Người phụ nữ không đầu hàng số phận

18/07/2017 14:32 GMT+7

Bị sốt bại liệt lúc 3 tuổi, nên suốt thời tiểu học chị được ba mẹ cõng đến trường. Hoàn cảnh quá khó khăn buộc phải nghỉ học nhưng chị không đầu hàng số phận.

Đó là chị Mai Thanh Nhàn (39 tuổi), Giám đốc Công ty TNHH MTV TMSX Thanh Nhàn (trụ sở tại ấp Thái Hòa, xã An Thái Đông, H.Cái Bè, Tiền Giang).
Năm 2004, chị tổ chức cơ sở gia công đan lát, lục bình, thu hút khoảng 200 lao động, nhưng thấy không hiệu quả nên đến năm 2009 thì nghỉ. Cùng thời gian đó, từ 2006 chị bắt đầu mở xưởng may.
Chị Nhàn kể: “Tôi lên mạng tìm thông tin rồi viết thư gửi Giám đốc Công ty dệt Phong Phú (TP.HCM) nói về hoàn cảnh, khả năng tổ chức một xưởng may nhỏ và muốn có cơ hội hợp tác bằng hợp đồng gia công”.

tin liên quan

Cổ tích của cô thủ thư vào lớp 1 năm 15 tuổi
Huỳnh Thị Xậm bị khuyết tật cả tay và chân từ khi lọt lòng mẹ. Thế nhưng vượt lên mọi khó khăn của cuộc sống chị đã viết nên câu chuyện cổ tích cho chính bản thân mình.
Đọc xong, ông giám đốc chuyển thư xuống nhà máy. Hai ngày sau, người phụ trách gia công mời chị tới trao đổi.
“Thật ra lúc đầu phía công ty không muốn ký hợp đồng vì chưa tin vào năng lực của tôi. Vì lúc ấy tôi hoàn toàn chưa có tay nghề và kinh nghiệm về may mặc”, chị Nhàn thú thật. Tuy vậy, phía công ty vẫn để hở một cánh cửa, rằng nếu chị chuẩn bị được các điều kiện ban đầu như nhà xưởng, mua sắm thiết bị, tuyển được lao động, thì sẽ ký hợp đồng.
Quyết nắm lấy cơ hội, chị tiến hành ngay việc xây dựng nhà xưởng, mua sắm thiết bị với chi phí ban đầu gần 400 triệu đồng. Trong đó, chị “gõ cửa” Ngân hàng Chính sách xã hội và được hỗ trợ vay một nửa, 200 triệu đồng. Số còn lại chị huy động từ người thân cùng vốn tích lũy khi làm gia công đan lát, lục bình. Chị nói vui: “Chấp nhận cho vay nhưng tôi nghĩ là mấy chú cũng phập phồng. Vì lỡ tôi làm mất vốn thì việc truy cứu trách nhiệm với người khuyết tật cũng hơi khó”.
Sau 4 tháng chuẩn bị, cuối năm 2006, chị chính thức khai trương xưởng may. Chị Nhàn tâm sự: “Hợp đồng gia công đầu tiên giá trị chỉ vài chục triệu đồng, nhưng được vậy là quá mừng… Hiện công ty sử dụng gần 100 lao động, có việc làm ổn định, với thu nhập bình quân từ 3 - 4 triệu đồng/tháng. Doanh số lúc cao nhất đạt từ 700 triệu đến 1 tỉ đồng/tháng”.
Năm ngoái chị Nhàn mua thêm thửa đất trị giá 5 tỉ đồng để mở rộng xưởng may, đồng thời nhập 200 thiết bị chuyên dùng với giá bình quân từ 5 - 15 triệu đồng mỗi thiết bị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.