Người phát hiện, bồi dưỡng tài năng trẻ không ai khác chính là người thầy

Thu Hằng
Thu Hằng
12/12/2020 17:45 GMT+7

"Nếu không có thầy Đặng Anh Tuấn sẽ không có Ánh Viên của ngày hôm nay. Được thầy dạy dỗ, chỉ bảo và định hướng, tôi mới nhận ra đam mê của mình chính là chinh phục các đỉnh cao".

Đây là chia sẻ của vận động viên bơi lội Nguyễn Thị Ánh Viên tại Diễn đàn Bồi dưỡng, chăm lo và phát huy tài năng trẻ Việt Nam được tổ chức tại Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam ngày 12.12, trong khuôn khổ Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam.

Không thầy đố mày làm nên

Xuất hiện tại diễn đàn trong bộ quân phục quân nhân, “cô gái vàng” trong “làng bơi lội” Nguyễn Thị Ánh Viên nhận được những tràng pháo tay không ngớt từ phía các đại biểu. Cô cũng là người “châm ngòi nổ” cho cuộc thảo luận sôi nổi tại diễn đàn.
Kể lại cơ duyên trở đến với thể thao, Ánh Viên chia sẻ: “Tôi sinh ra trong gia đình nông dân ở miền Tây Nam bộ. Năm 12 tuổi, may mắn gặp HLV Đặng Anh Tuấn - người đã phát hiện, dẫn dắt và tạo cơ hội để tôi phát triển sự nghiệp. Tôi vô cùng biết ơn thầy Tuấn, nếu không có thầy sẽ không có Ánh Viên ngày hôm nay”.
Theo Ánh Viên, công tác phát hiện tài năng vô cùng quan trọng và người phát hiện không ai khác chính là những người thầy. Cô nói: “Những ngày đầu tham gia luyện tập, động lực của mình khi đó là kiếm tiền để phụ giúp gia đình. Nhưng khi được thầy dạy dỗ, chỉ bảo, định hướng, mình mới nhận ra đam mê của mình chính là chinh phục các đỉnh cao. Được học tập với những người giỏi, mình luôn trăn trở tại sao mọi người có thể làm tốt hơn mình. Đó là động lực để mình phấn đấu mỗi ngày để đạt được thành tích ngày hôm nay”.
Từng có thời gian học tập ở nước ngoài, anh Trần Thái Sơn, giảng viên Trường ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu, cho rằng muốn bồi dưỡng, phát huy tài năng trẻ trước hết cần phải đề cao vai trò của giáo dục, đặc biệt là của người thầy. Nếu ở các cấp tiểu học, trung học không được giáo dục tốt ngay từ ban đầu thì không sẽ không có thanh niên tài năng, tiến sĩ.
“Vai trò của người thầy trong xã hội hiện đại đang bị lu mờ. Chúng ta đề cao các ngành nghề ngoại thương, y, dược…, trong khi còn ngành sư phạm ít được nhiều người lựa chọn. Phụ huynh chưa tôn trọng thầy cô cũng vì thầy cô chưa phải là người giỏi nhất. Chúng ta phải đầu tư đào tạo bồi dưỡng nhân lực cho ngành sư phạm, phải có chế độ đãi ngộ cho sư phạm cao hơn, ngoài miễn học phí, nên có chế độ đưa sinh viên, giáo viên đi học tập, tham khảo kinh nghiệm nhiều hơn không chỉ trong nước mà nước ngoài. Có thầy tốt, thầy sẽ là người phát hiện, bồi dưỡng tài năng”, anh Trường Sơn chia sẻ.

Diễn đàn Bồi dưỡng, chăm lo và phát huy tài năng trẻ Việt Nam

Ảnh T.Hằng

Quan niệm "Không thầy đố mày làm nên" của cha ông ta đã khẳng định vai trò to lớn của người thầy đối với sự nghiệp của học trò. Đồng tình với quan điểm này, giảng viên trẻ Nguyễn Dương Toàn, Trường ĐH Hải Phòng, chia sẻ: “Điểm đầu vào của sinh viên ngành sư phạm nhìn chung là thấp, trừ những trường hàng đầu. Nhiều trường điểm chuẩn chỉ 16 - 18 điểm, trung bình từ 5 - 6 điểm/môn. Chúng ta thừa hiểu điểm đầu vào thấp, sinh viên học chuyên ngành khá trật vật, khi ra trường chỉ đạt yêu cầu ở mức cơ bản. Thầy không giỏi khó mà học trò tốt”.
Anh Nguyễn Dương Toàn cũng đề nghị Nhà nước cần có chế độ đãi ngộ tốt đối với các giảng viên, đặc biệt là chế độ lương bổng hoặc miễn giảm học phí để đội ngũ giáo viên, giảng viên có thêm nhiều cơ hội đầu tư học tập, nâng cao trình độ. 

Mở rộng hình thức hỗ trợ tài năng trẻ

Dưới góc độ doanh nhân, anh Phạm Văn Thịnh, Giám đốc Công ty TNHH xây dựng và dịch vụ Cường Thịnh (Hòa Bình), nhìn nhận bên cạnh vai trò của người thầy phát hiện ra các tài năng trẻ, công tác nuôi dưỡng, phát huy tài năng cũng quan trọng không kém.
Anh Thịnh chia sẻ: “Bất kể tài năng trẻ trong lĩnh vực gì muốn có cơ hội phát triển được đều phải có sự đầu tư, nhất là phải có tiềm lực tài chính. Trong điều kiện đất nước còn nghèo, chúng ta cần phải xã hội hóa, huy động các doanh nghiệp cùng tham gia đào tạo, hỗ trợ, tài trợ cho các tài năng. Ngoài Đại hội Tài năng trẻ tổ chức 5 năm 1 lần, cần có thêm những cuộc gặp gỡ để các thế hệ tài năng ở nhiều lĩnh vực khác nhau cùng chia sẻ, kết nối. Qua những cuộc gặp gỡ, doanh nghiệp chúng tôi sẵn sàng sát cánh, bỏ tiền đầu tư cho những ý tưởng, những công trình nghiên cứu của các tài năng trẻ”.
Để tiếp tục phát huy lớp tài năng trẻ Việt Nam hiện tại và đào tạo, xây dựng các lớp tài năng trẻ kế cận trong tương lai, thạc sĩ Hồ Thị Thương, Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam, đề xuất tạo điều kiện cho các tài năng trẻ được đứng chủ nhiệm đề tài, tăng mức thu nhập cho các tài năng trẻ để các tài năng trẻ yên tâm công tác, phục vụ đất nước.
"Chúng ta nên có thêm các hình thức khen thưởng thích hợp để khích lệ các tài năng trẻ tiếp tục phát huy; đồng thời đầu tư thêm các trang thiết bị kỹ thuật cao phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và tăng cường làm việc với các chuyên gia nước ngoài để tiếp cận các hướng nghiên cứu mới'", thạc sĩ Thương nói.
Theo anh Nguyễn Dương Toàn, giảng viên Trường ĐH Hải Phòng, cần tạo điều kiện và tạo môi trường cho các nhà nghiên cứu trẻ tiếp tục duy trì hoạt động nghiên cứu và tham gia các đề tài cấp bộ. Bên cạnh đó, T.Ư Đoàn nên có chủ trương với các tỉnh, thành Đoàn hỗ trợ kinh phí động viên khích lệ cho các nhà khoa học, các tài năng trẻ có các bài báo quốc tế, công trình nghiên cứu công bố quốc tế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.