Người Sài Gòn giàu có

27/10/2019 08:00 GMT+7

Nếu ai đó nói rằng người Sài Gòn rất giàu có, thì điều đó không sai. Người Sài Gòn giàu có thật. Họ giàu có… lòng tốt.

Là phóng viên, tôi từng bắt gặp những câu chuyện đẹp về lòng tốt của nhiều người ở Sài Gòn để chuyển tải trên mặt báo.
Như chuyện của bà Trần Thị Như Ý (52 tuổi, nhà ở đường Võ Duy Ninh, P.22, Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Vô tình biết một thí sinh quên đem giấy tờ dự thi kỳ thi THPT Quốc gia 2017 đã nhanh chóng chở thí sinh ấy về nhà cách điểm thi cả chục km, rồi tức tốc chở quay ngược lại điểm thi cho kịp giờ làm bài.
Hay bà Nguyễn Xuân Lan (50 tuổi, nhà ở đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, P.24, Q.Bình Thạnh, TP.HCM), là một trong những người đầu tiên có ý tưởng đặt thùng bánh mì “Từ thiện - miễn phí - một người một ổ” để giúp những người lao động nghèo... ghé lấy ăn mỗi khi đói.

Thùng bánh mì miễn phí giúp cho nhiều người nghèo qua bữa

Ảnh: N.X.P

Nhiều người bảo, sở dĩ người Sài Gòn hay giúp đỡ người khác vì có điều kiện, giàu có, nên dư dả để giúp người.
Đúng là người Sài Gòn giàu có thật, nhưng giàu... tình người, giàu có... lòng tốt, chứ chưa hẳn là nhiều tiền bạc.
Bà Ý, bà Lan là “dân Sài Gòn gốc”, họ chẳng khá giả. Ngày bà Ý chở giúp thí sinh, bà đã trễ giờ “kiếm cơm” bằng nghề bán xôi ở chợ Thị Nghè. Bà Ý chở giúp “vì thấy thằng cu đó tội quá” như lời bà tâm sự.
Bà Lan cũng mưu sinh khó nhọc bằng đủ thứ nghề. Dẫu vậy, bà vẫn “chừa” ít tiền để cho ra đời thùng bánh mì miễn phí chỉ mong giúp đỡ và chia sẻ với bà con, với những người khó khăn.
Tôi từng chứng kiến nhiều người Sài Gòn, khi vô tình đọc được bài báo về một trường hợp nghèo khó, đã dốc sạch khoản tiền dành dụm để quyên góp, giúp đỡ. Có người chạy xe ôm vét hết túi số tiền công kiếm được trong ngày để “giúp được thì giúp”.
Người Sài Gòn là vậy, dù có thể không giàu có của cải, vật chất, nhưng chỉ cần thấy động lòng, xót dạ là hết mình chia sẻ cùng người khác. Họ sẵn sàng chìa tay giúp đỡ những mảnh đời khó khăn. Họ giúp đỡ trong âm thầm, lặng lẽ để cuộc đời này trở nên tốt đẹp, chứ không phải để phô trương. Nhiều người quyên góp tiền giúp đỡ người khác nhưng nhắn nhủ: “Đừng ghi tên tôi làm gì, cứ để “một người ở Sài Gòn” là được rồi”. Ngày tôi liên hệ bà Ý để viết bài, bà cứ xua tay: “Trời ơi, có gì đâu mà viết, tui làm chuyện bình thường mà”…

Bà Ý từng “giải cứu” thí sinh trong kỳ thi THPT Quốc gia 2017

Ảnh: N.X.P

Lòng tốt của người Sài Gòn là vậy, cứ hiển hiện một cách nhẹ nhàng, tự nhiên như hơi thở.
Và dường như chính lòng tốt của “dân Sài Gòn gốc” đã phần nào thắp lên ngọn lửa yêu thương của những người khác, là những người “dân tỉnh lẻ” đang là “người Sài Gòn” khi sinh sống, làm việc ở thành phố này. Lòng tốt của con người qua đó được nhân rộng, lan tỏa mạnh mẽ.
Nhiều nhân vật trong các bài báo của tôi từng thổ lộ, chính lòng tốt của người Sài Gòn hiện hữu mỗi ngày là niềm cảm hứng mạnh mẽ để khơi gợi, đánh thức sự thiện lương trong họ.
Hồ Tuấn Sáng (30 tuổi) là người Nghệ An nhưng sinh sống ở Sài Gòn nhiều năm. Sáng đồng cảm khi chứng kiến được nhiều câu chuyện đẹp về sự giàu có lòng tốt của người Sài Gòn. Sáng xem sự tử tế ấy là điều phải học hỏi, cũng muốn là “một người giàu có… lòng tốt” giống như “dân Sài Gòn gốc”.
Để rồi Sáng đã dành tình yêu cho thành phố này bằng cách cùng nhiều người bạn đến từ nhiều nơi lập ra nhóm SOS Sài Gòn. Hàng đêm, nhóm rảo khắp nẻo đường để giúp đỡ người dân bằng cách vá xe, cứu nạn miễn phí.

Quần áo miễn phí của chú Ba trên đường Nguyễn Hoàng (quận 2, TP.HCM)

Ảnh: Vũ Phượng

Vẫn biết rằng trong mỗi người, dù làm nghề gì, lứa tuổi nào, ở bất kỳ đâu thì cũng có lòng tốt. Vì bản chất của con người là sự thiện lương. Ở nhiều tỉnh, thành, lòng tốt vẫn đã và đang hiển hiện từng giờ, từng ngày. Thế nhưng nếu nói, về lòng tốt, người Sài Gòn giàu có bật nhất thì có lẽ không ai bắt bẻ.
Cứ nghĩ về thời gian khi kỳ thi “2 trong 1” chưa ra đời thì hiểu rõ điều ấy. Không ít người Sài Gòn đã cưu mang hàng vạn thí sinh, phụ huynh từ khắp mọi nơi, chăm lo chỗ ở, miếng ăn… miễn phí.
Người Sài Gòn khởi xướng việc nấu những suất ăn miễn phí cho bệnh nhân, người nhà ở các bệnh viện tại Sài Gòn. Những bữa cơm đậm tình người ấy đã, đang, và vẫn còn hiển hiện, làm vơi bớt đi nỗi khó khăn của bao người.
Những đợt bão lũ ở miền Trung, miền Tây…, người Sài Gòn, với sự giàu có về lòng tốt, chứ chưa hẳn giàu có về vật chất, đã quyên góp vô số phần quà để cứu giúp người dân ở vùng chịu thiên tai.
Có thể nói, sự giàu có về lòng tốt như là đặc trưng của người Sài Gòn vậy. Sài Gòn nghĩa tình, ấm áp tình người hơn nhờ nét đẹp bất biến ấy.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.