Người trẻ ngày càng lệ thuộc vào smartphone?

Thanh Nam
Thanh Nam
18/09/2023 06:57 GMT+7

Có quan điểm cho rằng sống trong thời buổi hiện đại, với những tiện ích mà công nghệ mang lại khiến cho người trẻ ngày càng lệ thuộc vào smartphone. Nhận định ấy liệu có đúng? Và nếu đúng thì có dẫn tới nhiều hệ lụy?

TỪ CHUYỆN HỌC…

Một giáo viên dạy toán của Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, Q.Tân Bình, TP.HCM, kể: "Khi tôi ra đề ôn tập, thay vì suy nghĩ cách làm thì không ít học sinh sao chép câu hỏi rồi tra trên Google dạng bài tương tự để xem phương pháp giải. Tôi chứng kiến chuyện này nhiều lần và có thể khẳng định một bộ phận học sinh ngày nay bị lệ thuộc vào smartphone".

Tương tự, một giáo viên dạy ngữ văn ở Trường THPT Trần Quốc Tuấn, Quảng Ngãi, cho hay: "Có nhiều học sinh khi làm bài văn không viết ra cảm nhận của mình mà chép lại từ những bài văn mẫu trên mạng. Dù gặp đề bài dễ hay khó cũng có thói quen "phải tìm trên Google". Tôi nghĩ việc lệ thuộc vào smartphone sẽ hạn chế khả năng sáng tạo của học sinh".

Người trẻ ngày càng lệ thuộc vào smartphone? - Ảnh 1.

Nhiều người trẻ phải nhờ sự trợ giúp của Google maps dù đi trên những tuyến đường quen thuộc

Phong Linh

Giảng viên của Khoa Kỹ thuật hóa học và Môi trường, của một trường ĐH, kể câu chuyện khi làm giám thị coi thi trong kỳ thi cuối kỳ. Vì thi đề mở nên sinh viên được sử dụng tài liệu. "Tuy nhiên khá lạ là sinh viên không xem những kiến thức đã được giới hạn sẵn trong sách giáo khoa mà… chỉ tin vào Google. Khi tôi hỏi sao không tìm trong sách giáo khoa cho nhanh thì được trả lời "em quen tra cứu trên Google". Tôi quan sát thấy không chỉ một mà nhiều sinh viên cũng có thói quen ấy", giảng viên này cho biết.

Anh Nguyễn Thiên Đăng (32 tuổi), ngụ đường Vườn Lài, Q.12, TP.HCM, đang dạy đàn guitar tại một trung tâm âm nhạc, kể có nhiều học viên rất… lạ. Dù bỏ tiền để học trực tiếp, nhưng thay vì chú tâm vào bài giảng thì đặt trọn niềm tin vào Google, YouTube trên smartphone.

"Khi tôi dạy tên, ký hiệu, giá trị hình các nốt nhạc hay cách nhìn khuông nhạc, gam của một bài hát… thì học viên luôn tìm kiếm trên Google so sánh để xem tôi dạy có chính xác hay không. Đến phần thực hành, dù tôi hướng dẫn trực tiếp nhưng có học viên còn xem thêm trên ứng dụng công nghệ. Tôi hỏi vì sao cứ bấu víu vào smartphone như vậy thì có học viên nói: "Do thói quen thầy ơi". Tôi nghe mà chỉ biết lắc đầu", anh Đăng ngao ngán.

Người trẻ ngày càng lệ thuộc vào smartphone? - Ảnh 2.

Biết nấu ăn nhưng vẫn phải xem Google chỉ dẫn mới yên tâm

…ĐẾN CUỘC SỐNG THƯỜNG NHẬT

Nhiều phụ huynh cũng cho biết hiện nay không ít người trẻ bấu víu vào smartphone quá nhiều, trong đó có con của họ. Và hệ quả là làm bất kỳ điều gì, dù đơn giản đi chăng nữa thì cũng bị lệ thuộc vào chiếc điện thoại.

"Sẽ không quá lời nếu nói nhiều người trẻ luôn cần smartphone… soi đường, chỉ lối trong mọi việc", anh Sử Ngọc Vinh, ngụ đường Nguyễn Kiệm, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, nhận xét. Anh Vinh minh chứng bằng câu chuyện 2 con của mình. Con trai đang là sinh viên năm 3 Trường ĐH Công thương TP.HCM, con gái là sinh viên năm nhất Học viện Hàng không Việt Nam.

