kinh tế phi chính thức lên tới 35 - 40%, là những con số hết sức nhức nhối của nền giáo dục nước nhà. Đây chính là lý do khiến tôi cùng các giáo sư tại Mỹ thực hiện nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân.
Anh đã rút ra những nguyên nhân cốt lõi của vấn đề này?
Sau quá trình làm việc và có dịp trao đổi cùng nhiều anh chị đang điều hành, quản lý nhân sự tại các doanh nghiệp, một trong những trăn trở chung của họ đối với sinh viên mới ra trường là khả năng tự đào tạo, tự nghiên cứu.
Rất nhiều công ty cho rằng các chế độ đào tạo và phát triển nhân viên tại công ty là rất tốt, hệ thống học online với vài trăm khóa học, các bài học kinh nghiệm của ngành được tích lũy qua hàng chục năm trên thế giới rất phong phú. Thế nhưng, các nhân viên trẻ lại không tận dụng được và rất ít bạn tự vượt qua giới hạn ban đầu của bản thân để trở thành lực lượng lãnh đạo dẫn dắt tại doanh nghiệp.
Và điều đáng buồn thay, một bộ phận bạn trẻ không chú trọng vào việc liên tục trau dồi kiến thức, kỹ năng cho bản thân, xem việc có được một nghề nghiệp ổn định đã là thành công lớn mà không hiểu đó chỉ là nấc thang cơ bản đầu tiên trong hành trình sự nghiệp.
Những vấn đề anh vừa nói là điểm chung của thế hệ trẻ trên toàn thế giới, hay chỉ riêng người trẻ VN?

Thật ra, các trường ĐH trên thế giới rất chú trọng vào việc đào tạo kỹ năng tự học. Tại hầu hết các ĐH lớn của Anh, Mỹ, Úc, một trong những môn yêu cầu bắt buộc của giáo dục đại cương chính là “Learn how to learn” (tạm dịch là học cách học). Các môn này rất quan trọng vì mỗi người chúng ta có những năng lực, tư duy và xu hướng tiếp thu kiến thức khác nhau. Do đó, mỗi cá nhân cần phải có phương pháp tự học phù hợp nhất với bản thân.
Một minh chứng khác cho thấy khả năng tự học đã trở thành thứ vũ khí rất hữu hiệu của người trẻ toàn cầu, là 7 năm kể từ sau khi ra đời, xu hướng học các khóa trực tuyến đại trà đã phát triển rất mạnh mẽ. Trên 100 triệu người theo học toàn thế giới, với gần 1.000 trường ĐH tham gia cung cấp khóa học, trong đó có không ít ĐH danh tiếng trên thế giới. Như vậy, chỉ cần có 1 khả năng và tinh thần tự học cao độ, cơ hội bạn trẻ làm chủ kiến thức là rất cao.
Và đây được xem là khả năng tự đào tạo chính bản thân mình, tức là khả năng tự làm chủ kiến thức (thay vì đợi thầy cô, cấp trên hay công ty đào tạo cho mình). Tự đào tạo chính mình để không bị đào thải, thay thế.
Nếu không có kỹ năng tự đào tạo chính mình, bạn trẻ sẽ gặp phải những khó khăn gì?
Ngoài việc không tìm kiếm được việc làm như kỳ vọng hoặc không có sự thăng tiến, giậm chân tại chỗ trong công việc, việc thiếu kỹ năng tự đào tạo sẽ nhanh chóng đẩy các bạn trẻ vào chỗ dễ dàng bị thay thế. Hãy nhìn vào sự bùng nổ thông tin của thế giới để hiểu rõ hơn. Cứ 2 năm một lần, chúng ta lại tăng gấp đôi lượng dữ liệu được tạo ra trên toàn thế giới. Như vậy, chỉ cần vài năm sau khi ra trường, nếu bạn không tự cập nhật kiến thức và phát triển kỹ năng của bản thân, người trẻ sẽ gần như lạc hậu và lỗi thời hoàn toàn.
Vậy làm thế nào để phát triển kỹ năng này, thưa anh?
Tôi xin chia sẻ lại ý của thạc sĩ giáo dục Ngô Huy Tâm (tốt nghiệp Trường ĐH Houston Baptist, Mỹ): “Tự đào tạo thực sự sẽ bao gồm 4 bước, bắt đầu từ tự nhận thức về nhu cầu, khả năng và tố chất của bản thân; đến tự điều chỉnh cách thức và phương pháp học tập; rồi tự rèn luyện để xây dựng tính kỷ luật và kiên trì trong học tập cho chính mình; và cuối cùng là tự khao khát, tự tạo động lực cho việc học để có một niềm đam mê học tập suốt đời, luôn tìm thấy niềm vui và khao khát trong việc phát triển bản thân”.
Cuối cùng, tôi muốn nhắn nhủ với các bạn trẻ, năng lực tự học, tự phát triển và tự hoàn thiện bản thân sẽ luôn là hành trang vô giá trên con đường hội nhập quốc tế và cạnh tranh toàn cầu. Các bạn hãy nhớ rằng, những gì bạn đã học chỉ là tài sản khởi điểm của mỗi người, còn tốc độ tăng trưởng tài sản đó hoàn toàn phụ thuộc vào cách bạn đầu tư.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.