'Người trẻ ngày càng ít hạnh phúc hơn thế hệ trước'

Trí Đỗ
Trí Đỗ
20/03/2024 17:18 GMT+7

Một báo cáo toàn cầu chỉ ra rằng nhiều người trẻ ở một số khu vực đang trở nên kém hạnh phúc hơn thế hệ trước khi họ phải chịu đựng thứ 'tương đương một cuộc khủng hoảng tuổi trung niên', theo The Guardian ngày 20.3.

Ông Vivek Murthy, bác sĩ phẫu thuật người Mỹ nói với The Guardian rằng nghiên cứu mới cho thấy những người trẻ tuổi ở khắp Bắc Mỹ kém hạnh phúc hơn thế hệ trước. Sự thay đổi tương tự dự kiến xảy ra ở Tây Âu trong 1 hoặc 2 năm tới.

Theo báo cáo Hạnh phúc Thế giới năm 2024, sự hạnh phúc suy giảm ở độ tuổi dưới 30 đã đẩy Mỹ ra khỏi danh sách 20 quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Sau 12 năm những người từ 15-24 tuổi tại Mỹ hạnh phúc hơn người lớn tuổi, xu hướng này bắt đầu đổi chiều vào năm 2017.

Tuổi trẻ u ám kéo Mỹ, Tây Âu tụt hạng trong danh sách hạnh phúc

Ông Murthy mô tả những phát hiện trong báo cáo như “cảnh báo đỏ cho thấy giới trẻ đang thực sự đối mặt khó khăn ở Mỹ và xu hướng này ngày càng gia tăng trên thế giới”.

Báo cáo Hạnh phúc Thế giới hằng năm do Trung tâm Nghiên cứu Phúc lợi của Đại học Oxford (Anh), cùng công ty tư vấn và phân tích đa quốc gia Gallup (Mỹ) và Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững Liên Hiệp Quốc phối hợp thực hiện bảng xếp hạng mức độ hạnh phúc của hơn 140 quốc gia trên thế giới.

Báo cáo chỉ ra rằng: “Đối với Mỹ, Canada, Úc và New Zealand, mức độ hạnh phúc đã giảm ở mọi nhóm tuổi, nhưng đặc biệt là đối với giới trẻ, đến mức giai đoạn 2021-2023 là nhóm tuổi ít hạnh phúc nhất”. Năm 2010, người trẻ hạnh phúc hơn những người ở độ tuổi trung niên.

'Người trẻ ngày càng ít hạnh phúc hơn thế hệ trước'- Ảnh 1.

Những người trẻ ở Bắc Mỹ được cho là ngày càng kém hạnh phúc hơn thế hệ trước

U.S.NEWS

Chẳng hạn, người Anh dưới 30 tuổi xếp thứ 32 trong bảng xếp hạng hạnh phúc, sau các quốc gia như Moldova và thậm chí cả El Salvador - một trong những quốc gia có tỷ lệ giết người cao nhất thế giới. Đầu tháng này, phần lớn thanh thiếu niên ở Anh nói với những người thăm dò ý kiến rằng họ dự đoán cuộc sống của họ sẽ tồi tệ hơn thế hệ trước. Ngược lại, những người trên 60 tuổi ở Anh lọt vào top 20 thế hệ lớn tuổi hạnh phúc nhất thế giới.

Trong một trường hợp khác, Mỹ tụt 8 bậc trong bảng xếp hạng hạnh phúc xuống vị trí thứ 23, nhưng nếu chỉ hỏi những người dưới 30 tuổi thì nước này lại xếp thứ 62 (sau Guatemala, Ả Rập Xê Út và Bulgaria). Ngược lại, nếu chỉ tính quan điểm của những người từ 60 tuổi trở lên thì Mỹ là quốc gia hạnh phúc thứ 10.

Báo cáo không tiết lộ căn nguyên của những thay đổi này nhưng nhìn chung chúng xuất hiện trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về tác động của mạng xã hội, bất bình đẳng về thu nhập, khủng hoảng nhà ở, lo ngại về chiến tranh và biến đổi khí hậu đối với hạnh phúc của trẻ em và thanh thiếu niên.

Ông Murthy cho biết thanh thiếu niên Mỹ sử dụng mạng xã hội gần 5 giờ mỗi ngày và khoảng 1/3 thức tới nửa đêm sẽ xem điện thoại.

Ông Murthy cho rằng việc cho phép trẻ em sử dụng mạng xã hội giống như cho chúng uống thuốc nhưng chưa kiểm định chất lượng an toàn. Ông cho rằng việc các chính phủ không quản lý tốt hơn phương tiện truyền thông xã hội trong những năm gần đây là “điên rồ”. Ông kêu gọi ban hành luật “ngay bây giờ” để giảm thiểu tác hại đối với giới trẻ từ mạng xã hội như việc hạn chế hoặc loại bỏ các tính năng như nút thích hoặc lướt vô hạn.

Vị bác sĩ này cho biết ông vẫn đang chờ dữ liệu chứng minh nền tảng truyền thông xã hội là an toàn cho trẻ em và thanh thiếu niên, đồng thời kêu gọi hành động quốc tế để cải thiện kết nối xã hội ngoài đời thực cho giới trẻ.

Ngoài ra, báo cáo cho thấy hạnh phúc thời thơ ấu và sức khỏe tinh thần có thể là yếu tố dự báo tốt nhất cho mức độ hài lòng trong cuộc sống của người trưởng thành. Nghiên cứu trước đó đã kết luận rằng người trẻ có mức độ hài lòng với cuộc sống cao hơn sẽ kiếm được mức thu nhập cao hơn sau này, thậm chí còn tính đến sự khác biệt về trình độ học vấn, trí thông minh, sức khỏe thể chất và lòng tự trọng.

Ông Lord Layard, một thành viên Công đảng trong quốc hội Anh và là đồng biên tập của báo cáo cho biết phúc lợi của trẻ em sẽ là một vấn đề lớn tại cuộc tổng tuyển cử dự kiến được tổ chức trong năm nay. "Chúng ta cần những cam kết gia tăng các nhóm hỗ trợ sức khỏe tâm thần và phổ biến chúng trên toàn quốc. Kỹ năng sống nên được dạy ở mọi trường học", ông nói.

'Người trẻ ngày càng ít hạnh phúc hơn thế hệ trước'- Ảnh 2.

Nhà ga trung tâm thành phố Helsinski, Phần Lan

T.D

Báo cáo Hạnh phúc Thế giới xếp hạng các nước dựa trên khảo sát người dân về cuộc sống cũng như những cảm xúc tích cực và tiêu cực của họ. Phần Lan, Đan Mạch và Iceland lần lượt tiếp tục là 3nước hạnh phúc nhất năm nay.

Đại sứ Phần Lan Jukka Siukosaari tại London (Anh) cho biết đất nước của ông đã cố gắng tạo ra một “cơ sở hạ tầng hạnh phúc” bao gồm “môi trường an toàn và đảm bảo”, cơ hội hợp lý để mọi người thể hiện bản thân và thu nhập tương đối đồng đều. Ông nói: “Tất cả đều bắt đầu với mức độ tin cậy cao giữa người dân và các tổ chức của chúng tôi".

Trong khi Đức tụt từ vị trí từ 16 xuống 24. Afghanistan và Lebanon vẫn là hai quốc gia kém hạnh phúc nhất. Ở chiều hướng lạc quan hơn, Costa Rica và Kuwait là những quốc gia mới lọt vào top 20.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.