Người Sài Gòn hút hồn trước Siêu trăng hồng đẹp kỳ ảo và lớn nhất năm 2021

28/04/2021 06:24 GMT+7

Tối 27.4 là ngày cuối cùng mà người Sài Gòn được ngắm siêu trăng hồng - siêu trăng lớn nhất trong năm nay. Mặt trăng hồng mang ý nghĩa của sự sinh sôi thắp sáng bầu trời đêm khiến ai cũng ngẩn ngơ.

Theo NASA, thời điểm mặt trăng đạt cực đại rơi vào lúc 10 giờ 32 phút trưa ngày 27.4 (theo giờ Việt Nam) nên nếu không có các thiết bị chuyên dụng, mọi người sẽ không thể quan sát được vào thời điểm trên. Tuy nhiên, những người yêu thiên văn hoàn toàn có thể chiêm ngưỡng siêu trăng vào đêm trước và sau khi đạt cực đại (kéo dài từ tối 26 sang 27.4).
Thuật ngữ “siêu trăng” được đặt ra vào năm 1979 bởi nhà chiêm tinh học Richard Nolle, dùng để chỉ thời điểm trăng tròn hoặc trăng non có quỹ đạo gần với Trái Đất nhất. Khi ấy, mặt trăng sẽ sáng hơn khoảng 15% và lớn hơn khoảng 7% so với thông thường.

Theo góc chụp ở Q.Bình Thạnh, khi vừa xuất hiện ở đường chân trời khoảng 18 giờ 30 phút “siêu trăng hồng” có màu vàng đậm.

ẢNH: CAO AN BIÊN

Tên gọi “siêu trăng hồng” được dịch từ tiếng Anh là “super pink moon” nhưng thực sự thì mặt trăng không hề có màu hồng khi xảy ra hiện tượng này. Mặt trăng vào ngày “siêu trăng hồng” vẫn có màu vàng như thông thường. Tên gọi của hiện tượng siêu nhiên này xuất phát từ tên loài hoa chi anh (moss phlox) có nguồn gốc từ khu vực miền Đông và trung tâm nước Mỹ, thường nở rộ vào những ngày trăng tròn tháng 4.

Thành quả của Chấn Hưng sau một đêm chụp ảnh.

ẢNH: HỨA CHẤN HƯNG

Theo Chấn Hưng, chụp “siêu trăng hồng” lần này khiến anh cảm thấy rất đã

ẢNH: HỨA CHẤN HƯNG

Anh Hứa Chấn Hưng (26 tuổi, Tân Bình) lên sân thượng nhà mình với “đồ nghề” là chiếc máy ảnh Canon 5D Mark 3 với ống kính 80F900 EQ Pro để “săn” siêu trăng.

ẢNH: HỨA CHẤN HƯNG

Ngoài ra, siêu trăng hồng cũng được gọi với những cái tên khác gắn với sự sinh sôi nảy nở của vạn vật như trăng cỏ mọc mầm (sprouting grass moon), trăng trứng (egg moon), trăng cá (fish moon), trăng phá băng (breaking ice moon)... Nó được coi là biểu tượng của sự sinh sôi nảy nở.
Theo ghi nhận của Thanh Niên, hơn 18 giờ 30 phút mặt trăng bắt đầu xuất hiện với màu vàng đậm ở đường chân trời, sau đó chuyển dần sang thành màu trắng sáng khi lên đến đỉnh đầu. Thời tiết không quá thuận lợi vì có lúc nhiều mây nên người dân TP.HCM đã chọn những địa điểm thoáng đãng, có tầm nhìn cao để vừa hóng gió, vừa ngắm mặt trăng sau một ngày làm việc mệt mỏi.
Nhật Thịnh cùng bạn ra bến Bạch Đằng (Q.1) để chụp ảnh siêu trăng. ẢNH: NVCC

Siêu trăng hồng là cách gọi nhưng thực chất hình ảnh mặt trăng vẫn có màu vàng.

ẢNH: HỨA CHẤN HƯNG

Anh Hứa Chấn Hưng (26 tuổi, Tân Bình) hiện đang là giảng viên thanh nhạc tại TP.HCM. Anh cho biết bản thân là người rất yêu thiên văn từ nhỏ, nên mỗi lần biết được thông tin có hiện tượng nào kỳ thú anh cũng đón chờ để thưởng thức, chụp ảnh. Anh nói mình đã biết đến sự kiện “siêu trăng hồng” này hồi 6 tháng trước vì thường xuyên theo dõi thông tin từ NASA.
“Đó giờ tôi chưa bao giờ bỏ qua hiện tượng thiên văn nào cả. Hôm 26.4 tôi cùng bạn gái ra TP.Thủ Đức để chụp, nay thì mình tôi lên sân thượng của nhà mình để xem mặt trăng. Tôi có đọc thông tin là hôm nay mặt trăng sẽ to và tròn hơn so với hôm qua nên chuẩn bị sẵn 4 cái ống kính để chụp luôn. Nói thật là thời tiết hôm nay không thuận lợi bằng vì có nhiều mây, nhưng nhìn mặt trăng to như vậy vẫn thấy “phê” ghê”, anh Hưng cười.
Trong lúc ngắm và chụp siêu trăng này, anh Hưng cũng không quên đăng tải các bài viết vào hội nhóm của những người yêu thiên văn để mọi người cùng chiêm ngưỡng vẻ đẹp của “siêu trăng hồng” tại TP.HCM.

Bức ảnh Thịnh chụp mặt trăng vào khoảng 20 giờ.

ẢNH: NHẬT THỊNH

Siêu trăng được chụp tại một chung cư ở Q.4

ẢNH: NGUYỄN TẤN

Được bạn bè thông báo, anh Nguyễn Vũ Nhật Thịnh (22 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp) mới biết hôm nay là ngày cuối cùng được ngắm “siêu trăng hồng” trong năm 2021. Vậy là anh chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ để “săn” trăng. “Thường tôi cũng thích chụp chọt nên hôm nay cùng bạn ra bến Bạch Đằng (Q.1) ngắm trăng rồi chụp thử. Mong có vài bức ảnh ưng ý làm kỷ niệm vì trong đời đâu phải lúc nào cũng gặp hiện tượng này. Cũng may là hôm nay thời tiết khá thuận lợi, nhiều ngày trước cứ tối tối là trời mưa”, anh cho hay.
Bà Nguyễn Hồng Ánh (54 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) nói hôm nay mình hoàn toàn không biết có siêu trăng. Đang đi dạo với chồng thì mấy mặt trăng đẹp quá nên hai ông bà ngồi ghế đá để ngắm một lúc. “Trăng sáng và to hơn những ngày bình thường ha. Nhìn thấy đẹp ghê. Nghe cháu (PV) bảo ý nghĩa của mặt trăng này là sự sinh sôi, nảy nở nên cũng mong dịch Covid-19 trên thế giới được đẩy lùi, cuộc sống sớm trở lại bình thường”, bà Ánh hy vọng.
Theo The Premier Daily, ngày 26.5 tới siêu trăng tiếp theo sẽ xuất hiện và trùng hợp đây cũng là thời điểm diễn ra nguyệt thực toàn phần. Khi đó, mặt trăng sẽ chuyển sang màu cam đỏ trong khoảng 15 phút, được gọi là hiện tượng “trăng máu”. Khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng hiện tượng "siêu trăng máu" hiếm hoi này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.