Người Sài Gòn rủ nhau đi tô heo đất

13/01/2019 13:33 GMT+7

Một sáng cuối tuần, người Sài Gòn rủ nhau đi tô màu heo đất giữa lòng thành phố. Bên cạnh những đứa trẻ say sưa ngồi tô vẽ với quần áo, mặt mày lấm lem, người lớn cũng “nhập cuộc” để tìm về tuổi thơ của mình.

[VIDEO] Bạn có còn nuôi heo đất?

Tô màu heo đất, tìm về tuổi thơ

Một sáng cuối tuần, dưới tán cây đa cổ thụ ở số 7 Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1, TP.HCM) xuất hiện gần trăm chú heo đất thô. Đây là một hoạt động nhỏ của Làng Yên (một dự án của những bạn trẻ hướng về việc chia sẻ các giá trị văn hóa Việt Nam) kết hợp và tổ chức trong không gian “Chợ quê giữa phố” của Hội quán các bà mẹ.
Những chú heo đất thô ở đây được nhập về từ làng gốm Lái Thiêu (Bình Dương) - một làng nghề truyền thống có tuổi đời đã hơn nửa thế kỷ.
Hoạt động tô heo đất diễn ra vào 2 ngày cuối tuần 12 - 13.1 trong không gian "Chợ quê giữa phố" ở Q.1 HOÀI NHÂN
Hoạt động thú vị thu hút nhiều phụ huynh dắt trẻ đến vui chơi vào cuối tuần HOÀI NHÂN
Mỗi chú heo đất thô chỉ có giá 20.000 - 30.000 đồng, sau khi mua sẽ được tự do tô vẽ, sáng tạo bằng màu, cọ có sẵn HOÀI NHÂN
“Làng Yên đang thực hiện chuỗi sự kiện hướng về văn hóa ở các làng quê Việt Nam, nhằm duy trì và phát huy những giá trị truyền thống đẹp đẽ, nhất là cho các bạn trẻ. “Xóm heo đất” Lái Thiêu đang có nguy cơ bị mai một, khi từ một thời hưng thịnh vài trăm hộ làm heo, giờ chỉ còn hơn chục hộ bám trụ. Năm nay lại là năm Kỷ Hợi, nên mình quyết định tổ chức hoạt động này, không chỉ cho các bạn nhỏ giải trí mà còn khơi gợi ký ức heo đất trong tuổi thơ nhiều người”, bạn Vũ Nguyễn Hồng Loan (sinh viên trường ĐHKHXH&NV TP.HCM), một trong những người khởi động dự án Làng Yên, chia sẻ.
Những chú heo thô được lấy về từ "xóm heo đất" Lái Thiêu nổi tiếng HOÀI NHÂN
Những đứa trẻ được hướng dẫn tô màu cho heo HOÀI NHÂN
Tập trung cao độ HOÀI NHÂN
“Con bỏ ống heo từ hồi học lớp lá lận, mỗi ngày 1 đến 2 nghìn tùy vào con ăn nhiều hay ít. Con tính học hết lớp 5 sẽ đập heo để lấy tiền phụ mẹ cho con học lớp 6, vì lớp 6 phải đóng nhiều tiền hơn. Nay con tô con này xong sẽ mang về để dành, mai mốt bỏ tiếp”, bé Phạm Tiến Phúc (10 tuổi, ngụ Q.11, TP.HCM) hào hứng kể, trong lúc đang tô một chú heo đất.
Chị Vũ Thị Ánh (40 tuổi, ngụ Q.5, TP.HCM) chia sẻ: “Nghe hoạt động cũng thú vị nên mình dắt con gái nhỏ đến chơi cuối tuần. Ngày xưa thấy ở đâu có tô heo là mình mê tít, đòi mẹ đi cho được! Tô xong rồi mang về nhà bỏ ống tiết kiệm, giờ nhớ lại vẫn thấy vui. Nhưng tụi nhỏ giờ có nhiều hình thức giải trí hơn, điều kiện kinh tế cũng khác đi, nên việc một đứa trẻ bỏ heo đất dành dụm mua quà bánh, áo quần cũng trở nên hiếm gặp hơn”.
Không chỉ có trẻ con hào hứng tô vẽ... HOÀI NHÂN
... mà người lớn cũng xắn tay áo trở về tuổi thơ HOÀI NHÂN

