Người tiêu dùng chuyển ăn thịt gà, bò, tôm cá để giảm áp lực lên thịt lợn!

28/04/2020 18:51 GMT+7

Trong bối cảnh giá thịt lợn còn ở mức cao, người tiêu dùng nên chuyển ăn các loại thực phẩm khác như thịt bò, thịt gà, hải sản... để thay thế, giảm tải áp lực cho thị trường thịt lợn!

Đó là quan điểm được nhiều đại biểu chia sẻ tại toạ đàm trực tuyến chủ đề: "Thúc đẩy chăn nuôi an toàn sinh học gắn với tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm", do Báo Nông thôn ngày nay, Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp tổ chức chiều nay, 28.4, tại Hà Nội.
Ông Nguyễn Văn Trọng, Cục phó Cục Chăn nuôi, cho rằng dịch Covid-19  khiến giá gia cầm trong thời gian qua giảm mạnh do nhiều bếp ăn tập thể đóng cửa, không hoạt động, nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh. Trong khi trước đó, để ứng phó với dịch tả lợn châu Phi, Bộ NN-PTNT có chủ trương phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm để bù lại sản lượng thịt lợn thiếu hụt, khiến tổng đàn gia cầm trên cả nước tăng nhanh.
Theo thống kê, tổng đàn gia cầm cả nước đạt trên 470 triệu con, tăng khoảng 15% so với năm 2019. Đây là mức tăng trưởng kỷ lục về số lượng, kết hợp với ảnh hưởng dịch Covid-19 phức tạp từ đầu năm đến nay khiến giá gia cầm sụt giảm sâu.
Cũng theo ông Trọng, dù nguồn cung thực phẩm gia cầm, hải sản hiện rất lớn nhưng thịt lợn vẫn chiếm 65% cơ cấu thực phẩm trong bữa ăn, trong khi gia cầm, thực phẩm từ gia cầm chỉ chiếm 22%.
“Khi làm chính sách, chúng tôi đều muốn cân đối, hài hoà giữa các loại thực phẩm, nhưng do thói quen tiêu dùng, thịt lợn vẫn là thực phẩm chủ yếu được tiêu thụ nhiều nhất nên có những biến động như dịch tả lợn châu Phi như vừa qua thì áp lực lên thị trường thịt lợn và ngành chăn nuôi là rất lớn”, ông Trọng nói.

Gà, vịt chỉ nướng, luộc khó hấp dẫn người tiêu dùng!

Ông Võ Việt Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn chế biến thực phẩm Nam Hà Nội, cho rằng sau khi các địa phương nới lỏng giãn cách xã hội, giá gà, vịt, trứng đang có dấu hiệu phục hồi. Chúng ta không phải quá hốt hoảng vì giá gia cầm tăng hay giảm. Đây là xu hướng bình thường và theo quy luật cung cầu, nên để khu vực chăn nuôi sẽ tự điều tiết cân bằng.
Ông Dũng cho rằng, mấu chốt hiện này là giải quyết chênh lệch nhu cầu tiêu dùng giữa thịt lợn và gia cầm hay với các loại thực phẩm khác. Theo đó cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về thực phẩm và các lợi ích của sản phẩm thực phẩm như gà, vịt, trứng, cá, hải sản, làm sao để người tiêu dùng thay đổi thói quen lựa chọn thực phẩm đa dạng hơn thay vì chỉ chọn thịt lợn như hiện nay.
“Để khuyến khích, hấp dẫn người dân tiêu dùng thực phẩm gia cầm nhiều hơn thì công nghệ chế biến các món ăn từ gia cầm phải thay đổi, đa dạng để cho nhiều sản phẩm, thay vì chỉ chế biến các món nướng, luộc truyền thống bao lâu nay. Trong khi thịt lợn được chế biến được rất nhiều món”, ông Dũng nói.
Bà Hạ Thuý Hạnh, Phó giám đốc Trung tâm khuyến nông quốc gia, dẫn thông tin từ các chuyên gia dinh dưỡng cho thấy, trong 100 gr thịt lợn, có 18 - 19gr protein, nhưng trong 100gr thịt bò cũng có 18 - 20gr protein, để thấy hàm lượng dinh dưỡng trong thịt lợn, bò hay gà tương đương như nhau, nhưng người Việt Nam quen sử dụng thịt lợn nhiều hơn.
“Người tiêu dùng có thể chuyển một số phần nhu cầu thịt lợn sang sản phẩm khác như thịt bò, gà, cá, tôm hay đậu, hạt ngũ cốc giàu protetin tự nhiên, góp phần giảm tải áp lực giá cho thị trường thịt lợn”, bà Hạnh đưa ra lời khuyên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.