Người Sài Gòn không phải ai cũng biết cách đặt tên đường 'độc'

29/10/2016 11:30 GMT+7

Nhiều bạn đọc phát hiện tên đường ở Sài Gòn từ cửa ngõ vào trung tâm là cả một chiều dài lịch sử. Tại sao tên đường lại được đặt như vậy, cách sắp xếp tên đường như vậy có ẩn ý gì? Cách đặt tên đường độc đáo này, chắc ít người Sài Gòn nào biết được.

Sau khi Thanh Niên đăng bài viết Những thú vị cách đặt tên đường Sài Gòn trước năm 1975, nhiều bạn đọc đã bình luận sôi nổi nói lên suy nghĩ của mình về những con đường này.
Độc giả có nickname Adriam Lam bình luận: “Thực ra cách đặt tên ngày trước rất hay và khoa học, như đường Công Lý chỉ một chiều, ngụ ý rằng công lý là thượng tôn, rất thâm thúy. Đường về miền Tây xưa kia là Lục tỉnh, rất dễ dàng định hình vị trí địa lý”.
VIDEO: Người Sài Gòn nói gì về cách đặt tên đường hiện nay? - Thực hiện: Hoàng Quỳnh
Bầu chọn
Bạn có biết một số tên đường ở Sài Gòn được đặt theo cụm có liên quan đến nhau?
Trong khi đó, độc giả Ngọc Nam bày tỏ: “Học sử qua tên đường rất dễ nhớ. Từ cửa ngõ vào tới trung tâm Sài Gòn là cả một chiều dài 4000 năm lịch sử dân tộc. Ngay sau đó, ý kiến này đã nhận được sự đồng tình của nhiều bạn đọc khác.
Khởi đầu từ Bến xe Miền Tây ta có đường Hồng Bàng, An Dương Vương, Triệu Đà, Bà Triệu rồi đến đường Lý Nam Đế, Triệu Quang Phục. Tiếp tục là Mai Hắc Đế, Phùng Hưng, Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lý Chiêu Hoàng. Nhà Trần thì có đường Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo và các tướng quây quần Phạm Ngũ Lão, Trần Khánh Dư.
Các bến sông gồm có Chương Dương, Vân Đồn, Hàm Tử. Bến cảng lớn nhất thì đặt tên Bạch Đằng… càng vào trung tâm thì càng tiệm cận đến thời hiện tại như Lê Lợi, Lê Lai, Nguyễn Trãi ...”.
Theo PGS.TS địa danh học Lê Trung Hoa, Ủy viên Hội đồng đặt tên đường TP. HCM, cách đặt tên đường trước năm 1975 chỉ có điểm thú vị đó là một số tuyến đường đặt tên theo cụm.
Cụ thể, PGS.TS Lê Trung Hoa liệt kê cụm tên đường thi sĩ ở quận 3 như: Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương, Tú Xương, Lê Quý Đôn, Lê Ngô Cát,… Cụm tên đường những nhân vật tham gia Việt Nam Quốc dân Đảng tại quận 1 như: Nguyễn Thái Học, Cô Giang, Cô Bắc, Nguyễn Khắc Nhu, Phó Đức Chính, Ký Con,…Cụm tên đường liên quan đến danh tướng thời Trần: Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư, Trần Khắc Chân,…
Hiện nay, cả 3 cụm này vẫn được giữ nguyên tên đường. Ngoài ra, thành phố còn có thêm cụm tên đường là tên của các loài hoa (quận Phú Nhuận), cụm tên đường gắn với tên của những con sông, ngọn núi (quận Tân Bình),…
Người Sài Gòn có biết cụm tên đường?
Theo ghi nhận trên những con đường đặt tên theo cụm tại 3 khu: Tân Định, quận 3 và quận 1, hầu hết người dân sống ở đây chỉ biết các tên đường ở quận 3 là những nhà thơ lớn.
Ở hai khu còn lại, những người dân được hỏi đều có chung câu trả lời: “Không biết những tên đường này có liên quan đến nhau”.
Tên đường theo cụm thi sĩ ở quận 3 Ảnh chụp màn hình Google maps
Ông Hà Văn Hiếu, làm nghề xe ôm ở khu vực ngã tư Bà Huyện Thanh Quan – Hồ Xuân Hương cho biết: “Quận 3 có nhiều tên đường là tên của các nhà thơ lớn nên dễ nhận biết. Đi đâu ai hỏi đường tên nhà thơ là biết hỏi tới quận 3 rồi!”.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Thanh Vân, tiểu thương chợ Cô Giang tỏ ra ngạc nhiên khi chúng tôi hỏi về sự liên quan giữa các tên đường ở cụm nhân vật tham gia Việt Nam Quốc dân Đảng.
Cô Giang là vợ của Nguyễn Thái Học, cả hai đều tham gia Việt Nam Quốc dân Đảng Ảnh: V.P
Chị Vân nói: “Không có liên quan gì hết, gọi Cô Bắc, Cô Giang chỉ là để phân biệt đường này với đường kia”.
Ông Huỳnh Hồng Châu, chạy xe ôm ở phường Cô Giang, quận 1 cũng thẳng thắn: “Tui chạy xe ôm ở đây lâu rồi nhưng thấy tên đường ở đây không có gì liên quan đến nhau”.
Tương tự, tại khu Tân Định, cụm tên đường của danh tướng thời Trần, anh Nguyễn Văn Thắng thợ sửa xe máy trên đường Trần Quang Khải cho biết anh mở tiệm ở đây gần 10 năm qua nhưng chỉ để ý khu vực này có nhiều tên đường bắt đầu là họ Trần như Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Khắc Chân,… chứ không biết nó có liên quan gì đến nhau hay không?
“Tôi nghĩ là họ khu vực này trước kia do họ khai phá hoặc có công trạng gì lớn đối với vùng đất này” – anh Thắng chia sẻ.
Đường Trần Quang Khải tại phường Tân Định, quận 1
Các nhà nghiên cứu tên đường ở Sài Gòn đánh giá cách đặt tên đường theo cụm trước đây rất khoa học nhưng không phải người dân nào cũng để ý, tìm hiểu và phát hiện ra những sự trùng hợp nhìn bề ngoài thì có vẻ ngẫu nhiên nhưng ẩn bên trong đó là sự sắp xếp có ý đồ.
PGS.TS Lê Trung Hoa cho biết, trong tương lai, thành phố sẽ sửa lại những tên đường bị sai, bị trùng. Ngoài ra, thành phố sẽ lắp thêm tấm bảng ghi tiểu sử nhân vật lịch sử hoặc nguồn gốc tên đường đặt phía dưới bảng tên đường để người dân biết thêm thông tin.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.