Năm Hợi nói chuyện heo

Trong ký ức của nhiều người lớn, hình ảnh con heo đất gắn liền với những năm tháng tuổi thơ. Khi chưa có heo nhựa, ống tiết kiệm đủ mẫu mã, chất liệu, thậm chí có cả mật khẩu, thì những heo đất là hình thức tiết kiệm tiền duy nhất của những cô cậu học sinh.
Với Hồng Loan, bên cạnh vô vàn hình thức tiết kiệm hiện tại, heo đất vẫn có một vị trí nhất định. “Cái cảm giác mình tự tô, tự bỏ tiền, tự đập heo rất thú vị, mình nghĩ ai cũng thích hết. Bản thân mình cũng từng nuôi heo nhiều lần, nhắc tới là nhớ tới bao nhiêu thứ trên đời! Nhịn ăn bỏ heo nè, đau khổ khi có việc cần dùng nè, hào hứng khi nuôi con heo khác nè. Thậm chí còn cảm giác bỏ vô rồi muốn lấy ra, mà tiếc quá không đập, nên dùng nhíp gắp nữa”, Loan cười.
“Cho tới giờ mình vẫn nuôi nè, mặc dù đã có rất nhiều hình thức tiết kiệm khác như thẻ ngân hàng, ví điện tử,… nhưng rõ ràng, gửi tiền vào thẻ mình sẽ đặt nặng vấn đề vật chất hơn, với muốn lấy ra khi nào thì lấy. Còn bỏ heo sẽ có cả giá trị tinh thần nữa, muốn đập phải đắn đo suy nghĩ. Cái cảm giác đó đó thú vị lắm, ngộ lắm”, chị Nguyễn Hồng Yến (33 tuổi, ngụ Q.1, TP.HCM) chia sẻ.
Hình ảnh những heo đất đã gắn liền với tuổi thơ nhiều thế hệ HOÀI NHÂN
Những nét cọ nguệch ngoạc hồn nhiên HOÀI NHÂN
Cười rạng rỡ khi sản phẩm hoàn thành HOÀI NHÂN
Những chú heo đất luôn được làm ra với hình dáng và khuôn mặt rất dễ thương, còn có màu sắc sặc sỡ. Vì thế, những đứa trẻ “chăn” heo thường xem đó là một người bạn của mình.
“Kiểu nhìn con heo rất đẹp, lại gần gũi mỗi ngày. Nếu có kế hoạch từ trước và chủ động đập thì… tiếc ít. Còn cần đập gấp để mua gì đó thì đau lòng chứ! Con heo mình nuôi lâu nhất là 3 năm cấp 3, khi đập mình được gần 6 triệu. Lần đó, mình đã tự sắm đồ để chuẩn bị xa nhà lên đại học, còn lần đầu mua quà tặng ba mẹ nữa”, bạn Vũ Thị Vân (23 tuổi, ngụ Q.1), kể lại.
Giữa rất nhiều heo nhựa, ống tiết kiệm đủ chất liệu, cài mật mã,... heo đất vẫn mang một giá trị tinh thần thú vị HOÀI NHÂN
Không gian nhỏ đầy hình ảnh tuổi thơ HOÀI NHÂN
Còn anh Nguyễn Tấn Phát (35 tuổi, ngụ Q.3, TP.HCM) lại kể về lần đập heo đấu tranh tâm lý suốt… nửa tháng của mình: “Một lần mình bắt gặp món đồ chơi kia, thích quá chịu không nổi nên xin tiền ba mẹ, nhưng ba mẹ không cho. Vậy là có ý định đập con heo đã chăn 1 năm trời. Mà hễ cầm nó lên lại tiếc. Ngày nào cũng tâm sự, vuốt ve, kiểu như đứa con tinh thần vậy, giờ khác nào… “giết” đứa con tinh thần để lấy tiền. Đúng nửa tháng sau mới đủ can đảm đập đó”.
Chị Lê Hà (38 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận) cũng chia sẻ: “Mình cũng đang tập cho các con thói quen nuôi heo, để cho bé biết cách tiết kiệm tiền. Cứ mỗi năm một con, bắt đầu từ mùa hè năm này đến năm sau. Bé bỏ được nhiều nhất vào dịp Tết, khi có tiền lì xì. Rồi trong cuộc sống hằng ngày, làm việc tốt bé cũng được thưởng để bỏ heo. Qua đó, mình có thể dạy bé cách tiết kiệm tiền và những bài học khác”.
Cảm giác khi đập một chú heo đất vừa vui lại vừa buồn, vì có một số tiền trước mặt, nhưng lại mất đi một "người bạn" gần gũi mỗi ngày HOÀI NHÂN
Heo đất còn mang đến cho những đứa trẻ nhiều bài học HOÀI NHÂN
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.