Người phụ nữ đánh máy mướn cuốn 'Con bạc' thành vợ nhà văn Nga Dostoievski ra sao?

23/12/2021 11:23 GMT+7

Những gì nhân vật Alexei Ivanovich trải qua chính là một phần đời của nhà văn Nga Fiodor Dostoievski. Từ đó, độc giả khám phá ra một Dostoievski nhiệt cuồng với phụ nữ, sẵn sàng cho đi tất cả để chiếm bằng được người mình yêu.

Ít ai biết cuộc tình của nhà văn Nga Dostoievski với một người phụ nữ ông từng mướn đánh máy tác phẩm Con bạc là Anna Snitkina, sau này trở thành vợ chính thức của ông.

Về Con bạc, những người nghiên cứu Dostoievski hẳn đều biết đến giai thoại về sự ra đời của tác phẩm không dài này. Hè năm 1865, bị thúc nợ dữ dội, nhà văn Nga Dostoievski buộc phải bán cho Fiodor Stellovski, cũng là chủ nợ của ông, quyền xuất bản tất cả những sáng tác của mình. Nhưng trong hợp đồng ghi điều khoản đặc biệt: nhà văn phải giao một cuốn tiểu thuyết không dưới mười hai tay sách, tức chừng 250 trang của khổ sách bỏ túi thường thấy.

Chân dung Dostoievski do họa sĩ Vasily Perov thực hiện vào năm 1872

Wikipedia

Nếu Dostoievski không kịp nộp bản thảo vào ngày đầu tháng 11.1866, Stellovski sẽ toàn quyền in các tác phẩm của nhà văn trong chín năm liền mà không phải trả nhuận bút; được in cả những gì Dostoievski sẽ viết ra, cũng không phải trả một đồng xu cắc bạc nào.

Lúc ấy, nhà văn đang say sưa viết Tội ác và hình phạt cho tờ báo Người đưa tin Nga, kiểu “feuilleton” từng ngày, chưa thể dành thời gian viết tiểu thuyết mới, cho đến đầu tháng 10.1866. Đó là thời điểm gần với thời hạn hoàn thành cam kết giao tác phẩm mới.

Nhà văn Nga Dostoievski buộc phải mời Anna Snitkina, chuyên về tốc ký, đọc cho bà chép tác phẩm mới trong vòng 26 ngày; từ 4 đến 29.10. Bên cạnh người đẹp lại thêm động lực để sáng tác; hơn nữa, thời hạn nộp bản thảo đã tới quá gần.

Trong hồi ký, Anna Snitkina đã kể về quá trình viết chạy đua với thời gian này. Trước khi bà đến, Dostoievski đã thủ sẵn các phác thảo; sau đó, từ 12 giờ đến 16 giờ mỗi ngày, nghỉ ngơi rất ít, ông đọc cho bà ghi.

Tác phẩm của Dostoievski dịch ra tiếng Pháp: Le Joueur (Con bạc) trong tủ sách người viết bài

NGỌC TRÂN

Ảnh Dostoievski trong nhà ga tàu điện ngầm mang tên ông - Dostoevskaya ở Moscow, Nga

T.L

Về nhà, bà giải mã tốc ký và viết lại cho sạch đẹp, ngay trong đêm. Đúng ngày 31.10.1866, bản thảo được nộp cho Stellovski với tựa đề Ruletenburg (TP.Roulette). Sau đổi tên thành Con bạc.

Nhưng tay chủ nhà xuất bản muốn cướp không các tác phẩm của nhà văn, đã cho nhân viên ra nói rằng mình đi vắng vài ngày, như thế Dostoievski chẳng thể “giao hàng” đúng thời hạn.

Không biết ai mách nước, nhà văn luôn túng thiếu này liền đem bản thảo tác phẩm đến giao cho một đồn cảnh sát để làm bằng chứng là đã nộp đúng hẹn. Nhờ thế Dostoievski thoát khỏi tội bội tín và không mất quyền lãnh nhuận bút đối với các tác phẩm của mình sau này!

Sau này, với thành công vang dội của tiểu thuyết Anh em nhà Karamazov in năm 1880, nhà văn Nga Dostoievski cho biết sẽ cầm bút trong ít nhất 20 năm nữa. Nhưng chỉ vài tháng sau đó, ông lìa trần vì đột quỵ. Những giai đoạn cuộc đời ông đã được Anna Snitkina, dựa trên tài liệu tìm thấy trong nhà và sưu tầm ngoài đời, viết lại rồi xuất bản, bên cạnh hồi ký của bà.

Hầu hết các tác phẩm chính của nhà văn Nga Dostoievski đều đã được dịch ra tiếng Việt. Cuốn Tội ác và hình phạt hơn 700 trang, đến hai người khác nhau dịch từ đầu đến cuối và được hai nhà xuất bản khác nhau cùng in.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.