Người phụ nữ với 'chiếc hộp' gieo hy vọng trong câu chuyện của Đại sứ Anh

06/11/2021 12:45 GMT+7

Từng chứng kiến phụ nữ bị bạo hành, chị Hương quyết tâm giúp họ tự tin, lấy lại động lực trong cuộc sống. HopeBox - Chiếc hộp hy vọng được ra đời với ý nghĩa nhân văn đó.

Chị Đặng Thị Hương (35 tuổi, quê ở Vĩnh Phúc) là một những phụ nữ có đóng góp quan trọng cho xã hội, vừa rồi có tham gia buổi nói chuyện với ông Gareth Ward (Đại sứ Anh tại Việt Nam).

HopeBox là doanh nghiệp xã hội giúp chị em phụ nữ bị bạo lực gia đình có được công ăn việc làm ổn định, vượt qua những tổn thương tâm lý và thay đổi cuộc sống.

Gieo niềm tin, gặt nụ cười

Năm 2016, chị Hương hoàn thành chương trình thạc sĩ Khởi nghiệp và đổi mới tại Úc. Trong thời gian này, chị biết đến chuyện một người thân bị bạo lực gia đình rất nghiêm trọng. Dù động viên, gửi tiền giúp đỡ nhưng người phụ nữ này vẫn không thoát khỏi môi trường bạo lực.

Chị Hương chia sẻ về dự án HopeBox

dương lan

“Trong thời gian ở Úc, tôi luôn nghĩ đến việc làm điều gì đó để giúp đỡ chị em bị bạo lực gia đình và nhen nhóm ý tưởng làm một cái bếp cho các chị phụ nữ nấu cơm trưa bán. Tôi chia sẻ ý tưởng này với các bạn bè của tôi nhưng ai cũng nói là khó và tôi cũng dần lãng quên ý tưởng đó. Học xong chương trình thạc sĩ ở Úc, tôi đi làm cho một công ty IT và nghĩ sẽ ở lại làm một vài năm, tuy nhiên sau 6 tháng tôi quyết định trở về Việt Nam để làm cho một doanh nghiệp xã hội là KOTO”.

Năm 2017, khi được tham gia chương trình lãnh đạo trẻ Việt – Úc, chị đưa ý tưởng này và được lựa chọn tham gia mô hình kinh doanh. Sau đó không lâu, chị tham gia một hội thảo và xúc động khi nghe câu chuyện bị bạo lực của một chị người Úc. Với sự động viên, ủng hộ của bạn bè, chị quyết tâm thực hiện dự án. Tháng 8.2018, HopeBox đi vào hoạt động và bán những hộp cơm trưa đầu tiên với số vốn nhỏ từ việc gây quỹ cộng đồng.

Chị Hương chia sẻ hình ảnh về những chiếc bánh do chị em trong HopeBox làm

dương lan

“Để đảm bảo dự án không bị dừng lại sau khi gây quỹ, tôi đi làm toàn thời gian để lấy tiền nuôi dự án. Tôi muốn chị em nhìn nhận HopeBox là cơ hội. Ngoài làm việc, tôi thường xuyên dành thời gian tâm sự để hiểu các chị em hơn từ đó có cách hỗ trợ phù hợp khi cần và đặc biệt là coi nhau như chị em. Nhiều người mới đến họ không sẵn sàng chia sẻ nên mình phải hiểu, phải để họ yên tâm, an toàn mới có thể đồng hành. Làm việc với chị em cũng cần sự bao dung, cố gắng để thấu hiểu họ”, chị Hương cho hay.

