Người tố giác tội phạm được bảo vệ khi nào?

Phan Thương
Phan Thương
07/11/2021 12:43 GMT+7

Sau khi làm đơn tố giác tội phạm đối với bà Nguyễn Phương Hằng, thì ca sĩ Vy Oanh và nhà báo Hàn Ni nhận được những tin nhắn đe dọa, nên cả hai đều làm đơn gửi cơ quan chức năng, đề nghị được bảo vệ khẩn cấp.

Ca sĩ Vy Oanh đã gửi đơn đề nghị công an bảo vệ khẩn cấp vì liên tục bị đe dọa. Trong đơn gửi cơ quan công an, Vy Oanh khẳng định việc bị đe dọa xảy ra sau khi nữ ca sĩ gửi đơn tố giác và đơn đề nghị khởi tố doanh nhân Nguyễn Phương Hằng vào các ngày 21.6 và 25.10.

Ca sĩ Vy Oanh ký đơn đề nghị Công an TP.HCM khởi tố vụ án, khởi tố bị can liên quan đến bà Nguyễn Phương Hằng livestream đề cập thông tin sai sự thật đến nữ ca sĩ

CTV

Trong các đơn tố giác tội phạm trên, nữ ca sĩ yêu cầu Công an TP.HCM khởi tố vụ án đối với hành vi bà Nguyễn Phương Hằng dùng mạng xã hội livestream đưa ra thông tin vô căn cứ, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm đến danh dự của nữ ca sĩ.

Ngoài ra còn có nhà báo Hàn Ni (Báo Sài Gòn Giải Phóng) cũng gửi đơn đến Công an tỉnh Bình Dương đề nghị được bảo vệ khẩn cấp.

Trước đó, bà Hàn Ni đã có đơn tố giác và đơn yêu cầu khởi tố vụ án về các tội danh làm nhục người khác, vu khống và lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, đối với bà Nguyễn Phương Hằng.

"Sau khi có động thái tố giác bà Phương Hằng tới các cơ quan chức năng thì rất nhiều người ủng hộ bà Phương Hằng thường xuyên gọi điện, nhắn tin vào trang fanpage cá nhân của tôi đe dọa, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, thậm chí đe dọa cả sức khỏe, tính mạng của tôi và gia đình" - bà Hàn Ni nêu trong đơn.

Vì vậy, bà Hàn Ni đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương áp dụng các biện pháp bảo vệ cho bà và người thân.

Điều kiện để được bảo vệ

Luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM) cho hay bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 có quy định về bảo vệ người tố giác tội phạm tại Chương XXXIV.

Theo đó, khi có yêu cầu của người tố giác tội phạm, Cơ quan điều tra sẽ xem xét và quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ đối với người được bảo vệ trong các vụ việc, vụ án hình sự do cơ quan mình thụ lý, giải quyết, điều tra.

Về các biện pháp bảo vệ, luật sư Nguyễn Minh Hùng (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết Điều 486 BLTTHS 2015 quy định khi có căn cứ xác định tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ bị xâm hại hoặc bị đe dọa xâm hại do việc cung cấp chứng cứ, tài liệu, thông tin liên quan đến tội phạm thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ họ.

Luật sư Hùng cũng nêu, theo Điều 486 nói trên, các biện pháp bảo vệ gồm: Bố trí lực lượng, tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và các phương tiện khác để canh gác, bảo vệ; Hạn chế việc đi lại, tiếp xúc của người được bảo vệ để bảo đảm an toàn cho họ; Giữ bí mật và yêu cầu người khác giữ bí mật các thông tin liên quan đến người được bảo vệ; Di chuyển, giữ bí mật chỗ ở, nơi làm việc, học tập; thay đổi tung tích, lý lịch, đặc điểm nhận dạng của người được bảo vệ, nếu được họ đồng ý; Răn đe, cảnh cáo, vô hiệu hóa các hành vi xâm hại người được bảo vệ; ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi xâm hại theo quy định của pháp luật; Các biện pháp bảo vệ khác theo quy định của pháp luật.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.