Người trẻ ngồi thành phố, bán đặc sản quê

19/12/2017 21:01 GMT+7

Ngồi Hà Nội có thể ăn thịt trâu gác bếp Sơn La, bánh gai Thanh Hoá; ở Sài Gòn cũng có thể ăn bánh tét Trà Vinh mà không cần về quê. Thế giới phẳng đã khiến các bạn trẻ có thể kinh doanh tiện lợi hơn.

"Sứ giả" của sản vật quê hương
Không chỉ vậy, với cả những người bán hàng, trọng trách giới thiệu đồ ăn ngon của quê hương để chúng vươn xa hơn, đã có lúc nó lớn hơn cả những lợi nhuận thu được.
Hoàng Mẫn, 32 tuổi, làm phóng viên một tờ báo tại Hà Nội nhưng  nghề tay trái của chị là bán hàng đặc sản của Sơn La và nhiều tỉnh Tây Bắc nơi chị sinh ra và lớn lên. Thế mạnh trong “kho hàng” của chị Hoàng Mẫn là các loại thịt trâu, bò, lợn hun khói, xoài Yên Châu, lạp xường, khoai sọ, dâu tây... mùa nào thức ấy.
Dâu tây vườn trồng tại Mộc Châu Hoàng Mẫn
Chị Hoàng Mẫn cho hay, nguồn hàng của chị là những địa chỉ đảm bảo, chuyên làm món đặc sản ngon có tiếng tại Sơn La. Chị giới thiệu các mặt hàng chủ yếu trên facebook, sau khi gom đơn hàng, chị đặt người làm tại quê, sau đó chuyển thành phẩm bằng xe khách xuống Hà Nội và giao đến từng nhà.
“Thu nhập từ việc bán hàng tay trái này không đáng bao nhiêu, điều quan trọng hơn, tôi muốn giới thiệu cho mọi người đặc sản quê mình. Khi mình biết nơi làm món ăn ngon và an toàn, mình nên giới thiệu để mọi người cùng được ăn món ngon và sạch”, chị Hoàng Mẫn chia sẻ.
Hoàng Mẫn, người kinh doanh tay trái đặc sản Sơn La Ảnh nhân vật cung cấp
Muốn mọi người được ăn món ngon
Nguyễn Thu Hương, 27 tuổi, làm kế toán tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, ngoài giờ hành chính, cô kiêm người buôn bán đặc sản Quảng Ninh gồm chả mực, tôm, mực một nắng, các loại cá, tôm, cua ốc…
Người thân của Hương, bên nội ở Thanh Hoá, bên ngoại ở Quảng Ninh, một người có nhà hàng hải sản ở Hà Nội, do đó, nguồn hàng của chị luôn dồi dào, xe ô tô vận chuyển hàng mới về Hà Nội luôn có.
Thu Hương bật mí, mỗi một kilogram hải sản, cô lãi khoảng 20.000 đồng, trừ đi chi phí vận chuyển, điện thoại, cũng lãi được khoảng 15.000 đồng/kg hàng.
“Cuối tuần, dịp lễ tết tôi bán hàng chạy hơn, ngày thường khách cũng không quá đông, nếu chăm chỉ có thể kiếm thêm từ 5 triệu đồng mỗi tháng”, Thu Hương nói.

tin liên quan

Kiếm tiền nhờ đi chơi, nấu ăn trên mạng
Chỉ với chiếc điện thoại có thể quay phim, đôi tay biết nấu nướng và đôi chân siêng đi, nhiều bạn trẻ đã có thể kiếm được số tiền không nhỏ nhờ những video du lịch, ăn uống đăng tải trên YouTube.
Trong khi đó, Trịnh Thị Lý, quê tại Thanh Hoá, đang làm viên chức trong một cơ quan nhà nước tại Hà Nội, cô thích bán đặc sản quê mình như bánh gai, giò, nem nướng chỉ với một lý do, muốn mọi người được ăn món ngon.
“Tôi về quê và thấy bánh gai ngon, thế là nảy ra ý định bán bánh gai cho mọi người. Mỗi chục cái bánh lãi được vài ngàn đồng, không bõ công vận chuyển, gọi điện rồi nhắn tin, thế nhưng vẫn vui vì được mọi người khen bánh ngon quá trời. Có người còn phản hồi, chưa được ăn ở đâu miếng bánh gai ngon như thế”, Lý chia sẻ.
Mắm ba khía, đặc sản miền Tây được bán online Mỹ Trinh
Quách Mỹ Trinh, sống tại thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai, “cô trùm” bán đặc sản Trà Vinh đi khắp Đồng Nai, Sài Gòn,  ra  cả Hà Nội. Mỹ Trinh từ chối tiết lộ lợi nhuận mình thu được mỗi tháng từ công việc toàn thời gian này, tuy nhiên cô cho hay, cô có những mối hàng lấy số lượng lớn về bán lẻ. Dịp cuối năm, từ nay về tết nguyên đán, Mỹ Trinh đóng hàng không ngơi tay, cô có một người chị phụ giúp làm hàng và đóng gói hàng cho khách.
Mỹ Trinh bán bánh ú, bánh tét, mắm ba khía, dừa sáp, dưa mắm... Cô còn bán nhiều món ngon miệng khác như me ngâm, mứt dừa non… do mình tự làm.
Khách của Trinh không chỉ có người trong nước  mà còn nhiều kiều bào xa tổ quốc muốn ăn món ăn quê hương.
Khi ăn đặc sản quê mình, có khi mình ăn kỷ niệm, ăn ký ức tuổi thơ, ăn để tìm lại những dấu ấn quê mình khi xa lơ xa lắc
Mỹ Trinh

Cho biết lý do làm công việc này suốt 3 năm qua, cô gái quê ở Trà Vinh cho biết, muốn giới thiệu cho mọi người đặc sản quê hương, bởi cô thấu hiểu cảm giác của người con xa xứ, thèm ăn một món ăn, không phải vì đói, mà vì nhớ thương.
“Khi ăn đặc sản quê mình, có khi mình ăn kỷ niệm, ăn ký ức tuổi thơ, ăn để tìm lại những dấu ấn quê mình khi xa lơ xa lắc. Có khi vừa ăn vừa hồi tưởng, nhớ thương những năm tháng xa xưa, khi đó mình còn đủ đầy người thân còn bây giờ, cũng ngồi bên món ăn đó, mình đã không còn người thân nữa”, Mỹ Trinh bộc bạch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.