Mỗi người một hoàn cảnh nhưng họ đến với HopeBox với mong muốn thay đổi cuộc sống

Hopebox

Đến HopeBox, những người phụ nữ không may bị bạo lực gia đình được học kỹ năng và làm các sản phẩm như: bánh, khô gà, nến thơm,… Nếu học viên sẽ được đào tạo trong 6 tháng còn ở lại làm nhân viên sẽ được trả lương từ 6 -7 triệu đồng/tháng, được hỗ trợ một nửa tiền thuê nhà, phương tiện đi làm,…

“Tiếp xúc với nhiều chị em tôi nhận ra HopeBox phải là nơi an toàn vì cuộc sống trước đây của họ luôn chìm trong nỗi sợ hãi về tâm lý. Đây phải là nơi chị em được thương, để họ có được cuộc sống bình thường, có công việc đi làm tạo ra thu nhập. Giúp chị em tôi cũng phải có tính kỷ luật để họ không ỷ lại”, chị Hương chia sẻ.

Vượt khó khăn đồng hành cùng chị em

Trao đổi với Thanh Niên, chị Hương cho hay, thời gian đầu khi làm dự án, chị gặp nhiều khó khăn về vốn, về chính sách hỗ trợ, đầu ra cho sản phẩm,… Dịch Covid-19 bùng phát khiến hoạt động bị tạm ngưng một thời gian nhưng chị vẫn cố để duy trì dự án.

Đến với HopeBox chị em được làm bánh, làm nến, đồ ăn nhanh....

hopebox

“Lĩnh vực bạo lực gia đình rất phức tạp, không phải nói giúp là các chị em sẵn sàng rời bỏ môi trường bạo lực đến với mình. Họ có nhiều ràng buộc, cam kết, tâm lý bất ổn hoặc vẫn còn trong mối quan hệ bạo lực. Thậm chí, chồng họ còn tới làm phiền, dọa nạt khiến tôi cũng lo lắng, sợ hãi. Cũng có lúc, tôi thấy hơi đuối vì không phải chuyên gia trong lĩnh vực này. Tôi cũng có khi vu vơ nghĩ tại sao không dành tiền mua nhà, mua xe, đi làm ở một nơi có lương cao mà lại tiếp tục theo đuổi sứ mệnh xã hội này dù nó rất khó. Nhưng nghĩ lại mục tiêu trong cuộc sống của tôi không phải vì tiền mà tạo ra những tác động tích cực xã hội, đó là đam mê của mình”, chị nói.

Những chiếc bánh do chị em trong HopeBox làm được tặng nhiều hành khách của Vietnam Airlines

hopebox

Cũng theo chị Hương, người phụ nữ được chị giúp đỡ trước đây đã đến HopeBox cống hiến từ những ngày đầu thành lập với vai trò quản lý. Nhìn những chị em tìm lại được cuộc sống với những ước mơ, dự định tươi sáng, chị có thêm động lực để theo đuổi và phát triển doanh nghiệp của mình.

“Chính người phụ nữ năm đó là người đầu tiên cùng tôi làm dự án, giờ bạn ấy quản lý rất giỏi, làm những chiếc bánh rất đẹp. Dần dần nụ cười, sự vui vẻ luôn hé nở và chị ấy truyền cảm hứng tốt đến mọi người. Nghĩ lại trong “chiếc hộp hy vọng” có người đam mê cùng mình, có cùng mục tiêu và muốn thay đổi. Họ đã làm được việc đó thì không có lý do gì mình không tiếp tục theo đuổi”, chị Hương chia sẻ.

Thời gian tới, chị Hương hy vọng sẽ có thêm nhiều chính sách để giúp đỡ các chị em với thông điệp không để không có nạn nhân của bạo lực bị bỏ lại phía sau. Chị cũng mong các bạn trẻ sẽ quan tâm nhiều hơn đến mô hình doanh nghiệp xã hội. “Để xã hội phát triển không có bạo lực, đói nghèo không chỉ riêng một doanh nghiệp xã hội làm mà cần cả cộng đồng chung tay và đặc biệt là thế hệ trẻ, những người sẽ là các nhà lãnh tạo tương lai”, chị nói.

Doanh nghiệp xã hội HopeBox cũng nhận được giải thưởng “Phụ nữ tương lai” (Women Of The Future Awards) ở khu vực châu Á, Thái Bình Dương cho hạng mục doanh nghiệp, doanh nhân xã hội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.