Người nuôi ngao Thái Bình ‘đói’ cát, lâm cảnh nợ nần

Cù Hiền
Cù Hiền
02/05/2022 08:33 GMT+7

Hơn 50 ha đầm nuôi ngao của người dân xã Nam Cường (H.Tiền Hải, Thái Bình) có nguy cơ bỏ hoang vì không có cát mặt.

Theo đơn phản ánh của người dân xã Nam Cường (H.Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) gửi đến Báo Thanh Niên, từ tháng 6.2021 đến nay, hàng trăm hộ dân nuôi trồng hải sản không có cát để đảo bãi nuôi ngao, khiến nhiều người lâm vào cảnh nợ nần, trong khi đầm bãi bị bỏ hoang.

Nhiều ao đầm ở Thái Bình phải bỏ hoang vì thiếu cát nuôi ngao

C H

Cát bị cấm khai thác

Chia sẻ với chúng tôi, ông Trương Thái Cường, một hộ dân có nhiều năm nuôi ngao tại thôn Chí Cường (xã Nam Cường), nói: “Con ngao không có khả năng chủ động săn mồi và chọn lọc thức ăn, 90% thức ăn của ngao là mùn bã hữu cơ, còn lại là sinh vật phù du, chủ yếu là tảo silic, tảo giáp, tảo lam, tảo lục và tảo kim.

Khi nuôi ngao chúng tôi phải thường xuyên bơm cát biển vào bãi, vừa để tạo nguồn thức ăn phù du trong cát, vừa để che phủ cho ngao khi thời tiết nắng nóng. Chính vì vậy, cát là nguyên liệu rất cần thiết cho các hộ dân nuôi ngao. Nếu thiếu cát biển, chúng tôi không thể nuôi ngao được”.

Theo ông Cường, nếu điều kiện thời tiết thuận lợi, mỗi héc ta đầm ngao người dân sẽ thu về khoảng 930 triệu đồng/năm. Sau khi trừ chi phí còn khoảng 500 triệu đồng.

“Tuy nhiên, từ tháng 6.2021, chúng tôi nhận được thông báo không được khai thác cát ở biển nữa. Vì thiếu cát mà nhiều gia đình không nuôi được ngao, lâm cảnh nợ nần, đầm ao thì bỏ không, rêu phủ kín”, ông Cường nói.

Ông Đỗ Đức Thiện, Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã Nam Cường, cho biết trước đây, UBND tỉnh đã có chủ trương cấm hút cát biển nuôi ngao, nhưng người dân khu vực này vẫn cố gắng tìm nguồn cát một số khu vực ven biển. Song từ tháng 6.2021, việc hút cát bị nhà nước siết chặt hơn nên bà con không còn cách nào để nuôi được ngao.

Theo ông Thiện, mùa ngao giống đã đến, cũng là mùa hè nắng nóng, nếu không có cát, ngao giống sẽ không phát triển được hoặc chết, ngao còn sống thì chất lượng cũng không cao, không có giá trị về kinh tế. Xã Nam Cường có gần 50 ha đầm ngao, nhu cầu cát biển rất lớn. Nếu không thường xuyên bơm cát để “đảo bãi” ngao sẽ sinh trưởng chậm hoặc chết.

Theo tìm hiểu của Thanh Niên, H.Tiền Hải hiện có hơn 1.300 hộ dân làm nghề nuôi trồng thủy sản, với diện tích khoảng hơn 3.900 ha. Trong đó khoảng 1.990 ha có nhu cầu sử dụng cát biển. Mỗi ha cần khoảng 500 m3 cát một năm. Vì thiếu cát, nhiều ao đầm đang bị bỏ hoang, rong rêu phủ kín.

Phải chờ quy hoạch

Ông Hoàng Ngọc Sang, Bí thư Đảng ủy xã Nam Cường, xác nhận việc người dân trong xã thiếu cát biển để nuôi ngao, cuộc sống đang gặp khó khăn.

“Từ năm 2021, sau khi nhận được nhiều đơn kiến nghị của bà con, chúng tôi đã gửi báo cáo lên các cơ quan có thẩm quyền để tìm cách tháo gỡ, nhưng đến nay mọi việc chưa được giải quyết dứt điểm”, ông Sang nói thêm.

Việc mua cát nước mặn quá khó khăn, nhiều hộ dân thử mua cát nước ngọt về bơm vào bãi nhưng ngao không sống quen với loại cát này. Ông Sang cho biết, nếu tình trạng thiếu cát tiếp diễn, sẽ có thêm rất nhiều hộ dân phải bỏ hoang đầm, bãi.

Theo ông Vương Văn Trọng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa Lân (Bộ đội Biên phòng Thái Bình), đơn vị kiểm soát vùng biển khu vực này, trên địa bàn có 31 tàu, thuyền hút cát phục vụ nuôi trồng thủy sản tại các bãi triều ven biển và đầm trong đê.

Những phương tiện này không có giấy phép hoạt động, không có đăng ký, đăng kiểm, người điều khiển không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn, hợp đồng lao động.

“Khi phát hiện, chúng tôi đã lập biên bản, đình chỉ hoạt động bơm hút cát và không làm thủ tục xuất bến hoạt động cho các phương tiện trên”, ông Trọng nói.

Cũng theo ông Trọng, khu vực biển của H.Tiền Hải chưa có mỏ cát nào được cấp phép khai thác phục vụ nuôi trồng thủy sản. Nếu mua cát của đơn vị có cấp phép, giá cao gấp 3 lần bình thường. Việc này thực sự gây khó khăn cho bà con.

“Chúng tôi đã kiến nghị Bộ đội Biên phòng Thái Bình và UBND H.Tiền Hải tham mưu UBND tỉnh Thái Bình quy hoạch tạm các mỏ cát biển phục vụ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn và làm thủ tục đăng ký, cấp phép cho các phương tiện hút cát phục vụ nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, UBND tỉnh cho biết việc này phải chờ quy hoạch”, ông nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.