Người Pháp dòm ngó đến Côn Đảo, vua Gia Long thẳng thắn khước từ ra sao?

12/05/2022 11:34 GMT+7

Kể từ thỏa ước Versailles 28.11.1787, quyền sở hữu Côn Đảo của nhà Nguyễn được mặc nhiên công nhận khi một bên (Việt) đồng ý nhượng cho và một bên (Pháp) đồng ý nhận lấy, như một sự trao đổi tương thuận. Tuy nhiên, vua Gia Long thẳng thắn khước từ.

Đầu thập niên 1790, sau khi thỏa ước Versailles trở thành bất khả thi hoàn toàn, và miền đất Gia Định trù phú đã gần như vĩnh viễn nằm dưới sự quản lý của mình, chúa Nguyễn Ánh (vua Gia Long sau này) bắt đầu nghĩ đến sự phát triển Côn Đảo.

Tranh vẽ chân dung vua Minh Mạng (1790-1841)

John Crawfurd (London - 1830)

Tháng 10 âm lịch 1790, chúa Nguyễn Ánh (vua Gia Long) cho tổ chức chăn nuôi ngựa công trên đảo và 6 năm sau (1796), “sai đội Nội mã ra đảo Côn Lôn chọn ngựa công về dâng” (Đại Nam thực lục tập 1- NXB Giáo dục, Hà Nội 2002, trang 266, 334). Tháng 6 âm lịch 1805, giặc biển người Chà và (Java) thực hiện những cuộc cướp bóc ngoài biển và gây hại nhiều cho cư dân Côn Đảo, vua Gia Long chấp thuận lời tâu của quan địa phương cho các thuyền công và tư được sửa sang khí giới để phòng bị.

Tham vọng của người Pháp ở Côn Đảo

Về phần người Pháp, mặc dầu sự bất khả thi của Thỏa ước Versailles phát xuất hoàn toàn từ điều kiện ngân sách suy kiệt của họ, song chính quyền Paris vẫn không quên tham vọng được làm chủ Côn Đảo. Năm 1817, họ cử De Kergariou, thuyền trưởng tàu La Cybèle, tới Việt Nam xin yết kiến vua Gia Long.

Trang bìa tác phẩm La mission de la Cybèle (Sứ mạng của tàu la Cybèle) viết về chuyến đi thất bại của Thuyền trưởng De Kergariou

t.l lê nguyễn

Nhà vua không dành cho De Kergariou sự tiếp kiến nào vì ông ta không trình được quốc thư của hoàng đế Pháp, song qua những tiếp xúc và trao đổi thư từ qua lại với hai quan lại người Pháp tại triều đình là Chưởng cơ Chaigneau (tên Việt: Nguyễn Văn Thắng, tước Thắng Toán hầu) và Chưởng cơ Vannier (tên Việt: Nguyễn Văn Chấn, tước Chấn Võ hầu), viên thuyền trưởng yêu cầu phía Việt Nam giao cho Pháp Côn Đảo như đã hứa trong Thỏa ước Versailles. Trước đòi hỏi bất hợp lý này, vua Gia Long đã thẳng thắn khước từ, với lý do là người Pháp đã không thi hành Thỏa ước Versailles thì không có lý do gì phía Việt Nam đơn phương thi hành nó (Trần Trọng Kim –Việt Nam sử lược, NXB Văn học – Hà Nội 2012, trang 465).

Năm 1820, khi vua Minh Mạng mới lên ngôi thì yến sào đã trở thành một nguồn lợi quan trọng ở Côn Đảo. Yến làm tổ đẻ trứng trên một vài hòn đảo không có người ở. Tháng 4 âm lịch 1820, tân quân quy định các địa phương Côn Đảo và Long Xuyên thuộc Gia Định Thành nộp thuế yến sào không phải bằng hiện vật, mà bằng tiền, với mức tương ứng một cân yến sào nộp 50 quan tiền (Đại Nam thực lục – tập 2 – NXB Giáo dục – Hà nội 2004, trang 60).

Vua Gia Long (1762-1820)

t.l lê nguyễn

Như vậy vào thời điểm này - khi vua Gia Long đã mất - Côn Đảo không còn thuộc về Trấn Biên (Biên Hòa) như từ thời chúa Nguyễn Phúc Chu, mà đã thuộc về trấn Phiên An (sau là tỉnh Gia Định) và việc khai thác yến sào ở Côn Đảo đã trở thành một nguồn thu đáng kể của ngân sách triều đình. Vào tháng 6 âm lịch năm 1829, “Thành thần Gia Định (tức Tổng trấn Gia Định Thành, Tả quân Lê Văn Duyệt – L.N) tâu rằng: “Thuế yến sào ở đảo Côn Lôn, trấn Phiên An và đảo Phú Quốc, trấn Hà Tiên thuộc hạt thành thường thường thiểu ngạch. Xin từ nay hằng năm đầu mùa xuân, chim yến làm tổ, phái viên của thảnh hội đồng với quản thủ sở tại, đến nơi khám điểm đăng ký rõ ràng, đến kỳ thì lính các đội Tân tiệp, Thanh châu, đi nhặt lấy như số, cân lường đem nộp. Đợi ba năm, thống kê số yến thu được, lấy số trung bình làm định ngạch. Phái viên và viên binh coi giữ dám thông đồng giấu bớt từ một tổ trở lên đều chiếu tang, xử nặng vào luật ‘uổng pháp’” (Đại Nam thực lục tập 2 – sđd, trang 860 - 861). Xem xong bản tấu, vua Minh Mạng không chấp thuận ngạch thuế lấy số trung bình 3 năm làm chuẩn, nhà vua sẽ xem xét và giáng chỉ sau. Năm 1839, toàn đảo thông kê được 16 hang yến, lấy được 448 tổ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.