Người trẻ khởi nghiệp: Từ chối bán dự án triệu USD

29/01/2017 10:02 GMT+7

Trong vòng 2 năm, một nghiên cứu từ giảng đường đại học đã trở thành mô hình khởi nghiệp thành công với tài sản được định giá 3,5 triệu USD. Đó là chuỗi cà phê sạch khép kín mang tên JaviCoffee.

Thành công sau 5 lần “cất kho”
Chế tạo máy pha cà phê thuần Việt là dự án của nhóm nghiên cứu trọng điểm Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM do tiến sĩ Nguyễn Bá Hải chủ trì. Mục tiêu của nhóm là chế tạo một máy pha cà phê công nghệ cao nhưng có vị cà phê đặc trưng phù hợp với khẩu vị người Việt. Vì vậy chiếc máy pha cà phê này kết hợp công nghệ Nhật và Ý nhưng vẫn rất riêng biệt.
Chia sẻ về sáng tạo này, tiến sĩ Nguyễn Bá Hải nói: “Việt Nam là nơi xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới. Cà phê cũng là thức uống gắn liền với người Việt mỗi ngày nhưng thực tế tồn tại rất nhiều cà phê bẩn. Vì vậy nhóm mong muốn tạo ra được máy pha chế có thể lấy được nhiều chất cà phê nhất sau pha chế để người bán hàng không cần độn thêm chất khác vào mà vẫn bán được giá bình dân”.
Sau 2 năm mày mò nghiên cứu, dù nhóm đã bỏ tiền túi gần 2 tỉ đồng nhưng phiên bản thứ 5 vẫn bị lỗi và buộc phải cất kho. Ngay đến phiên bản này chiếc máy vẫn nặng tới 2 tạ và chỉ cho ra loại cà phê loãng không hợp với khẩu vị người Việt. “Nhìn ly cà phê nhạt toẹt mà khách bỏ lại không uống trước mặt, mình cảm giác rất đau đớn.
Đã vậy, có những lúc “xém chết cháy” vì máy nổ thủng mái nhà trong quá trình thử nghiệm đã khiến nhóm nghiên cứu có lúc muốn dừng lại. Nhưng chính sự bực bội của người nghiên cứu đã giúp nhóm tiếp tục đi lên ở phiên bản thứ 6”, tiến sĩ Hải cho biết.
Không chỉ tạo ra loại cà phê với hương vị đậm đà đặc trưng dành riêng cho người Việt, chiếc máy này còn có tốc độ pha chế cao hơn so với các loại máy tương tự của Ý hiện đang sử dụng. Với tốc độ trung bình một phút cho một ly, máy này có thể tạo ra 12 ly/lần pha chế với giá chuyển giao hiện tại là 190 triệu đồng/máy. Trong khi đó, một máy pha 12 ly/lần của Ý có giá tới khoảng  500 triệu đồng nhưng vẫn có hạn chế là mỗi tay cầm chỉ tạo ra đồng thời khoảng 2 ly.
Hơn nữa, với máy Ý này chất lượng cà phê được tạo ra không đúng “gu” cà phê đá hay cà phê sữa đá của người Việt. Chính vì vậy, ưu việt của nó còn ở khả năng phục vụ cà phê thuần Việt ở những hội nghị lớn có tới hàng nghìn người với chỉ 2 - 3 máy.
Đến thời điểm này, nhóm đã sản xuất thành công khoảng 100 máy. Dù mỗi tháng nhận được trung bình 30 đơn đặt hàng nhưng nhóm chỉ phục vụ được 1 - 2 đơn hàng vì cùng với máy, còn chuyển giao công nghệ và giải pháp cà phê đi kèm. “Để giữ vững mục tiêu đưa ra thị trường sản phẩm cà phê sạch cho người tiêu dùng, nhóm chấp nhận hạn chế bán máy để kiểm soát chất lượng và giữ vững thương hiệu”, chủ nhân chính của dự án này bày tỏ.
Khởi nghiệp tạo ra… khởi nghiệp
Điểm đặc biệt của dự án này không chỉ sáng tạo thành công máy pha chế mà còn ở việc chuyển giao công nghệ, giải pháp để hình thành chuỗi cà phê sạch khép kín.
Từ sự hỗ trợ ban đầu của một số doanh nhân, nhóm nghiên cứu đã mở thử nghiệm thành công 2 quán cà phê sạch. Từ chỗ chỉ bán được 10 ly/ngày và lỗ 70 triệu đồng tháng đầu tiên, sau một năm chuỗi cà phê này đã mở rộng 12 quán và 10 điểm bán mang đi, tạo hơn 100 việc làm bán thời gian cho sinh viên. Trung bình mỗi tháng, chuỗi cà phê này phục vụ cho 60.000 người. Trong đó có những quán bán được 400 ly/ngày, lời khoảng 100 triệu đồng mỗi tháng.
Khi đặt câu hỏi về khoản tiền lời nhóm nghiên cứu có được từ mô hình khởi nghiệp này, tiến sĩ Nguyễn Bá Hải cho biết không thể tính được vì nhóm không trực tiếp sở hữu các quán cà phê mà chỉ chuyển giao công nghệ và giải pháp bán cà phê sạch cho người khác với vốn đầu tư từ 30 - 500 triệu đồng được trả dần trong 5 năm... Giải pháp trọn gói bao gồm từ máy pha chế, cà phê sạch, bao bì và ly đựng thân thiện môi trường đến đào tạo nhân viên, cách bán hàng… Có nghĩa, từ mô hình này nhóm đã tiếp tục tạo dựng thêm nhiều mô hình khởi nghiệp cho người khác từ việc mở quán kinh doanh cà phê. Trong đó, có những sinh viên khởi nghiệp thành công từ số tiền vốn 1 triệu đồng với điểm bán cà phê mang đi.
Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải còn cho biết, hiện sáng tạo này đã được nhóm đăng ký sở hữu trí tuệ trong nước và tại Mỹ. Và sau nhiều lần sang thăm, một quỹ đầu tư của Mỹ quyết định “mua đứt” thương hiệu cà phê Javi với giá 3,5 triệu USD, nhưng nhóm từ chối. Gần đây, cũng có một số công ty cà phê lớn của Việt Nam tiếp cận nhưng nhóm chưa chốt bất kỳ phương án nào.
Tiến sĩ Hải cho biết ngoài lợi nhuận, dự án này còn hướng đến những giá trị to lớn hơn - đó là tinh thần của cà phê và ý chí dân tộc Việt Nam trong từng chiếc máy cà phê thuần Việt chuyên nghiệp. Đó là mong muốn tiếp tục cung cấp cho người dân Việt sản phẩm cà phê sạch với giá bình dân, tạo ra 10.000 việc làm mới cho người khó khăn và góp phần tăng giá trị xuất khẩu cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.