Người Sài Gòn bị móc túi 'chớp nhoáng' trên xe buýt: Bí kíp 'xương máu' phòng thân

Lê Hồng Hạnh
Lê Hồng Hạnh
29/09/2019 15:17 GMT+7

Giờ cao điểm khi xe buýt không còn chỗ ngồi cũng là thời điểm móc túi hoành hành. Điện thoại, ví tiền, trang sức của hành khách trên xe chính là những món “béo bở” mà những người hành nghề móc túi nhắm đến.

Giá vé rẻ, lại tránh được khói bụi, nắng mưa, xe buýt là một phương tiện công cộng được nhiều người lựa chọn đặc biệt là sinh viên. Bên cạnh những tiện lợi trong việc di chuyển, nạn móc túi trên xe buýt khiến nhiều người ái ngại khi lựa chọn phương tiện này. 

Chớp nhoáng là bị móc túi

Trần Nguyễn Cẩm Hương (20 tuổi, sinh viên trường Đại học Nông Lâm TP.HCM) chia sẻ: “Tôi nhớ hôm đó là ngày đầu tiên đi thực tập hè năm nhất, tôi lên xe buýt số 19 ở trạm bến xe Nông Lâm. Tôi để điện thoại ở ngăn ngoài cùng của ba lô. Lúc đi gần tới trạm mới, tôi có ghế ngồi nên định kiếm điện thoại nhưng không thấy. Lúc đó tôi chỉ nghĩ là nó nằm đâu đó trong ba lô thôi. Tôi có nhờ điện thoại của cô ngồi cạnh để gọi vào số nhưng số thuê bao mới biết mình bị mất điện thoại”.

Phải cảnh giác cao độ khi đi xe buýt đặc biệt là lúc xe đông người

LÊ HỒNG HẠNH

Lê Thị Diễm (21 tuổi, sinh viên trường Đại học KHXH&NV TP.HCM) vẫn chưa quên được cảm giác hốt hoảng, nặng nề khi bị móc laptop khi đi xe buýt. Diễm kể lại, đó là lần đi về nhà người quen ở Bình Dương trên chuyến xe buýt số 7. Sau khi xuống xe thì phát hiện bị mất laptop.
Sau đó Diễm mới nhớ lại lúc trên xe đông hành khách thì có hai thanh niên kề sát vào người và kéo ba lô Diễm đang đeo sau lưng. Ba lô rất nhỏ lại đựng nhiều đồ nên không kéo hết giây kéo ba lô, vậy là bị lấy cắp. “Năm đó là năm nhất, laptop vừa mới mua, không có tiền mua lại cái mới”, Diễm nói.

Thủ đoạn tinh vi

Anh T.H.M. (Đội trưởng đội kiểm tra hợp tác xã vận tải 19/5) cho biết những thủ đoạn móc túi rất tinh vi. Kẻ xấu thường đi theo nhóm từ 4 đến 6 người lên xe nhưng không ngồi vào chỗ, khi thấy ai hớ hênh thì giả bộ tiếp cận, giả bộ ngủ rồi lấy áo khoác che tay lại mà móc. Nhiều thủ đoạn khác như khách lên xe thì dàn cảnh chen lấn rồi móc.

Anh M. cho biết các nhóm này thường mang áo khoác rộng, đeo khẩu trang, nữ đội nón lá. Thường có nhóm 3 nam 1 nữ lên xe sau đó chia ra người ngồi sau, người ngồi giữa, người ngồi trước rồi người còn lại đứng. Nhóm này di chuyển liên tục, nếu nhắm được sẽ tháo nón che tay để móc trộm.

Đeo ba lô ra đằng trước để tránh móc túi lợi dụng tạo xô đây để móc túi trên xe buýt

LÊ HỒNG HẠNH

Anh Lê Xuân Huy (37 tuổi, tài xế xe buýt số 86) cảnh báo nếu tài sản của hành khách để trong túi áo khoác, thì "dân hai ngón" sẽ sử dụng loại dao lam chuyên dụng rất nhỏ và sắc để xẻ túi. Nếu đồ đựng ở trong túi đeo bên người thì sẽ có một chiếc túi khác nhưng là không đáy. Sau khi tiếp cận con mồi, những kẻ móc túi sẽ giả vờ lục tìm trong túi khiến những người xung quanh chỉ nghĩ là đang lục tìm đồ ở trong ví. Thực chất đối tượng sẽ thò tay từ túi không đáy để lấy đồ của hành khách đứng cạnh.

Anh Huy giải thích thêm, khi hành khách trên xe phát hiện bị móc điện thoại và hô hoán thì sẽ có người trên xe chủ động cho mượn điện thoại để gọi tìm máy. Người đó chính là đồng bọn, điện thoại cho mượn là điện thoại được chuẩn bị sẵn và sẽ không thể gọi để kết nối với điện thoại khác. Giả làm người tốt, đồng cảm để đánh lạc hướng để đồng bọn rút sim ra khỏi điện thoại.

Kinh nghiệm "xương máu" khi đi xe buýt

Nhiều năm làm tài xế xe buýt, anh Huy đúc kết hành khách khi đi xe buýt nếu có tiền, điện thoại thì để vào túi quần rồi để một tay vào hẳn trong túi quần. Nếu không, hãy để hết vào ba lô và đeo ra phía trước. “Phải tự kiểm soát được tài sản của mình, tuyệt đối không được chủ quan”, anh nhấn mạnh.

Là một tiếp viên trên xe buýt, chị Nguyễn Thị Kim Loan (30 tuổi) nhiều lần chứng kiến nạn móc túi trên xe buýt . Chị thường nhắc nhở mọi người trên xe buýt tự giữ lấy đồ đạc của mình. “Giờ đồ của mình thì mình phải tự giữ thôi chứ đâu ai giữ được tại xe đông mà”, chị nói.

Sau lần bất cẩn làm mất laptop khi đi xe buýt, Diễm rút ra kinh nghiệm "xương máu": “Đi xe buýt nên ôm cặp phía trước, phải ôm vào người và giữ nó như sinh mạng của mình, nhất là lúc đông người”.

“Tại mình chủ quan nên mấy người đó mới móc được. Từ đó, tôi đi xe buýt dù đông hay vắng là quay cái ba lô lên trước rồi một tay ôm ba lô lại. Với lại, lúc nào cũng chuẩn bị sẵn tiền đủ để đi xe thôi chứ không có đứng ngoài đường mà móc ví ra”, Cẩm Hương chia sẻ.

Bạn Lê Phan Phương Trúc (21 tuổi) rút ra bài học: “Vẫn là nên đeo ba lô ở trước, quan sát xung quanh. Nên đứng gần các bạn sinh viên có đeo thẻ. Tránh ngồi cùng, đứng cạnh những người ở tuổi trung niên, đeo khẩu trang, túi chéo hoặc phụ nữ có nón lá”. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.