Người Sài Gòn đối mặt nguy cơ ung thư phổi nếu hít quá nhiều bụi mịn ngoài đường

02/04/2019 13:35 GMT+7

Hít phải bụi mịn trước mắt gây ra các triệu chứng: ho, khó thở, nặng ngực. Về lâu dài gây ra các bệnh lí đường hô hấp ở trẻ em, gây giảm chức năng phổi, khả năng sinh ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Theo số liệu của Trung tâm quan trắc và phân tích môi trường, thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, trong 10 năm gần đây, các chỉ số về bụi, hạt bụi mịn (PM10), siêu mịn (PM2.5), NO2, ở những vị trí quan trắc ảnh hưởng do hoạt động giao thông ở TP.HCM luôn vượt chuẩn, có nơi gấp gần 10 lần quy chuẩn.
Đây là những thông số được Trung tâm tính toán từ các thống số đo được vào thời điểm sáng từ 7 giờ 30 đến 8 giờ 30, chiều từ 15 giờ đến 16 giờ.

Nguyên nhân từ đâu?

Thạc sĩ, bác sĩ Dương Minh Ngọc – Giảng viên phân môn Hô hấp, Bộ môn Nội, Đại học Y dược TP.HCM, cho biết hạt bụi mịn PM2.5 là hạt bụi có kích thước < 2,5 micromet (viết tắt là µm, bằng 1 phần triệu mét). Tương tự, hạt bụi PM10 là hạt bụi có kích thước < 10 µm.
Đây là những hạt bụi có kích thước rất nhỏ, có thể vượt qua hàng rào lọc bụi ở mũi để vào sâu trong hệ hô hấp của con người. Nguồn gốc chủ yếu của bụi PM10 và PM2,5 là do khói từ các phương tiện giao thông như tàu, xe, hoạt động nấu ăn và bụi công nghiệp.
Khí CO là khí được tạo ra khi carbon trong nhiên liệu bị đốt cháy không hoàn toàn. Khí CO có thể có nguồn gốc tự nhiên như cháy rừng hay do con người tạo ra (khói thải từ các động cơ tàu, xe). Và tất cả mọi người đều tiếp xúc hay hít phải khí CO ở một mức độ nào đó, từ ít tới nhiều. Có những nơi và thời điểm trong ngày mà mật độ giao thông đông đúc, tạo ra nhiều khí CO hơn so với những nơi khác.
Ở góc độ khác, chúng ta cũng có thể hít phải khí CO khi hút thuốc lá chủ động hay thụ động. Ngoài ra, khí CO còn được sinh ra từ các bếp than trong nhà (các vụ ngộ độc CO do dùng bếp than tổ ong để sưởi ấm trong mùa đông).
Còn khí SO2 được sinh ra chủ yếu từ các hoạt động đốt cháy nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ. Do vậy khi các động cơ đốt dùng nhiên liệu hóa thạch còn được sử dụng, chúng ta vẫn còn hít phải khí này từ môi trường.
Cuối cùng, khí NO2 có thể có nguồn gốc tự nhiên như giông, sét hay do các hoạt động của con người, chủ yếu từ đốt nhiên liệu hóa thạch như than đá hay dầu mỏ. Phần lớn khí NO2 trong các thành phố đến từ các phương tiện giao thông như xe máy, ô tô,...

Hít phải bụi này, trước mắt gây ra các triệu chứng như ho, khó thở, nặng ngực. Về lâu dài gây ra các bệnh lí đường hô hấp ở trẻ em, gây giảm chức năng phổi, gây ra các đợt kịch phát của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hay hen; một số nghiên cứu cho thấy khả năng sinh ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

ThS, BS Dương Minh Ngọc

Đại diện Trung tâm quan trắc và phân tích môi trường cũng cho biết NO2 phát sinh từ quá trình đốt nhiên liệu: đặc trưng cho ô nhiễm công nghiệp và giao thông. Gần đây, NO2 trong không khí ở TP.HCM có xu hướng giảm có thể là do chính sách yêu cầu xử lý khí thải ngày càng chặt của các doanh nghiệp sử dụng nhiên liệu để đốt.

Tác hại của ô nhiễm không khí

ThS, BS Ngọc cho biết, những hạt bụi nhỏ kích cỡ < 2.5 µm có thể vào sâu trong phổi, vượt qua các hàng rào bảo vệ thông thường của đường thở.
"Hít phải bụi này, trước mắt gây ra các triệu chứng như ho, khó thở, nặng ngực. Về lâu dài gây ra các bệnh lí đường hô hấp ở trẻ em, gây giảm chức năng phổi, gây ra các đợt kịch phát của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hay hen; một số nghiên cứu cho thấy khả năng sinh ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính”, BS Ngọc cho biết thêm.
Khí CO đi vào trong cơ thể rất nhanh sau khi hít phải. Nếu hít phải khí CO ở nồng độ cao, bạn sẽ chết; nồng độ thấp hơn sẽ gây tổn thương tim và não. Đối với phụ nữ có thai, hít phải CO nồng độ cao, có thể gây sảy thai; nồng độ thấp hơn trong suốt thai kì có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển tâm thần của em bé sau khi sinh. Đây là điều cần lưu ý đối với phụ nữ có thai.
Thống số bụi tại An Sương qua các năm (đơn vị µg/m3)  Đồ họa: Vũ Phượng
Tương tự, sau khi hít phải SO2, khí này sẽ nhanh chóng vào trong máu, bị biến đổi và được thải ra ngoài. Các nghiên cứu cho thấy tiếp xúc trong thời gian ngắn với SO2 ở nồng độ cao 100 ppm (parts per million – một phần triệu) có thể ảnh hưởng tính mạng. Tiếp xúc ở nồng độ thấp 0,4-3 ppm trong thời gian dài sẽ làm giảm chức năng phổi.
Còn khí NO2 khi hít phải cũng sẽ gây ảnh hưởng đến hệ hô hấp. Cụ thể là gây viêm đường thở, giảm chức năng miễn dịch đối với nhiễm trùng, có thể gây ra các triệu chứng như khò khè, ho. Có thể ảnh hưởng đến bệnh nhân hen, gây ra các đợt kịch phát hen.
NO2 có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức trên quy chuẩn Đồ họa: Vũ Phượng

Cần làm gì để phòng tránh?

BS Ngọc cho biết, để bảo vệ sức khỏe khi mức độ ô nhiễm không khí cao, tốt nhất là ở trong nhà có máy lọc bụi. Nếu không có máy lọc bụi cho cả căn nhà, có thể dùng máy lọc cho chỉ một phòng, cần nhất là phòng ngủ. Tránh di chuyển đến các nơi có mật độ giao thông đông đúc. Hạn chế các hoạt động tập luyện thể dục thể thao gần những nơi này.
Mang khẩu trang khi đi ra đường cũng là một cách để đối phó với ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, đối với các loại khẩu trang thông thường, không thể ngăn được bụi có kích thước nhỏ như PM2.5 hay PM10. Các khẩu trang chuyên dụng như N95 theo hướng dẫn của nhà sản xuất có thể ngăn ngừa được các loại bụi này, nhưng lưu ý khi dùng cần phải đúng.
“Những bệnh nhân có bệnh tim, phổi thường xuyên khó thở, khi dùng loại khẩu trang N95 có thể làm cho bệnh nhân khó thở nhiều hơn và cần phải thận trọng khi sử dụng”, BS Ngọc lưu ý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.