Người Sài Gòn ở Măng đen

Phạm Anh
Phạm Anh
17/02/2018 09:00 GMT+7

Khu du lịch sinh thái và khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao Măng Đen, huyện Kon Plông (Kon Tum) dần hình thành, phát triển, một phần do công của người Sài Gòn. Họ đến và gắn bó như duyên phận với xứ ngàn thông này.

Đổ tiền cho rừng… mọc rau
Sau những tháng mưa não nùng, nắng về kéo theo cái lạnh đầu mùa cho ngàn hoa Măng Đen khoe sắc. Dọc đường vào xóm Quận 2, dã quỳ vàng cả lối đi. Trại rau, hoa 27 ha của bà Nguyễn Thị Thiện Mỹ (58 tuổi) ngun ngút màu xanh của khoai tây, dâu tây, chanh dây, cải thảo; sắc đỏ, vàng của hoa phong lan.
Bà Mỹ giải thích xóm Quận 2 là do người ở quận 2, TP.HCM lên đây lập hơn 10 trang trại làm ăn, lâu ngày thành tên xóm. Rồi bà kể năm 2008 cùng nhóm bạn lên xứ ngàn thông làm từ thiện và tham quan. Vẻ hoang sơ, trong lành của “Đà Lạt 2” cuốn hút người Sài Gòn. Vậy là năm 2010, bà cùng hơn 10 hộ gia đình rời thành phố lên Măng Đen… trồng rau. Mỗi người làm một trang trại. Vốn tự bỏ ra, thậm chí bà đã bán 2 căn nhà được hơn chục tỉ đồng “đổ” vào đất Măng Đen cho rau, quả lên xanh.
Tới năm 2015 - 2016, bà Mỹ bắt đầu thu lợi nhuận mỗi năm vài tỉ đồng từ rau, củ. Nhưng đây chỉ là lấy ngắn nuôi dài, đoạn “hái quả” chính là ngọn đồi 6 ha bưởi da xanh với 3.000 gốc đang ra bói và 3.500 gốc bơ sáp trên ngọn đồi gần 10 ha phía trước.
Trang trại triệu đô
Cạnh xóm Quận 2 là trang trại đã “hút” 1,5 triệu USD chỉ riêng xây dựng hạ tầng, nhà kính, đường… của ông Lê Văn Phước (59 tuổi). Câu chuyện bỏ đô thị phồn hoa lên rừng trồng rau của ông Phước bắt đầu từ ngày ông qua Úc thăm con đang du học. Tham quan nông trại của người bạn lâu năm làm rau xanh xứ chuột túi, ông mê quá nên khi về nước đi tìm đất và chọn Măng Đen để dừng chân.
Người Sài Gòn ở Măng đen 1
Một góc hoang sơ Măng Đen Ảnh: Phạm Anh
Vợ chồng ông Phước thuê 45 ha đất lập trang trại ở Măng Đen. Do dự án cần hơn 7 triệu USD, nên ông đã liên kết với một công ty của Úc, mỗi bên đầu tư một nửa. Vậy là công nghệ Úc đổ vào từ kho lạnh, hệ thống nước tưới, các loại giống rau quả... Định kỳ 6 tháng một lần, các chuyên gia từ Úc sang kiểm tra tất cả các khâu từ sản xuất đến thành phẩm, đảm bảo là sản phẩm sạch.
Cái tình níu giữ chân người
Người Sài Gòn đầu tư đầu tiên ở Măng Đen là bà Nguyễn Thị Kim Dung (50 tuổi). Vốn ở huyện Bình Chánh, mở xí nghiệp may có hơn 100 công nhân, làm ăn phát đạt, nhưng khi lên nghỉ mát ở Măng Đen, thấy vẻ “ngái ngủ” của xứ sơn khê này, bà quyết định đưa cả gia đình lên Măng Đen và đầu tư xây khách sạn, nhà hàng. 10 năm gắn bó với Măng Đen, bà Dung thổ lộ ở lại đây là vì tình người níu giữ.
Lúc mới lên, một người địa phương cho bà mượn chỗ ở, đặt văn phòng làm việc miễn phí. Khách sạn đi vào hoạt động năm 2008 rất ít khách, chỉ dịp lễ, tết mới có. “Đôi lúc nản, muốn rút về Sài Gòn, nhưng những lúc đó mấy anh lãnh đạo huyện Kon Plông và tỉnh Kon Tum lại hỏi thăm, động viên, tôi cảm động nên quyết tâm bám trụ”, bà Dung kể. Đến nay, khách sạn và nhà hàng của bà Dung là chốn đi về quen thuộc của nhiều du khách, tình hình kinh doanh đang tốt dần lên.
Ông Nguyễn Văn Lân, Chủ tịch UBND huyện Kon Plông, cho biết ở Măng Đen có hơn 20 nhà đầu tư từ TP.HCM. “Họ nói đầu tư là bắt tay vào làm luôn, luôn năng động, tự tìm tòi cách kinh doanh riêng", ông Lân nói. Cũng theo ông, nhờ chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, ngoài người Sài Gòn thì nay các doanh nghiệp Hàn Quốc, Úc, Nhật, Pháp… cũng tới Măng Đen làm ăn. “Trong tương lai, Măng Đen sẽ là vùng sản xuất nông nghiệp sạch, không khác gì Đà Lạt”, ông Lân tự tin.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.