Người tiêu dùng không sẵn lòng mua hàng giá cao

20/10/2021 13:52 GMT+7

Trong những tháng khi TP.HCM và nhiều tỉnh, thành thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt để phòng chống dịch, nhiều loại hàng hóa tăng giá bất thường khiến người dùng khốn khổ.

Hiện nay một số hàng hóa đã hạ nhiệt nhưng vẫn có nhiều sản phẩm vẫn giữ nguyên mức tăng trước đó.

Rau củ thịt cá hạ nhiệt, hàng quán chưa giảm

Từ đầu tháng 10, TP.HCM bắt đầu cho phép nhiều hoạt động, dịch vụ mở cửa trở lại trong điều kiện bình thường mới với các quy định phòng chống dịch Covid-19. Đặc biệt, việc các siêu thị, cửa hàng thực phẩm được phép mở cửa cho người tiêu dùng vào mua sắm trực tiếp cũng như nhiều chợ truyền thống lần lượt mở lại đã phần nào khiến giá thực phẩm giảm xuống. Chẳng hạn, các loại trứng đã về lại mức giá như trước đây; các loại hải sản, thịt tươi cũng giảm mạnh như thịt heo cũng đã giảm về giá ngang bằng trước đây và chỉ còn dao động từ 120.000 - 160.000 đồng/kg... Thậm chí có nhiều cửa hàng, siêu thị còn tung ra hàng loạt chương trình khuyến mãi, giảm giá lớn để đồng hành cùng người tiêu dùng từ đầu tháng 10 đến nay. Thế nhưng không phải tất cả hàng hóa đều giảm mà có nhiều sản phẩm vẫn duy trì mức tăng như trong những ngày giãn cách. Theo chị An (Q.7, TP.HCM), một số loại bột làm bánh như bột bánh mì, bánh bông lan, bột mì đa dụng... hầu như ở siêu thị vẫn không có nên vẫn phải mua ở ngoài và giá vẫn cao hơn trước từ 5.000 - 7.000 đồng/kg; thậm chí cả những mặt hàng trong nhóm hàng hóa không thiết yếu cũng tăng, như giá thùng bia của nhãn hàng có tên tuổi đã tăng thêm 10.000 đồng/thùng từ tháng 9 đến giờ;... “Rất vô lý khi nhiều sản phẩm trước đó tăng giá đều cho hay do chi phí vận chuyển tăng cao vì các quy định siết chặt của nhiều tỉnh thành để phòng chống dịch Covid-19. Nhưng hiện nay các hoạt động sản xuất, vận chuyển dần dần trở lại như bình thường nhưng giá không giảm chứng tỏ các nhà sản xuất hay người bán tận dụng cơ hội tăng giá. Trong khi nhiều hộ gia đình đã bị giảm sút thu nhập rất nhiều do ảnh hưởng của dịch nên việc tăng giá bán chắc chắn sẽ khiến khách hàng quay lưng, nhất là với những sản phẩm không thiết yếu như bia”, chị An nói.

Nhiều sản phẩm đã hạ giá

A.Y

Thu nhập giảm, không chấp nhận mua hàng giá cao

Trải qua đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 với quá nhiều khó khăn, nhất là tại TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam, nhiều gia đình đã bị giảm mạnh thu nhập. Báo cáo từ Tổng cục Thống kê ngày 12.10 cho thấy bình quân của người lao động trong một số ngành kinh tế vốn đã chịu tác động từ các đợt dịch Covid-19 lần trước, quý 3/2021 tiếp tục gặp nhiều khó khăn hơn với mức thu nhập bình quân giảm sâu so với quý trước. Cụ thể, thu nhập bình quân của lao động quý 3/2021 là 5,2 triệu đồng/tháng, giảm 877.000 đồng so với quý trước và giảm 603.000 đồng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân của người lao động quý 3/2021 thấp hơn đáng kể so với quý 2/2020 (5,2 triệu đồng so với 5,5 triệu đồng), trong khi quý 2/2020 đã ghi nhận thu nhập bình quân của người lao động là mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Đồng thời, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý 3/2021 là hơn 1,7 triệu người, tăng 532.200 người so với quý trước và tăng 449.600 người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý 3/2021 là 3,98%, tăng 1,36 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,25 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, theo khảo sát thực hiện trong tháng 9 của Công ty nghiên cứu thị trường Cimigo về việc bình ổn giá trong và sau đại dịch Covid-19, có gần 30% số người tham gia khảo sát cho biết thu nhập của cả gia đình đã giảm hơn 50% so với trước khi dịch bệnh diễn ra, kế đến là khoảng 10% số người cho biết mức giảm hơn 40 - 50% so với trước... Cụ thể như đối với hàng gia dụng thì có 91% người cho hay không sẵn lòng trả tiền nhiều hơn; đối với sản phẩm chăm sóc và làm đẹp thì có 88% khách hàng không chấp nhận; còn đối với bia thì có đến 93% người tiêu dùng cũng cho rằng họ không sẵn lòng trả mức giá cao hơn. Nhìn chung, có nhiều người cho hay họ sẽ mua ít hơn để cân đối chi tiêu hoặc tìm mua các sản phẩm thay thế hoặc sản phẩm có giá rẻ hơn. Đặc biệt, có đến 81% khách hàng được hỏi trả lời sẽ hạn chế chi tiêu cho các sản phẩm không thiết yếu, kể cả đó là thương hiệu ưa thích.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.