Người tiểu đường nên ăn bao nhiêu cơm để an toàn?

Thiên Lan
Thiên Lan
27/11/2022 00:08 GMT+7

Hầu hết bệnh nhân tiểu đường rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan về lượng tinh bột, còn gọi là carbohydrate (carbs) họ bối rối liệu họ có thể ăn những thứ mà họ đã quen thuộc như cơm hay không.

Tuy nhiên, thực sự bệnh nhân tiểu đường vẫn cần carbs, nhưng chất lượng và số lượng của chúng cần được theo dõi, tốt nhất là nên chọn carbs phức hợp vì cần nhiều thời gian để phân hủy thành đường và ngăn ngừa biến động đường huyết.

Tiến sĩ Gandhi, Trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng và chế độ ăn kiêng, Bệnh viện Fortis Mohali (Ấn Độ), cho biết: Đối với người tiểu đường, lượng carbs chỉ nên chiếm 40-45% tổng số calo trong ngày.

Hầu hết bệnh nhân tiểu đường rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan về lượng tinh bột

Shutterstock

Vậy bệnh nhân tiểu đường nên ăn bao nhiêu cơm?

Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia Ấn Độ, 1 khẩu phần carbs an toàn cho người bệnh tiểu đường là 30 g gạo hoặc sản phẩm làm từ ngũ cốc, tiến sĩ Gandhi giải thích, theo Indian Express.

Tổng lượng carbs hoặc calo mà một người có thể hấp thụ trong cả ngày tùy thuộc vào chiều cao, cân nặng, mức độ tập thể dục và liều lượng thuốc của từng người, tiến sĩ Gandhi nói.

Tiến sĩ Gandhi cho biết, bác sĩ có thể tìm ra lượng carbs phù hợp mà từng người bệnh có thể tiêu thụ để giữ cho lượng đường trong máu ở mức bình thường, điều này có thể thực hiện được bằng cách ăn các khẩu phần nhỏ carbs đều đặn.

Theo tiến sĩ Gandhi, người mắc bệnh tiểu đường không nên tránh hoàn toàn carbs. Mà cần để ý đến chất lượng và số lượng của carbs.

Nên chọn các loại carbs phức hợp như ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, trái cây và rau quả. Đồng thời tránh các loại carbs đơn như đường, khoai tây, chuối, nước trái cây và thực phẩm chế biến sẵn.

30 g gạo được tính là 1 khẩu phần carbs an toàn cho người bệnh tiểu đường

Shutterstock

Người bệnh tiểu đường nên tiêu thụ lượng carbs trong giới hạn an toàn và chọn dạng carbs phức hợp, bởi vì đường được tạo ra khi tiêu hóa carbs làm tăng lượng đường trong máu sau bữa ăn. 30 g gạo cung cấp 20 g carbs.

Vì vậy, 30 g gạo - tương đương với hơn 1/3 chén cơm được tính là 1 khẩu phần carbs an toàn cho người bệnh tiểu đường, tiến sĩ Gandhi giải thích, theo Indian Express.

Tốt nhất nên ăn cơm với nhiều rau, đậu và kết hợp một phần cơm với đậu làm tăng giá trị dinh dưỡng của bữa ăn. Cơm có thể thay thế bằng ngũ cốc nguyên hạt như yến mạch, lúa mì nguyên hạt.

Ngoài ra, cần chú ý đến món tráng miệng, nên tránh nước ngọt, bánh ngọt vì sẽ chuyển hóa thành đường nhanh hơn, theo Indian Express.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.