"Tôi đã hướng dẫn cụ thể là đường về nhà rất đơn giản. Từ vòng xoay Lăng Cha Cả, Q.Tân Bình, đi thẳng đường Hoàng Văn Thụ, đến ngã tư Phú Nhuận rẽ trái là tới nhà (507 Nguyễn Kiệm - PV). Thế nhưng có đến vài chục lần các con báo bị lạc đường. Hỏi lý do, hóa ra vì tin vào Google maps dẫn đường nên đi vào những hang cùng ngõ hẻm và… không có lối ra", anh Vinh kể.

Nguyễn Thị Thu Thủy, sinh viên Trường ĐH Hùng Vương (TP.HCM), kể: "Cũng vì tin vào Google maps nên em nhiều lần đi lạc. Có đoạn đường khoảng 2 km nhưng em mất gần 1 tiếng đồng hồ mới di chuyển đến nơi. Cũng đoạn đường ấy, lần sau đi, tiếp tục sử dụng Google maps nhưng vì kẹt xe nên mất gần 2 tiếng đồng hồ".

Hỏi Thủy: "Đi một lần là có thể nhớ đường, vì sao lại tiếp tục sử dụng Google maps?", Thủy cười nói: "Do thói quen". Thủy thú thật: "Dù có những quãng đường quen thuộc, đã di chuyển nhiều lần như từ nhà đến trường và ngược lại nhưng em vẫn luôn bật Google maps trước khi xuất phát. Lên xe, đeo tai nghe, bật điện thoại chỉ đường và bắt đầu di chuyển. Tuy vậy cũng có vô số lần đi nhầm đường".

Một khảo sát nhỏ của PV với 15 người trẻ tại TP.HCM cho kết quả khá bất ngờ: tất cả 15 ý kiến đều thừa nhận bản thân họ bị lệ thuộc vào smartphone.

Nguyễn Thụy Thanh Nga (25 tuổi), làm việc tại Công ty Zitahima (TP.Thủ Đức, TP.HCM), nói: "Từ năm 21 tuổi tôi đã biết viết đơn xin việc. Nhưng cứ mỗi lần nhảy việc là tôi lại phải tìm kiếm để tải về mẫu đơn xin việc trên mạng". Nga cho biết thêm: "Chẳng hiểu vì lý do gì mà cứ hễ vào bếp là tôi phải tra trên mạng để tìm công thức nấu ăn, trong khi dù không có sự trợ giúp của thiết bị công nghệ thì tôi vẫn có thể nấu được". Sau đó, cô gái này tự nhìn nhận: "Đúng là tôi có bị lệ thuộc vào smartphone".

Hoàng Vũ Trung Quân (17 tuổi), học viên Trung tâm bóng đá Saigon Soccer Centre, TP.HCM, nói: "Em cũng có tâm lý lạm dụng smartphone. Như khi học đá bóng, dù được các thầy chỉ dạy trực tiếp, cụ thể, nhưng em vẫn thường xem cách thực hiện những động tác, kỹ năng trên YouTube".

Dương Thu Thủy, sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, kể: "Em xem smartphone là… người bạn chí cốt. Nhất là trong trường hợp cần tìm lời chúc bạn bè, người thân vào dịp sinh nhật, cưới, năm mới. Bản thân em vẫn có thể tự nghĩ ra lời chúc ý nghĩa, nhưng vẫn thích tham khảo trên mạng, và dần dần trở thành thói quen khó bỏ. Để mỗi khi cần lời chúc là phải… tra Google".

Lê Minh Khuê (28 tuổi), ngụ chung cư Ehome 3, Q.Bình Tân, TP.HCM, cũng thú thật chuyện luôn phải cậy nhờ điện thoại để xử lý mọi vấn đề trong cuộc sống. Khi đi làm, thay vì nghe theo hướng dẫn của đồng nghiệp, Khuê có xu hướng tin vào thông tin trên mạng xã hội về các kỹ năng mềm. Lúc ở nhà, chuyện chăm sóc con hay nội trợ, cô gái này cũng coi smartphone là… tư vấn viên đáng tin cậy. Hễ gặp chuyện khó khăn, Khuê lại lấy smartphone, mở Google để tìm giải đáp.

"Có không ít lần mâu thuẫn với chồng, dù đã nhận được lời khuyên của chuyên gia tâm lý, nhưng mình vẫn tìm hiểu trên mạng về cách ứng xử trong tình huống tương tự để làm theo", Khuê chia sẻ. (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.